11 thg 2, 2014

ĐI DỌC MIỀN TRUNG - NHỮNG VẾ ĐỐI KHÓ MÀ VUI

                               ĐI DỌC MIỀN TRUNG - NHỮNG VẾ ĐỐI KHÓ MÀ VUI
                                                                    Lê Bá Hạnh
Chính ủy tôi sinh ra ở Hà Tiên, làm rể Đất Cảng (Hải Phòng), con trai lớn đã là lái xe của công ti Du Lịch, hôm nay tài trợ chính cho chuyến đi thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị.
          Một cựu chiến binh mở tờ báo cũ (1): “Đi dọc miền Trng – Những vế đối vui mà khó” của nhà báo Ngô Thi. Những câu đối khó đến ác liệt, những kiểu “chơi chữ” sành điệu của học giả uyên thâm. Cũng là thú vui tao nhã, đam mê và sâu đậm với cảnh với người, duyên nợ, nợ mãi không thôi để chúng tôi day dứt mỗi độ xuân về!



                               
          Đoàn chúng tôi tạm dừng chân ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) Anh cựu binh ngân nga đọc vế đối: “Cặp trai gái thăm hòn Trống – Mái, ngồi quán trống mái, toan giở trò trống mái”. Chúng tôi đứng lặng ngắm hai hòn đá Trống – Mái mà ái ngại cho đôi trai gái nào đó làm mất đi vẻ đẹp ở đây bền vững và đĩnh đac biết bao. Khi đứng dưới chân hòn Trống Mái nhìn bao quát cả khu vực bãi tắm trải dài tắp tít, biết bao đôi bạn nam nữ đang tắm bên nhau, nô đùa với sóng biển xanh ngắt. Chính ủy tôi kéo cậu con trai – chàng lái xe công ti Du Lịch – đến dưới hòn Trống Mái chụp ảnh kỉ niệm. Chính ủy nói với chúng tôi: “Dịp này xe vào tận Hà Tiên thì hay biết mấy”…
          Ngay lúc ấy anh cựu binh nói to: “Bức ảnh đây (nếu ở Hà Tiên) là vế đối còn xa xôi nào nữa: “Hai cha con đến hòn Phụ - Tử, đứng nhìn phủ tự, đẹp như hòn Phụ - tử” Nhiều cựu binh cũng muốn bắt bẻ “bằng trắc, luật lệ” nhưng mọi người đều thừa nhận ý tứ đối đáp như thế là … miễn chê!...
          Buổi trưa chúng tôi chọn quán cơm ven đường. Chính ủy vừa nhấp chén rượu vừa ngâm nga nhắc lại vế đối: “Đến xứ Nghệ, ghé quán Hành, uống rượu gừng, nói cà riềng, cà tỏi”.
          Rượu quán Hành nhấp vào mềm môi, tiếng “khà” như đẩy mùi thơm của rượu, mũi động đậy và hít vào đều đều cái mùi thơm của men, hương vị của nếp. Nó đầm đậm trong cổ nửa như muốn giữ lại để nhẩn nha thưởng thức, nửa như muốn uống một hơi cả chén để được hưởng nguyên vị đậm êm mà chỉ Quán Hành mới có.
          Tiếng cụng li râm ran, anh cựu binh nghĩ tới trận đánh năm xưa lên tiếng: “Tôi xin đọc vế đối, các đồng chí góp ý nhé: “Qua Đồng Xoài, thăm Núi Hồng, ăn cơm dừa, ngủ còn mơ chanh chấp” Anh lính khác chỉnh lại: “Về Làng Sen, đến Núi Hồng, uống trà nhài, trà ngâu”
          Thứ rượu Quán Hành làm cả xe chúng tôi cứ như cổ động viên bóng đá, ai cũng nói, ai cũng nghe, chẳng mấy chốc đã đến đất Hà Tĩnh. Chính ủy vẫn là người xướng lên vế đối: “Đến Kỳ Anh, anh kì em, em kì anh, đến kì lương sẽ trả
          Quả thật vế đối rất khó, toàn anh với em, kỳ anh, kỳ em, kỳ lương… Cả xe như nín lại, lặng im suy nghĩ. Bỗng anh cựu binh lên tiếng: “Các anh quên rồi sao? Bữa trước chính ủy đã chiêu đãi chúng ta một chầu túy lúy tại nhà hàng Trọng Khách tớ xin đọc vế đối là: “Vào Trọng Khách, khách trọng chủ, chủ trọng khách, đâu trọng tiền khinh xuất”
          Một cựu binh khác bổ xung: “Các đồng chí có biết bữa đó chính ủy chúng ta phải kí nợ bao nhiêu không? Hôm đó cậu lính trẻ đã gọi chai rượu Tây, uống xong xót cả ruột, chính ủy xua tay: “Không sao không sao, chỗ quen biết mà” Theo tôi vế đối chỉnh lại thế này:
- Vào Trọng Khách, khách trọng chủ, chủ trọng khách, vì trọng hiền kí nợ” các anh có thấy phố kế bên cũng có quán Trọng Hiền rõ to đó thôi…
Đến đất Quảng Bình, vẫn anh cựu binh trẻ háo hức đọc to lên vế đối: “Mặc gió rét, bão gầm, sóng gào, đảo Hòn La vẫn vững”
Bác Hòa anh cựu binh già từ nãy vẫn im lặng, bật lên cười khà khà cất cao giọng: “Các cậu vừa qua quê choa đấy thôi. Tớ có vế đối lại là: “Dù nắng cháy, cát nung, gió nóng. Biển Cửa Lò cứ xanh” Cả đoàn chúng tôi “à” lên và nhìn “choa” tuy ít lời nhưng không quên Xứ Nghệ của mình cũng oanh liệt lắm chứ? Đâu có chịu thua ai…
Anh cựu binh lại mở báo đọc tiếp vế đối: “Chợ Đông Ba, đông ba buổi” Một cựu binh nhanh nhảu đáp lại: “Hàng Tốn nhiều, tốn nhiều ngày” Một cựu binh già chậm rãi: “Ừ… Tốn là hướng đông mam thôi? Sao bằng quê tớ, tại buổi thi nấu cơm đầu năm vừa rồi làng Khôn của tớ được giải nhất; tớ xin đọc lại vế đối: “Làng Khôn nhất, khôn nhất làng”
Cả xe râm ran nhớ đến làng Khôn và cái hội thi nấu cơm của làng quê bác mới đáng nhớ làm sao? Anh cựu binh lại cao giọng xin trật tự mở báo đọc tiếp:
- “Đến Cồn Hến hát ngêu ngao
- “Thăm Cồn Tiên, múa rồng phượng” Vẫn anh cựu binh nhanh nhảu ứng đối.
- “Về Hàng gà, vẽ ngan ngỗng” Bác Hòa đọc nối tiếp
- “Thăm Đầm Vạc, múa lông công” Bác Đạt một cựu binh bổ xung.
     Anh cựu binh trẻ châm trọc: “Nghe nói đợt thăm Đầm Vạc bác bị mất đồ, bác gái kêu lắm cơ mà” Bác Đạt cười khùng khục: “Vậy vế đối của mình phải sửa là:
- “Thăm Đầm Vạc, kêu công cốc”
Cả xe được trận cười ầm ĩ. Bác Đạt đỏ mặt đánh trống lảng:
- Các đồng chí có giỏi xin đối hộ tớ vế đối của nhà thơ Nguyễn Văn Dinh đất Quảng Bình thế này: “Sắm mâm ngũ quả, chưng năm quả sầu riêng, vui chung ba ngày tết” Câu đối này nhà báo Ngô Thi phải đỏ mặt, đành chịu, nhờ quý vị xa gần…Bạn nào đối được chắc có thưởng lớn.
- Cả xe im lặng, đã mâm ngũ quả , lại năm quả nữa, vừa sầu riêng lại vui chung nữa chứ? Tiên sinh họ Nguyễn “cao thủ” thật. Đây là “quái chiêu” của bậc hiền triết, nhận được giải của nhà thơ đâu có dễ…
        Anh cựu trẻ láu táu, vui vẻ nhất trong xe, giờ im lặng từ tốn:
        - Các bác có biết không? Gần chục năm qua. Không cái buồn nào hơn cái buồn làm việc xa nhà, xa vợ con, ba ngày Tết phải thường trực cơ quan. Nhưng bây giờ đã khác. Có lẽ nhà thơ họ Nguyễn đã nói hộ em rồi, em xin đọc vế đối là:
-Mua đĩa bát hoa, bày tám trái khổ qua, mừng lại tuần xuân sắc.
Chúng tôi vui mừng anh cựu binh trẻ, cái khổ đã qua, đón ngày xuân mới với vợ con. Chính ủy chúng tôi cười to hết cỡ: “Cậu đã giúp tớ khỏi phải trằn trọc về câu đối của nhà thơ họ Nguyễn đất Quảng Bình dải đất sâu đậm mà chúng ta đã có quãng đời trai trẻ gắn bó!”
Chính ủy nhắc tôi chấp bút chuyến đi thú vị này!
        LBH
(1) Báo: Nhân dân hàng tháng - Xuân Canh Thìn – Số 34/ 2/ 2000









          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét