4 thg 10, 2016

KỈ NIỆM NHỎ Ở BIÊN GIỚI - NĂM 1979





KỈ NIỆM NHỎ Ở BIÊN GIỚI - NĂM 1979
                    Lê Bá Hạnh
Tôi đã loáng thoáng biết nhiệm vụ đi biên giới nên hồ hởi chuẩn bị lên đường như mấy năm trước (1972)  Ghi chép tội ác của đế quốc Mỹ.
Chừng 200 cây số đi từ sáng tối mịt mới tới: Xe khách đi được một đoạn, hành quân đường bộ một đoạn; ngồi trên thùng xe cày một đoạn, tiếp đến ngồi trên xe “zin ba cầu” của quân đội chở gạo và súng đạn. Nắng hanh, đường càng nhiều ổ gà ổ voi, tất cả phủ lớp bụi đỏ da cam. Bữa tối tôi không nhớ ăn cái gì nhưng rất ngon và no bụng, rau xanh đương nhiên ăn thỏa sức, đó là khu sơ tán, cánh đồng Quất Lâm.
Rửa mặt mũi qua loa rồi lên giường lăn quay ra ngủ. Nửa đêm thức giấc vì một loạt súng AK hối hả làm mấy cán bộ phòng chiếu bóng dày dạn kinh nghiệm cũng phải giật mình thò cổ ra khỏi chăn nghe ngóng. Một lúc sau, tiếng AK lại nổ vài viên một cầm canh; tiếng súng cối bắn cấp tập bên kia biên giới như tiếng sóng đều đặn đã quen thuộc không ai quan tâm…
Tiếng gà gáy lẻ loi, mặt trời đỏ rực nhô lên ngay trước cửa nhà. Đánh răng rửa mặt, tôi nhìn vào ang nước trong veo không nhận ra chính mình. Tôi chợt thấy, đi theo hướng đông, mặt trời mọc là thị xã Móng Cái; sau lưng là hướng tây có dẫy núi cao trùng điệp là chốt chặn chống quân xâm lược, tiếng súng AK là từ đấy; bên kia dẫy núi này là lính Trung Quốc thường xuyên bắn tập loại súng cối nổ “ình oàng” mấy tháng trước tràn qua bắn phá, chiến sĩ và nhân dân ta đã đổ máu. Đường chim bay chỉ dăm nghìn mét, ngắn hơn đường chúng tôi đi vào thị xã Móng Cái. Nhưng tôi tin các chiến sĩ biên phòng đủ lương thực và súng đạn giữ chốt kìm chân quân xâm lược, đủ thời gian đưa chúng tôi đến nơi an toàn…(Không ai nói ra điều này nhưng tôi tin như vậy...)
Chúng tôi được hướng dẫn chạy khom khom qua cầu Ka Long, nơi đây thường xuyên bị khống chế bởi đạn 12ly 7 từ ngôi nhà như lô cốt bên kia biên giới cách chừng vài trăm mét, đầu cầu là bức tường lớn để vẽ tranh cổ động trực quan, thấp phía dưới là biển chỉ đường: Đi thẳng là vào thị xã, rẽ phải là tới Mũi Ngọc nét chấm đầu tiên của chữ “S” hình đất nước Việt Nam.
Thị xã Móng Cái không còn ngôi nhà nguyên vẹn, những chum sành, ang sành to mấy người ôm bị đập phá không thương tiếc. Các lò nung bên bờ sông, điểm nhấn tuyệt đẹp bên bờ Ka Long đã đi vào thơ vào họa cũng bị san phẳng. Cả dẫy phố đổ nát chúng tôi sửng sờ luyến tiếc và không biết nên buồn hay vui khi thấy các chiến sĩ biên phòng phá sàn gỗ lim ở nhà số 42 Phố Chính. Nơi đây ngày 19/ 10/ 1946 Thành lập chi bộ Đảng CSVN huyện Móng Cái (di tích lịch sử cần bảo vệ) phá sàn gỗ chỉ lấy củi sưởi ấm…
Đợt này chúng tôi không phải đi ghi tội ác của quân xâm lược. Chỉ làm việc: “đóng đinh leo thang trèo tường kẻ vẽ khẩu hiệu phóng to những tranh cổ động cấp trên đã xét duyệt: Trồng cây gì, nuôi con gì - xây dựng nước giàu dân mạnh và Không có gì quý hơn độc lập tự do!”, chúng tôi lăn lưng ra làm cho nhanh để có thời gian đi kí họa những trọng điểm mắt mình nhìn thấy, trái tim mình xót xa đau buốt… Sau này chúng tôi mới biết chính xác hầu hết các chiến sĩ biên phòng trên cao điểm đều hi sinh anh dũng bảo vệ từng tấc đất và kẻ xâm lược đều phải trả giá khá đắt…

Cũng nội dung ấy, chúng tôi qua các huyện Tiên Yên, Quảng Hà như một cái máy: Leo thang trèo tường kẻ vẽ khẩu hiệu rồi tranh thủ đi vẽ kí họa.
Họa sĩ Lê Vân Hải là trưởng phòng Văn Hóa làm trưởng đoàn Cùng Trọng Mợi ở mỏ than Mạo Khê; Đoàn Hựu ở cơ khí Cẩm Phả, tôi ở ngành Than. Xong nhiệm vụ chúng tôi lại trở về cơ quan làm việc…
Năm 2012, chẳng tin vào thuyết ngày tận thế của bà VanGa. Tôi tò mò trở lại những nơi tôi vẽ, nơi các chiến sĩ biên phòng đã chiến đấu trút hơi thở cuối cùng… Không ngờ đã thay đổi khác lạ.
 Chiếc điện thoại chụp được vô vàn kiểu ảnh làm kỉ niệm.
                                                                     LBH