24 thg 9, 2011

Nhớ lại- TRIỂN LÃM MỸ THUẬT KHU VỰC SÔNG HỒNG Ở HẢI PHÒNG

Nhớ lại năm 2000- Triển Lãm Mỹ Thuật
khu vực sông Hồng ở Hải Phòng
                                     Lê Bá Hạnh
         

 Ngày 28 tháng 8 năm 2011 thành phố Hải Phòng khai mạc Triển Lãm Mỹ Thuật khu vưc đồng bằng sông Hồng…  đã thành công tốt đẹp. Nhớ lại một chuyện nhỏ kỉ niệm 11 năm trước. Năm 2000 cả nước háo hức chào đón thiên nhiên kỷ mới đầy huyền thoại…
Các họa sĩ 10 tỉnh trong vùng rất vui (năm đó Hà Tây chưa chuyển về Hà Nội) ngoài việc tham dự triển lãm còn có dịp tham quan thành phố Cảng. Chẳng ai ngờ tới một điều “không may” đã xảy ra:
          Ngày chở tranh đến Hải Phòng để triển lãm, các ngả đường vào trung tâm đều có biển cấm xe tải trên 1 tấn vào thành phố. Các xe tỉnh này đến tỉnh khác đều phải dừng lại ở ngoại ô chờ đến giờ “G”! Điện thoại tới tấp gọi về Trung tâm triển lãm “kêu cứu”. Họa sĩ Mạnh Cường, giám đốc Trung tâm Triển lãm mỹ thuật – Phó ban tổ chức, cùng họa sĩ Quang Ngọc chia nhau tới các ngả đón xe tỉnh bạn, mang theo giấy giới thiệu để nhờ cảnh sát giao thông dẫn đường vào Triển lãm. Vò đầu bứt trán, nài nỉ mãi rồi cũng đầu xuôi đuôi lọt.
          Riêng chuyến xe của hoạ sĩ Hoàng My, tỉnh Hà Tây, vào đến trạm kiểm soát Quán Toan cách trung tâm 10 km đã bị chặn lại: phạt 400.00đồng! Xe không phóng nhanh vượt ẩu, không cướp đường, không gây tai nạn, không đi trái đường, chỉ có một lỗi: Lắp lốp xe không đúng tiêu chuẩn!
          Họa sĩ Hoàng My dành mấy thánh lương mua vóc, mua sơn mài, dồn hết tâm huyết vào bức tranh “Ngày mùa” cực đẹp, hy vọng nhận giải cao ở Triển lãm lần này, có “tem mác” về tỉnh dễ bán cho Ủy ban, gỡ lại tiền nguyên liệu, cơ hồ này có lẽ đi tong hết. Lái xe và Hoàng My lục hết túi trong túi ngoài cũng không đủ tiền nộp phạt đành “ký gửi” hết giấy tờ và bằng lái, cầm tờ biên lai của trạm kiểm soát. Tối muộn xe mới bò vào sân Trung tâm triển lãm thành phố.
          Tôi vừa về nhà đã phải quay lại Triển lãm, nhận lệnh của giám đốc Mạnh Cường đưa Hoàng My và lái xe đi ăn cơm và nghỉ tối. Chúng tôi ăn mà như nhai phoi bào; đêm nằm trên đệm mút mà như ngồi trên chảo lửa. Sáng ra tôi sờ đến xe máy thì lốp đã xịt hơi từ lúc nào. Tôi đùa Hoàng My: “Lúc đi anh gieo được “quẻ” gì ma đen đủi lây sang cả tôi thế?”. Vốn là Hoàng My khoe có tài xem tử vi. Mấy năm trước, triển lãm mỹ thuật khu vực ở Hà Tây anh nhận tranh của chúng tôi, đưa đi uống bia cỏ, ăn cơm bụi, và lần lượt “bấm quẻ” cho từng người: Mạnh Cường, đã Cường lại còn Mạnh nữa, tuyệt vời rồi. Quang Ngọc, Ngọc quý lại còn phát sang nữa thi vô địch, nhưng hãy coi chừng có kẻ muốn đập vỡ đấy. Lê Viết Sử – chữ S tuyệt vời như tâm vòng bát quái, trong âm có dương, trong dương có âm, đầy đủ, rắn chắc, không quyền uy, gian khổ nào lung lay được ý chí và cá tính. Nhưng em bé nào xinh đẹp có thể lôi anh đổ đấy…
          Trong hơi men của bia cỏ, Hoàng My thao thao bất tuyệt, những câu đúng ai cũng nhận thấy, những câu sai coi như chưa ai nghe thấy, nhưng chỉ cần dăm ba câu đúng là kính nể lắm rồi. Ngay cả, con lớn, con bé của các hoạ sĩ, chưa hề gặp chỉ nghe bạn nói họ tên, ngày tháng năm sinh, Hoàng My đã nói được tâm tính, trơn tru cứ như đọc sách.
          Hoàng My cho biết: Khi đứa trẻ hình thành trong bào thai, cha mẹ cũng hình thành một ước nguyện và diễn đạt cụ thể bằng cái tên đặt cho chúng, bộ não đứa trẻ cũng phát triển theo lý trí cái tên mà cha mẹ đã định sẵn cho nó.
          Vậy mà… sáng hôm ấy, Hoàng My ỉu xìu như bánh đa gặp nước, chân kéo lê từng bước, vất vả lắm mới đưa được xe đến chỗ vá xăm. Một mảnh vỏ ốc sắc nhọn xuyên qua cái lốp mòn nhẵn talông. Lúc này tôi mới tâm đắc câu nói của hoạ sĩ Mạnh Cường: “Cứ cho xe lăn bánh vào chỗ xe trước đã đi qua là an toàn tuyệt đối!”
