27 thg 10, 2011

Khai mạc KHÔNG THỜI GIAN: Thật là đông và đủ cái để xem lâu


KHÔNG THỜI GIAN
Khai mạc: 18h thứ Hai ngày 24. 10. 2011
Từ 24. 10 đến 30. 10. 2011
Địa điểm: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 – Nguyễn Thái Học, Hà Nội)


.


Quả thực, lâu lắm rồi mới lại được hưởng không khí đi dự triển lãm mà thấy mọi người chen nhau xem tranh. Có lúc, từng nhóm người lùi ra xa, rồi lại tranh thủ đợi đến lượt để tiến vào gần xem từng nét bút. Cũng lâu rồi, những người yêu mỹ thuật với có được một triển lãm thuần một thể loại tranh vẽ hiện thực “kĩ càng” như vậy để có thể kéo mình đứng lâu hơn trước từng chi tiết. Trong ảnh: họa sỹ Trần Tuấn ngắm tranh. Ông cũng là họa sỹ người Hải Phòng. Có một giai đoạn ông cũng vẽ tranh theo cách tả thực.

Nhà văn, dịch giả, nhà phê bình nghệ thuật Dương Tường. Ông đi xem rất kĩ, từng bức, từng bức… Khi được hỏi: ông nói: Cái nhóm này trẻ mà vẽ “ghê thật”. Tôi tin đấy là một lời khen.

Họa sỹ Lê Kinh Tài ở Sài Gòn ra, đang có triển lãm Tò He tại Vietart Center. Anh xem rất chăm chú - xem một cách vẽ khác hẳn cách vẽ của anh.

Họa sỹ Lê Quảng Hà (áo sọc) và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Huy Thiệp có vẻ rất thích thú với triển lãm này. Ông nói: lâu rồi tôi mới đi triển lãm, nhưng tôi thấy thích vì đây là những bức tranh có cái để xem.
Nhưng ghét nhất vẫn là… hoa. Có rất nhiều hoa để dưới tranh. Hoa của những bạn bè đến chia vui, nhưng thật ra rất tai hại: làm ảnh hưởng màu của tranh, làm người xem bị phân tán. Tóm lại là đặt cái gu của các bà bán hoa sát bên gu của họa sĩ trong lúc người xem thưởng lãm, hỏi có nên không?

Khai mạc hôm nay có những cô gái áo dài đỏ làm nhiệm vụ tiếp tân là sinh viên năm thứ 4 của trường đại học Mỹ thuật Hà Nội, đến đây để giúp cho triển lãm. Toàn là những nữ họa sỹ tương lai cả đấy! Trong ảnh là họa sỹ Vũ Ngọc Vĩnh (áo ghi, đứng giữa) đang tiếp các bạn đến chia vui. Phía ngoài cùng bên trái là họa sỹ Lê Quảng Hà. (Phạm Huy Thông bổ sung: áo cam là bạn Nguyễn Xuân Hoàng và áo ca rô là bạn Lê Mạnh)

Đến giờ khai mạc, mọi người được đề nghị tập trung ra trước bức tranh khổ lớn của Mai Duy Minh, như thế mọi người vừa xem tranh vừa có thể cùng tiến hành luôn lễ khai mạc. Cảm giác cũng gần gũi hơn, thân tình hơn. Sáng kiến này của các nhà tổ chức thật đáng hoan nghênh.


Một điểm đặc biệt nữa: Phát biểu khai mạc là của Triệu Minh Hải – một sinh viên năm thứ 4 của trường Mỹ thuật. Hay. Thế hệ sau chung tay giúp cho thế hệ trước, chứ không phải là ngược lại, lúc nào cũng thế hệ trước đỡ đầu cho thế hệ sau. Nghe nói việc tổ chức, treo tranh và tiếp tân đều do các bạn bè trong lớp này đến giúp.

Kế tới mới là nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân phát biểu. Lời giới thiệu của ông được treo trong triển lãm và in trong cuốn vựng tập của ba họa sỹ. Nguyễn Quân cho rằng: điều đầu tiên ông nhận thấy trong triển lãm này, điều hiếm hoi mà khá lâu rồi mới gặp, đó là sự thống nhất về con đường đi của cả ba họa sỹ. Sau đó ông cũng phát hiện ra cái “hương vị” của Hải Phòng trong ba tác giả. Cái chất riêng của Hải Phòng ấy gây ra sự thú vị, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa. “ Tính địa phương” cũng là một dấu ấn. Nguyễn Quân bảo, ông cũng là người gốc gác “Hải Phòng”, và ông vui với điều mà ông nhận ra…

Và đây là ba họa sỹ Hải Phòng, từ trái sang phải: Mai Duy Minh (áo đen, 1976) Vũ Ngọc Vĩnh (1978) và Bùi Duy Khánh (1972).

Để đáp lời, họa sỹ Mai Duy Minh lên cảm ơn, ngoài các ban ngành (dĩ nhiên rồi), họa sỹ gửi lời cảm ơn tới những người đã rất nhiệt tình giúp các anh bày được triển lãm này: đó là ông Nguyễn Quân, chị Đào Mai Trang (làm truyền thông cho triển lãm), họa sỹ Trịnh Tuân, tiến sỹ vật lý Phạm Long (người sẽ điều hành cuộc thảo luận chiều hôm sau)… và các bạn bè năm thứ 4 trường đại học Mỹ thuật Hà Nội (con trai của họa sỹ Trịnh Tuân là sinh viên khóa này).

Họa sỹ Bằng Lâm (đeo cà vạt) chụp ảnh chung với Bùi Duy Khánh (áo đen) và Vũ Ngọc Vĩnh. Các bạn đứng cùng, nếu ai biết tên thì bổ sung hộ nhé.

Nhà thơ, dịch giả, nhà phê bình Mỹ thuật Dương Tường đến chúc mừng Mai Duy Minh. Ông là một người rất có tình cảm với đất Hải Phòng. Nghe nói các bạn thân nhất của ông cũng là người Hải Phòng.

Họa sỹ Bằng Lâm và họa sĩ Bạch Tuyết. Con gái của cô Bạch Tuyết là sinh viên Mỹ thuật, hiện cũng đang làm nhiệm vụ tiếp tân. Vui thật, các họa sỹ ở Hải Phòng lên nhưng Hà Nội đã như một gia đình nữa của các bạn.

Họa sỹ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân và nhà phê bình mỹ thuật Bùi Như Hương. Họ là những người bạn vong niên.

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn áo nâu, Vụ phó vụ Văn hóa Văn Nghệ (ban Tuyên giáo Trung ương), nói chuyện cùng họa sĩ Lý Trực Dũng. (Ảnh: B&G)

Ông Brian và họa sĩ Lý Trực Dũng. Lý Trực Dũng nổi tiếng trong giới tranh biếm họa. Brian thì là chủ của trang Hanoi Grapevine, có quan hệ khá mật thiết với giới họa sỹ Việt Nam.

Đỗ Minh, chủ nhân của Luala – cũng là nơi đang bày tác phẩm của Phan Phương Đông và tượng đồng các thiền sư của Chinh Lê. (Ảnh: B&G)

Chị Suzane chủ Art Vietnam Gallery (mới đóng cửa). Không bỏ cuộc, sắp tới chắc chắn chị sẽ có những dự án mới cho nghệ thuật Việt Nam.

Họa sỹ Trịnh Tuân và Trường Art (áo trắng). Họa sỹ Trịnh Tuân mới trở về từ Mỹ trong một triển lãm gồm 6 họa sỹ đương đại Việt Nam tối mùng 9. 9 vừa rồi tại thủ đô Washington. Triển lãm có tên “Hà Nội 1000 năm”.


Dương Zơi, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Trung, tiến sỹ vật lý Phạm Long (anh Long sẽ đứng ra điều hành cho buổi Art Talk ngày hôm sau) và họa sỹ Bùi Thanh Tâm, người cũng sắp có triển lãm tai Vietart Center vào tháng 11.

Họa sĩ Bùi Hoài Mai (đeo máy ảnh) trước một bức tranh của Mai Duy Minh. (Ảnh: B&G)

Họa sỹ Mai Duy Minh trả lời phỏng vấn truyền hình. Có ba họa sỹ nhưng hai bạn kia hình như hơi nhút nhát… nên mọi phát ngôn và trả lời đều do trưởng nhóm Minh đảm trách.

Cuối cùng, Vũ Ngọc Vĩnh, Bùi Duy Khánh và Mai Duy Minh cũng tách ra để chụp chung với nhau một bức ảnh.

Khai mạc lúc 6 giờ thế mà cho đến tận hơn 7 giờ, phòng triển lãm vẫn còn đông người lắm. Ai cũng nấn ná. Phải công nhận, đây là một triển lãm rất thành công. Tranh thì các bạn xem nhiều rồi, ở những bài trước, cho nên người viết đưa lại không biết có thừa không. Chỉ cần biết là rất nhiều người muốn mua tranh nhưng giá cao quá, đành thôi. Hỏi vài bức, có bức 30.000USD, có bức 100.000USD. Để về dành dụm cái đã!

Trở về từ một đám tang, 400 x 170cm, sơn dầu, Vũ Ngọc Vĩnh, 2010

Bác ngư dân khốn khổ, 200 x 150cm, Vũ Ngọc Vĩnh, 2010

Hi vọng, 300 x 160cm, sơn dầu, Vũ Ngọc Vĩnh, 2011

Chiếc ghế đỏ và sợi dây thừng, 100 x 100cm, sơn dầu, Vũ Ngọc Vĩnh, 2010

Chắn sóng, màu nước, 54 x 38cm, Bùi Duy Khánh, 2010

Biển mùa đông, màu nước, 70 x 50cm, Bùi Duy Khánh, 2011

Sóng, màu nước, 71 x 51cm, Bùi Duy Khánh, 2010

Mỏ neo, màu nước, 50 x 50cm, Bùi Duy Khánh, 2010

Màu quê hương, màu nước, 54 x 38cm, Bùi Duy Khánh, 2010

Biển mùa đông 2, màu nước, 70 x 50cm, Bùi Duy Khánh, 2011

Chắn sóng 1, màu nước, 70 x 50cm, Bùi Duy Khánh, 2011

Cầu Long Biên, sơn dầu, 200 x 165cm, Mai Duy Minh, 2010

Đường mây, sơn dầu, 200 x 130cm, Mai Duy Minh, 2011

Miền đất hứa, sơn dầu, 540 x 200cm, Mai Duy Minh, 2011



Trong giấy mời ghi khai mạc vào 6 giờ. 5 giờ 30, cả phòng triển lãm đã đông kín người.

Nguồn: "Soi"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét