3 thg 4, 2013

Triển lãm "NĂNG LƯỢNG CỐ ĐÔ"

Xem sự bứt phá của các họa sĩ trẻ, với những hình tượng “siêu thực tại” trong triển lãm “Năng lượng cố đô”, mới thấy giới mỹ thuật đã có những bước tiến dài về tư duy sáng tạo.
Triển lãm diễn ra từ 13 đến 19/3/2013 tại Trung tâm Văn hóa Phương Nam (số 15, đường Lê Lợi, TP.Huế) và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu - Công viên tượng đài Phan Bội Châu bên sông Hương trong suốt 6 ngày đêm.

MIỀN KÍ ỨC  CỦA ĐẶNG THỊ THU AN


SÓNG   - (màu nước) BÙI DUY KHÁNH

Đây là nơi gặp gỡ của 55 nghệ sĩ trẻ đến từ 17 tỉnh thành cả nước, trong đó có nhiều tên tuổi quen thuộc của Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nha Trang và cố đô Huế… triển lãm quy tụ 55 tác phẩm thuộc 6 loại hình nghệ thuật gồm hội họa, điêu khắc, nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt, video art, nhiếp ảnh ý niệm.

Phần nhiều các tác phẩm được sáng tác trong thời gian gần đây nên mang đậm hơi thở cuộc sống, gần với sự tiếp nhận của công chúng.

Đặc biệt, ngay trong lễ khai mạc, công chúng và quan khách đã được thưởng thức hai tác phẩm trình diễn đầy ấn tượng của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Văn Hè (Thế trận), Nguyễn Văn Duy (Đỏ và xanh), nghệ sĩ trẻ Phan Lê Chung với Sự sống và cái chết (video art). Đây là những loại hình nghệ thuật còn khá mới mẻ với công chúng Huế nhưng các tác giả đã mạnh dạn “bung tỏa” những trăn trở về môi trường đang bị tàn phá, hủy hoại chính những hành vi tưởng rất đỗi bình thường trong cuộc sống thường nhật; sự ngột ngạt, tù túng của không khí trong một cuộc sống quá nhiều biến đổi khó kiểm soát khiến ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh…

Nguyễn Văn Hè và họa sĩ Hải Phòng
Tác phẩm CHỌI TRÂU của họa sĩ  N. HUNG trong triển lãm


Tác phẩm Du thuyền của họa sĩ Kù Cao Khải


“Năng lượng cố đô” đã báo hiệu cho một sự chuyển dòng. 

Người ta nhận thấy có một cái gì đó lạ lẫm, khác biệt trong thế giới mà các họa sĩ trẻ đang trưng ra. Người xem cũng khó tìm thấy được đâu là thực tại được các họa sĩ tô vẽ. Hiện thực đã bị quên lãng hay đang có một lớp hiện thực khác ẩn sau những họa tiết tưởng như là kỳ quặc ấy? 

Trong các tác phẩm: Chiếc lá cuối cùng của Phạm Huy Thông, Miền ký ức của Đặng Thị Thu An, Sự trống rỗng của Nguyễn Đinh Duy Quyền, Manequin của Hoàng Trung Dũng đã không còn sự nỗ lực bắt chước hiện thực nữa mà người họa sĩ đang hướng đến một siêu thực tại. Tác phẩm của họ là sự gắn kết giữa hiện thực và thế giới của mơ tưởng, thế giới của những giấc mơ. Hình họa không hướng tới diễn tả đúng sự vật mà vượt ra ngoài sự kiểm soát của lý tính, thậm chí phá sản quan niệm thẩm mỹ truyền thống. 

Các tác phẩm này đi ra từ trí tưởng tượng và liên tưởng, chúng khiến người xem chênh chao giữa thực tại và mơ mộng. Khiến người xem vừa bị mê hoặc, vừa thấy sợ hãi, bất an. Cảm tưởng như mình đang trôi vào những giấc mơ hoang tưởng, đang thụ cảm sự phi lý và những cơn dư chấn trong nội tâm... 

Khi tranh không còn mô phỏng thực tại thì sự va đập của màu sắc, họa tiết tạo ra những tín hiệu gợi lên những ý niệm về một dạng thức thực tại khác. Một thực tại nằm ở một chiều logic khác, không bị quy chụp bởi các nguyên tắc. Các họa sĩ đang dần chạm vào tâm thức của xã hội đương đại khi họ không cố tạo ra những khoái cảm thẩm mỹ thông thường mà cố trưng ra một thế giới khước từ diễn giải, tạo ra những xung đột, va chấn trong tiềm thức.



------------
MTHP tổng hợp trên Internet

2 nhận xét:

  1. Ngắm tác phẩm hội họa "Sóng" của HS Bùi Duy Khánh, giới thiệu trên blog Lê Bá Hạnh, nếu không có dòng chú thích "thuốc nước" thì cứ ngỡ đấy là tác phẩm sơn dầu thời phục hưng. Quá tuyệt vời! Xin chúc mừng họa sĩ Bùi duy Khánh và chủ trang blog họa sĩ Lê Bá Hạnh!
    TRỊNH ANH ĐẠT

    Trả lờiXóa
  2. Đó chính là sự bứt phá của họa sĩ trẻ!!!

    Xong Xuân nay đã sang Hè
    Sao anh không nhớ tiếng ve chúng mình...

    Trả lờiXóa