          Hoàng My lại giở bài tử vi: Hỏi tên tuổi anh vá xe rồi độc vanh vách lý lịch, uẩn khúc cuộc đời, làm chính anh nọ tròn mắt kinh ngạc. Anh quát vợ con pha ấm trà ngon để mời thượng khách như gặp bạn tri kỷ…
          Về triển lãm, tiếc bốn trăm ngàn đồng, gần một tháng lương chứ ít gì. Hoàng My thổ lộ với anh cảnh sát trật tự đang mê mải xem tranh. Anh này góp ý: “Phòng cảnh sát giao thông mới đề bạt một thượng tá trưởng phòng trẻ làm việc rất linh hoạt; trường hợp của các anh có thể được giảm nhẹ”…
          Loé lên một tia hy vọng, chúng tôi sang Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng gặp Chủ tịch Vũ Thiệu Loan: “Bên công an, cảnh sát tôi không quen ai cả”, nói thế nhưng Chủ Tịch vẫn viết một lá thư dài trình bày sự việc và xin giúp đỡ.
          Tôi và Hoàng My cầm thư đi được nửa đường thì dừng lại băn khoăn; ai lại mở đầu lá thư tay bằng câu: “Kính gửi đồng chí trưởng phòng cảnh sát giao thông; ít ra cũng phải biết được tên họ, chức danh và hàm bậc của người ta. Chúng tôi liền dò hỏi đủ yêu cầu rồi cầm thư quay lại văn phòng Hội. Chủ tịch Hội vừa đi họp, Phó chủ tịch Hồ Anh Tuấn nhận viết lá thư tay quan trọng, mở đầu là: “Kính gửi Thượng tá Nguyễn Trọng Phượng trường phòng…” nghe trọng vọng, thân thiết và gần gũi làm sao!
          Chúng tôi hăm hở đến phòng cảnh sát giao thông. Không biết có chiến dịch gì mà người đông như ở cửa sân vận động ngày đá bóng, xe tải của cảnh sát ùn ùn chở về những xe máy sai phạm xếp chật cứng cả sân và bãi tập bóng chuyền.
          Hoạ sĩ Hoàng My kéo tay tôi: “Ông đã biết mặt Trưởng phòng chưa?”. Thấy tôi lắc đầu, Hoàng My lẩm bẩm: “Nguyễn Trọng Phượng, tên tuổi gì mà dài đằng dặc. Đã Phượng lại đệm Trọng, họ lại Nguyễn, thật khủng khiếp!”
          Ngồi ở trong phòng chờ, tôi nắm chặt tay Hoàng My để cùng nhau giữ lại bình tĩnh. Không lâu, một người vui vẻ bước ra, tôi và Hoàng My vào ngay: trình giấy giới thiệu, lá thư tay sang trọng, biên bản và thuật nhanh sơ qua sự việc.
          Ngoài sân nóng nhủ đổ lửa, mà ở đây mát lạnh, yên ắng lạ thường, có thể nghe thấy cả tiếng thở gấp của chính mình.
          Trưởng phòng, thượng tá Nguyễn Trọng Phượng liếc qua giấy giới thiệu, lá thư, đến biên bản rồi nói to, giọng vang sang sảng: “giảm phạt 50%”.
          Thế là giảm được 200 ngàn đồng, chúng tôi mừng ra mặt, Hoàng My tay run đón nhận tờ biên lai xuống phòng xử lý để nộp phạt. Nhưng thật lạ, phòng xử lý không có hồ sơ của chúng tôi ở Quán Toan chuyển về. Tôi đã hoang mang và nói khó: “Các anh tìm lại lần nữa hộ”, thế mới khổ! Tôi và Hoàng My lại quay vào phòng Nguyễn Trọng Phượng, anh lắng nghe, nhíu mày, “phôn” lên trạm kiểm soát Quán Toán. Tôi và Hoàng My tim như ngừng đập. Nguyễn Trọng Phượng nghe xong báo cáo, phê roẹt vào góc giấy giới thiệu: “Miễn phạt”…
          Hoạ sĩ Hoàng My và tôi không tin vào mắt mình, không tin vào tai mình nữa chỉ biết cám ơn và lui gót, Hoàng My định nói thêm điều gì mà lúng túng không nói nên lời. Cái miệng tép nhảy của anh ta biến đâu mất…
          Hoàng My bỗng reo lên như phát hiện ra điều bí ẩn: “Trưởng phòng cảnh sát giao thông, thượng tá Nguyễn Trọng Phượng hồi cha mẹ sinh ra có đặt tên khác, lớn lên đi học mới đổi tên và chữ đệm, nhất định là như thế!”.

Mấy năm sau, một dịp may hi hữu gặp lại thượng tá Nguyễn Trọng Phượng, anh mới được đề bạt Quận trưởng một quận mới thành lập, nhắc lại chuyện cũ anh như không nhớ gì nhưng thừa nhận "rất quý các Văn nghệ sĩ..." Mới đây, tôi được biết anh gắn thêm sao về Sở nhận chức Phó Giám Đốc.

Lê Bá Hạnh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét