Truyện ngắn: Lê Bá Hạnh
Minh họa của KHẮC MINH |
“- Mạ cứ để tiền
chơi “phỏm” đánh “đề”, không phải mua cho con gì nữa! Con lên cầu Nhật Lệ nhảy xuống sông là
xong…” Đứa con gái cưng gào lên, kéo cửa đánh “rầm” vào phòng khóc nức nở… O
bàng hoàng đến sững sờ, không ngờ đứa
con gái bé bỏng ngày xưa nay quyết liệt đanh đá chừng ấy… Lần trước nó đã đập
đầu vào tường tóe máu, lần này biết đâu nó làm hơn thế…
Ngày xưa cũng vào tuổi nó, o đi học cũng đòi mạ may áo mới không được, bị cái bạt tai, o gào thét nhịn ăn mấy ngày liền nằm dài đòi chết. Sự kiện này o tự hào khoe nhiều lần với chúng bạn và tụi con trẻ mới lớn. Bây giờ con gái o đi học đã đòi được điện thoại Ipone; xe đạp điện, máy tính để bàn nối mạng… Nay lại đòi máy tính Ipad nhỏ mỏng như tờ bìa mà đủ chức năng như máy tính lại chụp được hình, nối mạng “Hai phai, Ba gờ”… Giá tiền hơn mấy tháng lương của hai vợ chồng.
Tiền
nong chỉ là cái đinh rỉ. Nguy hiểm loại máy xách tay này nó mang đến mọi nơi
kín đáo và làm được mọi chuyện chỉ có ma mới biết. Ngay máy tính bàn o đã thấy
nó vào mạng xem video trai gái trần truồng như cảnh “con heo” thập niên trước, còn
tâm trí đâu học hành. Cứ cố gắng chiều nó mãi, mai kia nó đòi ông sao trên trời
liệu kiếm làm sao? Mà nó mới bước vào tuổi dậy thì, sao đủ già dặn chống được
nọc độc sẽ thấm vào đầu óc non trẻ ấy…
O
sống trọn thời bao cấp. Ông bố đi đánh cá cho Hợp Tác Xã đều phải bán cho cửa hàng Thủy Sản, khó khăn
lắm mới đủ định mức để lấy tiêu chuẩn đong gạo, mua thịt, mua vải… Bà mẹ ở nhà
phải dậy từ lúc gà gáy, đòn gánh trên vai cuốc bộ sang huyện bên mua rau dưa về
bán lẻ cho chòm xóm, lấy công làm lãi, nuôi một đống con ăn như tằm ăn rỗi…
O được học lên cấp ba là hơn các chị lớn, không
phải đi se gai, đan lưới lấy công điểm ở Hợp Tác…; phụ nề xây dựng kiếm miếng ăn
hàng ngày, đã lớn đến tuổi lấy chồng mà chưa ai nhòm ngó đến, bà mẹ phải ưu
tiên mấy thước vải đẹp tiêu chuẩn cả năm dành cho chị lớn. Các em nhỏ như o
phải mặc lại đồ cũ của các chị, chuyện đó đã đi vào quy luật, nề nếp. Thế mà o
cả gan trốn tiết học về nhà lấy trộm tấm vải pôpơlin ngoại đẹp nhất đi may để
có cái áo hơn hẳn tụi bạn cùng lứa và tương xứng với thằng bạn trai ngồi bàn
dưới. Buổi học nào hai đứa cũng chọc ghẹo nhấm nhẳng, ngày nghỉ học đã thấy nhớ
nhung…
Đó
là thằng có mạ làm ở cửa hàng Bách Hóa, quần áo thay đổi xoành xoạch toàn loại
quý hiếm. Nhiều bạn trai bạn gái nhìn vào thèm rỏ dãi đều muốn quen thân chỉ cần
hé một tin “ngày mai bán dép nhựa tự do đấy!” thế là đủ may mắn. Chưa nói đến
khuôn mặt thanh tú mới đáng yêu làm sao. Đã đến năm học cuối cấp, o sớm nhận ra
tình cảm của mình đã đơn phương trao cho người bạn ngồi bàn dưới nên không thể
mặc mãi cái áo xanh rộng thùng thình bạc trắng trước ngực và hai bả vai, nhiều
đường may đã tuột chỉ, mạ o đã phải lượt lại bằng chỉ thâm ngoằn ngoèo như đàn
kiến.Vì thế o quyết tâm phải có vải may áo mới nếu không được nhất định xin
chết cũng xong. Uất ức thế này còn khổ gấp vạn lần, o nghĩ chết chắc như giấc
ngủ, không có gì đáng sợ!
Hôm
ấy mạ o đi chợ về sớm bắt quả tang, o lục tủ cuộn mảnh vải cho vào cặp sách.
Mảnh vải đã hứa dành cho chị gái sắp lấy chồng nên không thể được dùng vào việc
khác. Một cái tát không mạnh nhưng làm o choáng váng. Xưa nay cả nhà cho o là út
ít, mọi việc lớn nhỏ không chấp nhặt, đây là cái tát đầu tiên quá bất ngờ. O
nằm vật ra nền nhà gào thét giẫy dụa như lợn bị chọc tiết, tiếng o gào rống
vang khắp xóm cho đến khi họng khô lại chỉ còn khào khào như mèo kêu, đến bữa ai kéo dậy ngồi vào mâm cũng
không được, o lăn vào góc nhà úp mặt vào đống lưới rách tanh tưởng nằm lì. Hết
ngày thứ hai sang ngày thứ ba, ông bọ ở tàu cá đi khơi dài ngày mới về, lại
được mẻ cá lớn vượt chỉ tiêu định mức nên dư tiền, hứa sẽ mua chui cho mảnh vải
khác. Có thế o mới chịu ngồi dậy húp cháo, nếu không nhất định sẽ đòi chết. Từ
đó ai cũng kiêng nể o không dám đua với sức gan lỳ rắn như sành, như sắt… Bữa
ăn hàng ngày gạo ít, độn nhiều, mọi người đều dành cho o phần ngon nhất, nhưng
chẳng bao giờ vừa ý. O đã gào lên: “Cùng là con người sao họ ăn trắng mặc trơn,
sao tôi khổ sở, ăn đói mặc rách thế này..” O căm hận cái gia đình này, căm hận
người mạ đến cay đắng. Khi đã đi làm được miếng ăn, o không thèm nhìn mặt người
mạ. Khi ông bố qua đời, các chú, bác, nói vào mãi, o mới chào mạ lấy lệ như
thăm hỏi người dưng, để kệ sống lay lắt trong xó nhà ọp ẹp ẩm mốc. Người chị cả,
thương tình đưa về nhà nhờ thằng con rể cưu mang. Mắt mờ chân chậm mạ không còn
quảy quang gánh lon ton như ngày xưa sớm tối chăm chút lũ con. Cả hai bàn tay
run rẩy lập cập đón nhận bát cơm từ tay thằng con rể đưa lên mồm liếm sạch
những hạt cơm bám dính quanh miệng bát vì vục xuống đáy nồi...
Nhìn
thấy cảnh tượng ấy, o đã toại nguyện và đau thắt ruột nghĩ về già mình cũng thế
ư? Chính vì thế o không bao giờ dùng roi vọt hay bạt tai con, dù là chuyện nhỏ
hay lớn. O tự cho mình là đại gia trong cái thị trấn nhỏ bé này, con o phải hơn
hẳn o ngày xưa, phải đứng đầu hạng trẻ con ở lớp học, không thể cho đứa nào
đứng trên. O đã quyết tâm như thế. O cố tỏ ra mình chịu chơi, hào phóng: chơi
bạc – đánh phỏm – với lãnh đạo, một hình thức hối lộ công khai hợp pháp… Đó
cũng là thứ giải trí duy nhất để giết thời gian nhàn rỗi… Nhưng sau đấy o cũng
tiếc đứt ruột, nhưng không thể khác được.
Đã
đôi lần đứa con phá nát nhiều thứ hao tiền tốn của, dạy bảo không được, o
lại hành xử thật đặc biệt. O gầm lên
vang nhà, hất tung mâm cơm cho tan nát ra đất; xách khăn gói quần áo lên cơ
quan ở mấy ngày. Có lẽ o đã nghĩ lại và tự nhiên dẫn xác về, con đòi cái gì cho
cái đấy. Cũng là sự gồng lên hãnh diện với thiên hạ cho con không chịu thua chị
kém em: Điện thoại di động thế hệ mới vừa quảng cáo trên ti vi đã đòi có ngay,
khi cả trường học chưa ai nhìn thấy; máy tính để bàn chê chậm, đòi máy tính
Ipad có ngay. Có như thế mới là đại gia, mới xóa bỏ được ấn tượng nghèo khó của
gia đình. Các cụ nhà quê bây giờ cũng rách việc soi mói đến tông đến giống,
phải có màu mè một tí mới dễ dựng vợ gã chồng cho con cái. Như o ngày xưa, mấy
chàng trai đến tìm hiểu đã tâm đồng ý hợp, dẫn nhau đi chơi xa, vào nhà nghỉ
đăng kí ăn ngủ như vợ chồng, dẫn nhau đi mua sắm đồ cưới. Khi tìm hiểu lộ ra bản
chất, tông tích gia đình: mẹ con như mặt giăng mặt giời, các chàng trai lạnh
nhạt dần rồi từ từ rút lui... Rồi may mắn lắm mới quây được anh trai phố lành
như cục đất. Bây giờ danh giá là quan trọng, không vượt lên, con gái o người
mỏng mảnh như lá lúa làm được gì ngoài “nô nệ”… Xã hội bây giờ là thế, như một
canh bạc khát nước, o dồn hết sức lực vốn liếng vun trồng vào cái cây đầy tiềm
năng này, mai kia nó kiếm được đại gia làm chồng, đi nước ngoài tiền đổ về như
nước, o chỉ việc ngồi nhà “xòe quạt” đánh “phỏm”...
Cũng may vợ
chồng o đi làm ngoài lương tháng cũng có thêm bổng lộc nên đủ cung phụng cho
cục cưng quý giá.
Trong
con người o đầy mâu thuẫn. O muốn con cái o hơn hẳn o trước đây, được hưởng thụ
những thứ mà nhiều đứa khác không có, nhưng con gái o không được dạy biết quý
đồng tiền nên thả sức phá phách. O sợ phát run lên khi chiếc xe đạp điện mua
một đống tiền cho ba đứa to như con to trâu cưỡi lên đè đôi lốp bẹp dúm, vành
xe đập xuống mặt đường kình kịch như mũi kim châm vào tim buốt nhói. Nghĩ đến
cảnh ấy o lại đau thắt ruột gan không muốn bỏ ra đồng nào cho chúng nó biết thế
nào là tiếc của…
Nhưng
mọi việc đã quá muộn, con gái o được nuông chiều từ nhỏ, bây giờ không thể dừng
được nữa. Không chiều theo đúng ý để nó nhảy xuống sông xuống biển thì tai
tiếng ngàn đời không rửa sạch, nó có zen của o mà, cái tuổi đó chỉ một tí là
nhắm mắt buông xuôi.
O
đã nói ra miệng, chê người mạ đẻ là ngu dốt. Nhưng chính o bây giờ dùng điện
thoại đắt tiền chỉ để khoe khoang có đẳng cấp, máy có ghi âm chụp ảnh mà chẳng
biết sử dụng. Chỉ biết bấm nút nghe và nút gọi, muốn nhập thêm danh bạ lại phải
nhờ đến con. Dù cố học o cũng không thể nhớ, nghe tai nọ lại lọt sang tai kia….
Như thế liệu nó có cho mình là ngu dốt không nhỉ?
O đau xót nhận
ra đây là nghiệp chướng rồi!
--------------
LBH
Báo NGƯỜI HÀ NỘI số 30 (1434) Ra ngày thứ 6 (26/ 7/2013)
Báo NGƯỜI HÀ NỘI số 30 (1434) Ra ngày thứ 6 (26/ 7/2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét