KÍ ỨC TUỔI THƠ
Tôi sinh đã là người dân mất nước: Một trăm năm thực
dân phương Tây, phong kiến cầm quyền. Và một nghìn năm bị nước lớn phương Bắc
đô hộ.
Từ bé tí, tôi phải tự tìm đồ chơi làm thú vui cho
mình. (Bố mẹ và chị người nào việc ấy làm thuê kiếm ăn hàng ngày) Tôi lê la
khắp sân rồi ra ngõ dưới hai vòm cây hoa giấy quấn quýt nhau lá lúc nào cũng lộng gió dâm mát. ; bắt
hai con kiến vặt râu thả lên lá khoai chúng cắn nhau đến quyết liệt… Nhìn sát
đàn kiến kéo lê xác con sâu đưa về tổ; lúc đột ngột nối đuôi nhau tha trứng lên
ngọn cây, con nọ theo sát con kia, gặp con đi ngược chiều, dí râu vào nhau đến
kì lạ, rồi lấy que củi vẽ loằng ngằng nát mặt đất chẳng ra cái gì…
Mỏi mắt ngóng mẹ về chợ, vứt cho chiếc bánh hai chị em
chia nhau rồi xuống ao vớt vèo băm rau, nấu cám lợn… Chị tôi hăm hở bẻ đôi
chiếc bánh, bao giờ cũng lấy phần nhiều, tôi khóc thét lên đòi phần to, nhanh
tay chị đã cắn một miếng lớn. Tôi ấm ức nhận phần thiệt. Lần sau chia bánh tôi
bắt đặt dao, nhận phần mới được cắt, nhưng lưỡi dao khi ấn xuống chị cố lái
sang phần của tôi mất đi khá nhiều… Sau này tôi mới nhận ra, dù quy định đầy đủ
bao nhiêu nhưng người thực hiện tham lam thì chẳng thể có công bằng…
Mẹ tôi thấy điều ấy nhưng tảng lờ như không biết. Hơi
sức đâu mẹ phân giải chuyện ấy. Và có ai công bằng với mẹ, con người là nô nệ
thời phong kiến thực dân… Sau này những lúc vui vẻ, tôi hỏi lại chuyện ấy, mẹ
tôi chẳng nhớ khi nào nhưng vẫn cười vô tư: “Chị mày hơn một tí có sao!”…
Chỉ một tí ấy, với tôi là nỗi đau bị ức hiếp gian dối,
bị ăn chặn. Việc không công bằng. Những ý nghĩ ấy cứ đè nặng mãi trong tôi.
Cái ấn tượng ấy nó cứ theo tôi dai dẳng
làm thui chột đi bao nhiêu sáng tạo, làm
nguội lạnh nhiều hoài bão và ước mơ…
Sưu cao thuế nặng, lệ làng trăm thứ. Mất mùa đói ăn nhiều nhà đã đứt bữa. Chánh
tổng vẫn hối thúc bố mẹ tôi phải làm mâm
xôi con gà ra đình mua chức “Nhiêu” để tôi đến tuổi trưởng thành có chỗ ngồi ở
đình, không phải vác cờ, khiêng trống…
Nhiều
người ở phủ Nam Định, Thái Bình đói ăn đã khăn gói đi khắp nơi xin làm thuê,
buổi tối về quán chợ nằm la liệt co ro chỉ manh chiếu rách, sáng ra đã chết
cứng nằm co quắp góc chợ…
Bố mẹ tôi ra ruộng cày thành luống, bổ hố ươm ngô, chị
em tôi cũng được theo ra đồng ngồi chơi dưới tán mấy lá cọ xua chim khỏi đến ăn
mất hạt ngô giống, cả ruộng đã cắm cờ trắng dày đặc dựng cả hình nộm đội nón
khoác áo tơi tay cầm cờ gió phất phơ mà chim chẳng sợ vẫn lăn xuống tìm thức ăn.
Có lẽ chúng cũng ở thời kỳ đói khát như con người nên phải liều mạng kiếm sống.
Sau này tôi mới biết đó là năm Ất Dậu (1945) Hai triệu người chết đói…
Cách mạng Tháng Tám như cơn bão đổ về sôi sục Và tuyên
ngôn Độc Lập xóa hết mọi tàn dư của chế độ phong kiến nhiều đời. Tôi chẳng biết
chức “Nhiêu” là cái gì. Nhắc lại chuyện này mẹ tôi thẩn thờ nuối tiếc mâm xôi,
con gà giò béo ngậy mang ra đình cho cụ lí, cụ chánh uống rượu…trong khi đó bữa
cơm gạo hẩm các con không đủ no.
Kháng chiến bùng nổ, cả làng theo nhau gồng gánh tản
cư, ngủ bờ đê bụi chuối, đói khát nheo nhóc ghẻ lở đầy người, đi qua nhiều làng
xóm bị xua đuổi như đuổi tà. Túi gạo mang theo nấu cháo ăn dần đã hết… Không
còn đường nào khác, mọi người bảo nhau phải quay về quê lợp lại mái nhà của chính
mình để sinh sống. Đành lòng nơm nớp lo sợ roi vọt súng đạn, không ít người đã
bỏ mạng vì kiệt sức… Tám chín năm mà dài dằng dặc…
Bố tôi mua về
quyển vở và cây bút chì, cầm tay tôi tô từng chữ cũng bị đòn roi khổ sở vì
buông tay lại đưa bút về tay trái… Chịu roi vọt chán tôi cũng được gửi đến lớp
học Tam tự kinh, nhưng đến nay chẳng còn nhớ gì ngoài phạt quỳ sưng đầu gối và
tiếng thước gỗ đập xuống bàn thót tim…
Vào đội Thiếu
niên nhi đồng hát múa cũng vui nhưng tôi vẫn như lạc lõng xa lạ, mãi sau nhờ
người thầy giáo trẻ hướng dẫn để hòa nhập và truyền dạy cách học, hệ thống kiến
thức làm tôi tin cậy vào những bài học…
Năm cải cách ruộng đất,
Trên bố tôi có người chị (tôi gọi là cô) lấy chồng làm
nghề biển: quai xăm, đóng đáy, câu cá mực ngoài khơi, phải mời nhiều bạn chài
cùng làm; tôm cá đánh được chia đều, đương nhiên có phần người có thuyền có
lưới như lệ làng thỏa thuận. Đội cải cách Ruộng Đất cho đó là gia đình bóc lột
quy vào hàng địa chủ bị giám sát hàng ngày, bắt phải khai nhận là địa chủ bóc lột,
nên không cho mọi người quan hệ ra vào. Nhà có tiền nhưng không có gạo nấu cơm…
Hàng ngày đi học, tôi phải giấu một túi gạo nhỏ để
người cô nấu cháo cầm hơi. Làm được việc này tôi được huấn luyện như diễn viên
đóng kịch lành nghề, thuộc những câu trả lời dối trá cho đến khi hết ngọng
nghịu… Riêng tôi day dứt không hiểu tại sao như thế nhưng vẫn phải làm. Có lẽ
đó là điều dối trá đầu tiên tôi phải học…
Một ngày đi học, giờ ra chơi buồn bã, từng nhóm nhỏ
cũng thì thầm. Tôi ngồi vào bàn học ngạc nhiên thấy cặp sách bị lục tung toang,
đếm lại sách bút không thấy thiếu gì cho là chuyện lơ đãng. Cuối giờ học thầy
giáo dặn riêng: “Em về qua Ủy Ban xã, đội Cải Cách có chuyện muốn gặp em.” Tôi
bàng hoàng, không biết tai họa gì đang đổ xuống đầu. Tôi hỏi lại thầy cũng
không biết gì hơn, cuối giờ học bụng đã trống rỗng sôi lên ùng ục, về muộn chắc
thằng em chọn mất phần củ sắn, còn lại củ khoai lang rím cay sè. Mấy hôm trước,
một bạn học tự nhiên nghỉ hẳn vì bố mẹ bị quy là địa chủ – thuộc thành phần bóc
lột – Vì Đội Cải Cách đã chỉ định tìm
cho ra thành phần bóc lột để trừng trị…
Hết giờ học, tôi bước vào trụ sở, chị cán bộ cốt cán
đã đón sẵn đưa về nhà ở ngay phía sau mấy bước. Ngôi nhà lụp sụp ngổn ngang
nhiều thứ tôi thấy xa lạ.
Một cán bộ đang
lúi húi làm việc, thấy chị cốt cán về, anh đứng lên vươn vai rồi chằm chặp nhìn
tôi như ước tính trọng lượng sắp phải mua hoặc sắp bán vật gì. Người tôi run
lên vì lo sợ nhiều hơn là bụng đói…
Trên chiếc giường ọp ẹp, chiếu rách nham nhở, ngổn
ngang những tờ giấy khen in trên bột gạo bằng mực tím, nhiều tờ đã nhạt nhòa
mực bẩn lem nhem, đã vài tờ viết thử tên người bằng nét chữ nguệch ngoạc…
Mấy câu hỏi xã giao học hành, xem kĩ sách học bài viết
của tôi rồi chậm rãi hỏi:
- Chữ thế này em viết được chứ!
Nhìn tập giấy khen, mấy tờ đầu đã viết chữ méo mó, chữ thường cũng như chữ hoa viết run
rẩy bằng nét bút gai gợn. Tôi viết chữ hoa tên người nét đậm nét nhạt trên Bảng
Danh Dự của lớp, viết chữ thường trên báo tường đã quá nhiều nên nhẹ nhàng gật
đầu.
Chuyện chỉ có thế mà tôi sợ phát run mấy giờ liền. Từ
đấy các buổi chiều không được lang thang đi chơi mà phải đến đó còng lưng ngồi
viết. Cả buổi đầu gần như ngồi mài ngọn bút “rông” cho trơn lúc kéo xuống đủ
đậm, nét hất lên tròn đều mềm mại… Hơn một tuần, một danh sách tên người dài
dằng viết lên tập giấy khen đã hết, tôi lại nhận việc kẻ lại tờ giấy khen như
thế in thêm ra hàng loạt. Tôi lấy nút chai bằng ni e cắt hình ông sao năm cánh
ấn vào quả dành dành hoặc nghệ vàng; lấy thuốc đỏ y tế (méc quya) in nền. Thế
là tờ giấy khen đã có lá cờ đỏ sao vàng với màu tím của mực. Tiếp theo nữa,
viết nội dung thông tư, chỉ thị… in hàng loạt gửi xuống các xóm thôn… công việc
tưởng như không bao giờ hết…
Tôi chợt nhận ra mình dại dột tự lấy dây trói mình
không được tự do chạy nhảy đánh khăng, đá cầu cùng bạn đồng lứa…
Cuối đợt cũng
được tuyên dương thành tích, trao tặng một giấy khen do chính tay tôi kẻ mẫu và
viết nội dung. Ủy Ban chỉ việc đóng con dấu và một chữ kí như gà bới…
Cải cách ruộng đất xong, ruộng vườn ông bà để lại cho
bố mẹ tôi bị thu lấy làm khu quân sự, chia bù cho mấy sào ruộng xa tít tắp
ngoài đê chua mặn nước sâu như vực, phải cấy loại lúa hạt gạo đỏ như máu, rắn
như đá phải ninh sôi mấy sấp hạt gạo mới chín nhai vào mồm như gặm sỏi.
Lên rừng trồng
thêm sắn khoai ăn độn vẫn chưa đủ no, mùa hè ra biển mò cua bắt cáy. Mùa thu
lên rừng chăng lưới đánh chim ngói: Loài chim cũng dại dột, cả đàn bay thấy
bóng con chim đồng loại xà xuống cứu giúp để cả đàn rơi vào bẫy lưới chăng sẵn
úp xuống bị bắt cho vào lồng, có con bị cột sào đập phải chết ngay tại chỗ hai
mắt trong veo mở trừng trừng chẳng thấy ân hận luyến tiếc.
Hết tuổi mang
khăn quàng đỏ, đoàn Thanh Niên vận động đi đào mương công trình đại thủy nông
kéo dài ba tỉnh mang tên Bắc Hưng Hải – với khẩu hiệu mĩ miều “Tranh thủ cống
hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc” Tuổi mới lớn chúng tôi nghe thật hấp dẫn…và cũng
không còn đường nào khác, tôi theo chúng bạn lên đường, dù các chị gái đều can
ngăn; vì ở nhà việc lớn nhỏ các chị làm hết, tôi chưa bao giờ biết đặt đòn gánh
lên vai, thân hình gầy còm nhom khẳng khiu như xe điếu.
Đúng là sức lực con người có hạn, nhưng họ được động
viên hò hét cổ vũ, có người gánh nổi mấy trăm cân gấp hai ba lần trọng lượng
chính mình; để được phong danh hiệu kiện tướng cấp một, cấp hai. Có lẽ một bạn
gái được phân công lôi kéo tôi phấn đấu; rủ tôi xung phong cùng khiêng những
cục đất lớn, tôi gầy gò nhưng đang ở tuổi “bẻ gẫy sừng trâu”. Ngựa non háu đá
nên gật đầu ưng thuận. Đó là sự dại dột đến ngu dốt. Một cái quang dây đặc
biệt, tôi đi sau, máu sĩ diện kéo cái quang về gần mình, loạng choạng đi được
vài chuyến, cái vai bên phải của tôi đã đau đỏ rực lên không thể đặt cái gì lên
được; tôi phải đổi sang vai thuận bên trái, hai đứa đi được mấy bước là nghiêng
lệch loạng choạng, chân bước hụt xuống vũng thấp và sức nặng của cục đất đè
xuống làm gẫy chiếc đòn tre già đã bóng nhẫy. Và hai chúng tôi cùng đổ gục,
cũng may đốt xương sống không bật ra cục nào, bánh chè đầu gối không bị tung
rơi đi mất..
Đứng trên mặt đê sông Hồng nhìn xuống lòng móng cống
Xuân Quang, con người phía dưới nhỏ xíu trông đuối mắt, như đàn kiến hối hả xây
tổ. Cục đất được gánh từ dưới hố móng đổ lên mặt đê phải đến chục người “đổi
độ”... Cứ như thế mọi người đua nhau hối hả làm việc. Từng “tấc” đất được chia
theo đầu người từng đơn vị nên sự giám sát chặt chẽ và khuyến khích mở ra những
chân trời rực rỡ… thỉnh thoảng lại rộ lên câu hò hát để quên đi cái bụng trống
rỗng…
Bữa ăn hết rau muống luộc lại rau muống xào. Thi
thoảng tranh nhau từng miếng lòng lợn bầy nhầy xào bí xanh bí đỏ, cơm ngày khê
ngày sống… Làm không theo kịp mọi người nên ăn cũng chậm chạp, vét váy cơm sạn
cơm sống. Nắng cháy da bong rộp bóc ra từng mảng, gió thất thường; tôi cảm sốt
rét run đắp hai ba chăn vẫn không đủ - bà chủ nhà thương tình lấy lá tre, lá
thơm xông mới đỡ, nằm im như đang ngủ
Ngoài công trường, sau khi sắp xếp công việc cho mọi
người dốc sức làm việc, trưởng đoàn cùng đại đội, trung đội về trụ sở họp, mở
túi xách lấy ra bánh kẹo hoa quả cùng nhau ăn hì hục, nhận xét thằng này thằng
kia chưa chịu khó, chưa đầu tàu gương mẫu cần phải chấn chỉnh tư tưởng nhiều
hơn nữa.
Tôi rợn người vì những câu đánh giá nhận xét, trái
ngược với lúc đông người phát biểu ca ngợi công khai khen nức nở tinh thần làm
việc của mọi người.
Dần dần tôi
nhận ra sự dối trá của anh bí thư Đoàn
không còn là thần thánh như xưa nay tôi thầm bái phục; những câu nói
ngọt nhạt chỉ muốn lừa lọc mọi người nhẹ dạ cả tin dốc kiệt sức lực làm những
việc như khổ sai - báo cáo lên cấp trên để lấy thành tích để chúng hưởng thụ
riêng đầy đủ…
Cô gái hôm xưa cùng tôi khiêng đất suốt ngày xoắn sít
nay lạnh nhạt thờ ơ như không hề biết, quay ra làm quen với nhóm sinh viên. Đại
Học Xây Dựng hay Thủy lợi gì đấy bằng những câu “hò lơ… hò lờ” nhạt nhẽo. Họ
học trong sách từ thời Trung cổ xây dựng kim tự tháp Ai Cập hay mới nẩy ra “tối
kiến” một đống người đứng ở trên cao gò lưng kéo một quang đất từ dưới lòng
sông lên bờ theo một đường cáp ngày nào cũng phải căng lại khỏi võng tịt xuống
đất..
Tính ra năng
suất lao động thua xa người nông dân quen gánh phân rải ruộng,
Nhưng đoàn sinh viên vẫn được tuyên dương, được ca
ngợi tung hê lên tận trời xanh. Chúng tôi đứng từ xa chiêm ngưỡng khuôn mặt
tươi cười nở như hoa đầy hãnh diện…
Tôi quên hết những lúc lao động kiệt sức đói khát cực
nhọc. Lần đầu tiên tôi bước ra khỏi làng quê, biết con sông Hồng đục ngầu chảy
xiết, biết con tàu chạy bằng hơi nước phì phì như thở gấp mỗi khi lăn bánh kéo
cả đoàn dài rồng rắn uốn lượn theo đường ray…
Tôi như lớn lên, hít sâu sảng khoái. Phấn chấn như chờ
đợi một món quà được phân phát. Dù bị bớt xén…
LBH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét