1 thg 6, 2012

TRAO ĐỔI VỀ THƠ LỤC BÁT

TRAO ĐỔI VỀ THƠ LỤC BÁT
( Bài phỏng vấn Nhà thơ Trịnh Anh Đạt )


                Họa sĩ Lê Bá Hạnh, Nhà thơ Trịnh Anh Đạt, Nhà văn dịch giả Ngọc Châu (Từ trái sang)
 foto: Khâu Lệ Hoa



LBH: Là một gương mặt thơ Hải Phòng, được cố Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi yêu mến gọi là “:- Người có duyên với thơ lục bát” anh có suy nghĩ gì về thể thơ truyền thống của dân tộc ta, giữa thời hiện đại ?

TAĐ: Dù hiện đại đến mấy, loài người có chinh phục được mặt trăng, sao Hỏa, sao Kim, thì việc duy trì sự sống vẫn phải cậy nhờ vào khí trời... Thể thơ truyền thống của dân tộc ta nói như Xuân Diệu " Là hơi thở của người Việt Nam”. Phạm Tiến Duật cụ thể hơn “ Câu lục hít vào, câu bát thở ra...” Đã là người Việt Nam ai cũng thuộc, thuộc rất nhiều thơ 6/ 8. Nó trở thành một di sản văn hóa có tính kế thừa: Cụ hát ru bà, bà hát ru mẹ, mẹ hát ru ta. Ta lớn lên từ bầu sữa và lời ru của mẹ, mà lời hát ru chỉ có thể dùng thể 6/ 8 mà thôi.

LBH: Thưa Nhà thơ, cái khó nhất của thơ lục bát là gì ?

TAĐ: (cười) Có lần tôi được Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh hỏi một câu như vậy, tôi đã trả lời “ Cái khó nhất chính là thơ lục bát !” Nghe có vẻ ngang phè, vậy mà Phạm thi nhân rất đồng tình. Bởi viết đúng niêm luật của thơ lục bát, thì cực kỳ khó. Có nhà thơ đã thốt lên " Đụng đến thơ 6/ 8, viết kiểu gì cũng ra vè và ca dao".Trong thể thơ 6/ 8 được chia thành ba dòng khác nhau: VÈ, CA DAO, THƠ LỤC BÁT. Chính vậy mà trong lời nói đầu cuốn “ Thơ lục bát Việt Nam” Nhà thơ Quang Huy viết “... Thơ lục bát là thể thơ dễ làm nhưng rất khó hay. Nó đi cheo leo trên một sợi dây vô hình giữa một bên là thi phẩm làm rung động lòng người và một bên là bài vè thô thiển...” Dùng thể thơ 6/ 8 viết một bài vè thì dễ, bởi nó không cần người sáng tác có một trình độ học vấn hay kiến thức uyên thâm gì. Nhiều người không biết chữ, chẳng học hành gì, cũng ứng khẩu được mấy câu 6/ 8 có vần. Thuở xưa, mấy bà đi chợ sớm, để ngắn độ đường, họ ứng khẩu đọc vè cho nhau nghe, hay như hình thức hát đối, hát ghẹo... nghĩa là người tham gia phải “sáng tác” tại trận, miễn sao nghe êm tai bởi cách gieo vần.

LBH: Cũng trên sáu, dưới tám cả, vậy căn cứ vào cách gieo vần như thế nào để phân biệt giữa vè, ca dao, và thơ lục bát ?

TAĐ: Nó có một “niêm luật” tự người sáng tác thơ lục bát phải ý thức và nhận biết ra. Theo tôi, cách gieo vần như sau gọi là vè:

Đèo cao thì mặc đèo cao
Ta lên đến đỉnh ta cao hơn đèo

Hoặc:
Tiến lên ta quyết tiến lên
Tiến lên ta quyết tiến lên hàng đầu...
Và nữa:
Mỗi nhà là một bông hoa
Phường ta là một vườn hoa thắm hồng
Quê ta thắm sắc cờ hồng
Ra khơi rẽ sóng tầu hồng ra khơi !

Bàn về thơ lục bát, Nhà thơ Vương Trọng hóm hỉnh rằng “ Thơ lục bát như một cặp vợ chồng, . Câu lục là câu vợ, câu bát là câu chồng. Câu lục là tiền đề truyền cảm sang câu bát, câu bát phải làm chức năng bổ trợ và nâng bổng câu lục lên”. Xét theo giống đực, giống cái, mấy câu 6/ 8 dẫn trên chỉ là những cặp “ Đồng tính luyến ái” . Vần “cao” của câu lục thụt vào lại gieo vào vần “cao” của câu bát thò ra (Chữ đậm). Nếu bê nguyên xi vần trên gieo xuống vần dưới, chỉ dẫn đến kết cục:
Hàng đầu rồi sẽ đi đâu
Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi !
So với vè thì ca dao viết khó hơn một bậc.Hình ảnh, câu chữ trong ca dao có chọn lọc, khái quát và hàm xúc hơn. Năm 1960, Nhà thơ Ngô Văn Phú đoạt giải nhất cuộc thi ca dao trên báo Văn nghệ của hội Nhà văn Việt Nam bài “Mây và bông”
Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng, bông trắng như mây
Mấy cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về nhà.
Một bài sáu tám tuyệt trác vậy, sao không xếp vào thơ lục bát mà chỉ gọi là ca dao ? Bài “thơ” này đã sử dụng đúng lối gieo vần rất đặc trưng của ca dao: vập vần cách câu, đó là vần mây gieo vào hây rồi lại gieo vào mây. Thứ nữa là tác giả đã dùng vần lưng: bông- đồng. Ta gặp lối gieo vần này khá phổ biến trong ca dao:
Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho
Sư về sư ốm tương
Ốm lăn ốm lóc cho trọc đầu
( Vập vần cách câu: - Tư – )
Con kiến mày leo cành đa
Leo phải cành cộc leo ra leo vào
Con kiến mày leo cành đào
Leo phải cành cộc leo vào leo ra
Ở bài này ngoài việc gieo vần vập vần cách câu: “Vào- Đào- Vào” còn một lý do nữa là khi ngắt nhịp đôi, người viết đã dùng thanh trắc ở âm thứ hai của câu lục và câu bát: Kiến, Phải, Kiến, Phải.

LBH: Vậy theo anh, khi đọc các bài thơ 6/ 8, gặp các trường hợp gieo vần như trên ( Vần vập vần, vập vần cách câu, thanh trắc ở âm thứ hai của câu lục, câu bát ) thì nghĩ ngay đấy là vè và ca dao ?

TAĐ: Đúng như vậy. Nếu gọi cách gieo vần vập vần là “Thơ đồng tính” thì có thể gọi cách gieo vần vập vần cách câu là “Thơ ngoại tình”.
Trải qua thời gian, thơ lục bát có thể biến ảo trong phạm vi nhất định. Người làm thơ có thể ngắt nhịp, xuống dòng, để diễn đạt điều mình muốn nói một cách tự nhiên. Thơ lục bát hiện đại, có thể viết liền những vần bằng trong cả câu sáu và câu tám. Nhưng viết lục bát sử dụng nhịp đôi, thì dù phóng túng, ngang tàng đến mấy, cũng không nên đặt thanh trắc ở âm thứ hai của câu lục và câu bát ( Điều này chỉ sảy ra trong vè và ca dao) bởi khi đọc lên nghe trúc trắc, nó dập tắt sức ngân rung, truyền cảm sang cặp tiếp theo. Nếu muốn sử dụng thanh trắc ở âm thứ hai, để tạo hiệu quả đột biến, phá vỡ sự đơn điệu, làm cho câu lục bát lạ lẫm, thì phải phá cách, tức là không dùng nhịp đôi nữa.Điều này cực khó, nhưng không phải không làm được. Trong 3254 câu Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết tới 21 câu lục sử dụng thanh trắc ở âm thứ hai:

* Mai cốt cách/ tuyết tinh thần
* Đau đớn thay/ phận đàn bà
* Khi tựa gối/ lúc cúi đầu

Trong bài “Thường dân” của Nguyễn Long (Giải A cuộc thi thơ lục bát của báo Văn nghệ năm 2003) đã sử lý rất thành công lối ngắt nhịp này. Mặc dù có tới bốn thanh trắc đi liền nhau, nhưng đọc lên vẫn thấy êm tai:
Ăn của đất/ uống của trời
Dốc lòng/ cởi dạ/ cho người/ mình tin
Thủ pháp ở đây là sáu âm tiết, chuyển thành hai nhịp.
Mấy năm trở lại đây thơ lục bát xuất hiện ngày càng nhiều, trên các mặt báo viết, báo mạng, các loại tạp chí và các ấn phẩm của cá nhân, rồi các câu lạc bộ thơ lục bát xuất hiện từ bắc vô nam... Sự lên ngôi của thơ lục bát là đáng mừng, nhưng đọc giả tâm huyết và chân chính thì hoài nghi bởi có quá nhiều “tác phẩm” chưa chạm tới cái đích thơ lục bát, đã được “cánh hẩu” với nhau “bốc thơm”, lăng xê, quảng cáo qúa lời. Thật là lợi bất cập hại.

LBH: Tạp chí Xứ Thanh số 109 ra tháng 8/ 2004, trong chuyên mục “Tác phẩm và dư luận” Nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, xếp anh là một trong những nhà thơ Xứ Thanh viết lục bát “Rất hay và điệu nghệ”. Còn trên trang Tn.c khen ngợi anh là người làm thơ lục bát điêu luyện từ khi còn mặc áo lính... Anh có suy nghĩ gì về sự đánh giá của bạn bè và công chúng

TAĐ: Với tôi, văn chương và nghệ thuật mênh mông như biển cả, rộng lớn như bầu trời, vì vậy chỉ xin:
Suốt đời làm cậu học trò...”
Vâng ! Suốt đời làm cậu học trò mẫn cán, gắng viết chữ rõ ràng, rành mạch, giữ sách, vở sạch đẹp, mong sao không vấy bẩn ra trang viết của mình.

LBH: Xin cảm ơn Nhà thơ về những ý kiến thẳng thắn, bổ ích và lý thú này!

                                                                                   LÊ BÁ HẠNH





2 nhận xét: