24 thg 6, 2013

TRẦN TUẤN LÂN -VỀ QUÊ - CÁ THẢ VỀ NƯỚC

                                         Lê Bá Hạnh

Trần Tuấn Lân và tác phẩm..

         Trần Tuấn Lân nhiều năm ở chiến trường Lào khốc liệt, sau chiến thắng, anh vào Đại học Mỹ Thuật Hà Nội. Khi tốt nghiệp ra trường, thầy hiệu trưởng Trần Văn Cẩn muốn giữ làm giáo viên phụ giảng nhưng anh vẫn nằng nặc xin về quê, bỏ lỡ một dịp may được định cư ở Hà nội (không phải ai cũng có được thời đó)




          Phòng Tổ Chức chiếu cố thế nào, cho anh về thành phố Cảng Hải Phòng sầm uất, cách nhà hai chục cây số và một con sông, nhưng chẳng giúp anh yên tâm làm việc. Đơn xin về quê của anh mãi sau mới được chấp nhận. Về Sở Văn hoá Quảng Ninh vẫn phải xa nhà bốn chục cây số.
          Từ mấy chục năm trước cho đến nay. Tỉnh Quảng Ninh cứ đến ngày kỉ niệm “Miền Mỏ Bất khuất” lại tổ chức bầy tranh vẽ “Triển lãm Mỹ Thuật”. Tụi trẻ chúng tôi vui như hội, nhưng hoạ sĩ Trần Tuấn Lân cứ ngẩn ngơ như rơi mất vật gì dưới đất. Nhiều lần như thế hỏi ra mới biết anh đang nhớ đến các con đang chờ anh dạy bảo và người vợ đang mỏi mắt mong ngóng một bữa cơm xum họp hiếm hoi. Còn anh ở đây ăn cơm tập thể độn ngô, nhai bã mồm mà vẫn đau vùng thượng vị. Tối ngủ giường cá nhân, giường liền giường, mấy phân vuông lối đi cũng là của chung mọi người. Tài sản duy nhất là chiếc ba nô để trên đầu còn đọng khói bụi chiến trường Sầm Nưa, Hạ Lào... Vóc dáng anh nhỏ thó trông lại càng khô đét như cá mắm, công việc hàng ngày leo thang trèo tường phóng tranh cổ động không ai chê trách, nhưng sáng tác thì nặn óc cũng không ra được gì, khi dựng triển lãm thì lăn lưng ra làm mọi việc, kể cả việc treo tranh cho mọi người, nhưng tranh của anh thì không có... Tôi tò mò hỏi anh về những tranh đã treo, anh từ tốn giải thích từng tranh về bố cục, hoà sắc hay bút pháp. Nhìn tranh, anh chỉ ra thiếu một điểm nhấn nên nó nhợt nhạt, tranh kia thừa hình nên nó rối rắm... Làm chúng tôi “vỡ” ra nhiều vấn đề đã mò mẫm nhiều ngày. Tôi biết anh như thế...
          Rồi may mắn ngẫu nhiên, Trần Tuấn Lân được về giảng dạy ở trường Văn hoá Nghệ Thuật huyện Yên Hưng cách nhà vài trăm mét. Với kiến thức sâu rộng được đào tạo ở trường chính quy, với thực tế cuộc sống phong phú, với lòng yêu quê hương gia đình, anh dồn hết tâm huyết vào việc truyền dạy những gì mà anh đã có, đào tạo ra hàng loạt những hoạ sĩ trẻ thi vào các trường nghệ thuật cao hơn. Trong đó có con trai anh hơn chục tuổi đã đoạt giải thưởng Quốc tế, làm nền tảng bước vào trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội, tiếp cận với nền mỹ thuật đương đại thế giới.
          Song song với việc giảng dạy, như cá thả về nước, hoạ sĩ Trần Tuấn Lân sáng tác được hàng loạt tác phẩm sơn mài khổ lớn. Chi hội Mỹ Thuật huyện Yên Hưng được thành lập. Bảo tàng Bạch Đằng của huyện là ngôi nhà chung, cùng các hoạ sĩ Vũ Tư Khang, Hồ Cấn, Phong Thu, Đặng Đình Nguyễn là nòng cốt thành một chi hội mạnh, thường xuyên đi vẽ dã ngoại, trao đổi nâng cao năng lực sáng tác. Những buổi trực hoạ hoàn thành tác phẩm tại chỗ gây cho nhiều người tò mò, hấp dẫn nhiều lớp học sinh, gợi trí tưởng tượng sáng tạo nghệ thuật, gia đình các em cũng ủng hộ, mua giấy sắm bảng xin theo học vẽ thành phong trào sâu rộng khắp làng xóm cụm dân cư Văn Hoá sôi động như ngày xưa đã từng là thủ phủ của một tỉnh.

          Tác phẩm của anh đã nhận được nhiều giải thưởng của Hội Mỹ Thuật, của Bộ Văn Hoá và được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật và bảo tàng Quân Đội.
          Trần Tuấn Lân sáng tác được phải nói công lớn nhờ ở vợ, chị Oanh chăm cho anh từng bữa ăn sáng, từng giấc ngủ trưa đến việc ủ tranh, mài vóc đến khiêng dựng để ngắm, gian nhà hơn chục mét vuông không đủ xoay xở, anh chị phải khiêng ra vỉa hè để mài bóng và hoàn thiện. Một lần tình cờ đoàn Văn Hoá Pháp nghiên cứu gì ở Hạ Long đi qua  thấy tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn nên dừng lại muốn xem, một phóng viên, một cán bộ Văn Hoá trình giấy giới thiệu xin phép ghi hình và phỏng vấn. Trần Tuấn Lân coi như không có chuyện gì sẩy ra cứ vẽ cứ mài tranh và thủng thẳng nói: “Đây là dẫy núi Tràng Kênh mờ xa mà các ông đã nhìn thấy; đây là con sông Bạch Đằng mà các ông vừa đi qua bằng phà; đây là hàng cọc mấy trăm năm trước Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chỉ huy đánh giặc ngoại xâm Nguyên Mông; đây là cây lim to mấy người ôm còn lại đến nay; đây là đồn bốt của thực dân Pháp năm xưa bị quân ta phá vỡ; đây là Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi thăm chiến trường xưa đang đến trường học nói với các em học sinh phổ thông về “Những chặng đường lịch sử”…
 Đó là tác phẩm sơn mài “Truyền thống Bạch Đằng” Khi hoàn thiện bầy ở triển lãm đã được giải thưởng cao quý “Văn Nghệ Hạ Long” và giải thưởng Mỹ thuật khu vực Sông Hồng.
          Trần Tuấn Lân vẽ tranh không mệt mỏi, sức sáng tác của anh vẫy vùng mạnh mẽ như cá thả về nước. Nhưng hiện nay các con anh lại định cư ở Hà Nội và chỉ ở đấy chúng mới sáng tác được. Con trai lớn, Trần Tuấn Long sau khi đoạt giải thưởng “Thiếu nhi Quốc Tế” mới đây đoạt giải thưởng “Mỹ Thuật ASEAN” tài năng đã vượt ra ngoài biên giới và đầy hứa hẹn. Phải chăng đấy mới là vùng biển rộng cho chúng nó vươn ra đại dương!
Trần Tuấn Lân đã vượt qua tuổi nghỉ hưu, các con anh muốn đón lên Hà Nội xum họp với con cháu. Nhưng chỉ đi chơi được năm bảy ngày lại muốn về, như không khí ở trên đó không đủ ôxy mà người buồn chán, cứ xỉu xuống... dù ở Hà Nội phương tiện làm việc thuận lợi tốt đẹp hơn nhiều, nhưng vẫn nhớ ngôi nhà nhỏ heo hút yên tĩnh mà nhiều năm đã gắn bó…
          Trần Tuấn Lân chợt nhớ ra, gần đến ngày hẹn mấy cháu xin học phụ đạo thi vào Mỹ Thuật Công nghiệp, Thời trang và Kiến trúc... Nhìn các cháu đôi mắt sáng rực trong veo, chăm chú nhìn vào hình cầu, hình tháp trên mẫu vẽ, đôi má phính hồng, đôi môi mọng đỏ đang mím lại; bàn tay thon dài lăn nhẹ cây bút chì rồi kéo dứt khoát trên mặt giấy diễn tả nơi chứa ánh sáng và bóng tối... Anh như thấy mình như trẻ lại, những giây phút ấy đẹp đẽ quý giá biết chừng nào!
Và anh như nhận ra chính công việc dạy các cháu học vẽ này là nguồn cảm xúc để anh sáng tác ra những tác phẩm. Có lẽ chỉ có nơi này, mới là vùng nước mà anh vùng vẫy!
Những dòng chữ này tay bạn đọc. Trần Tuấn Lân đã về chốn vĩnh hằng, thượng thọ ở tuổi “xưa nay hiếm”.                 

                                                                                                                     LBH
          (Bài đã đăng trên tạp chí Mỹ Thuật tháng 6 năm 2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét