13 thg 7, 2011

MỘT LẦN TỚI SÀI GÒN

Lê Bá Hạnh

Nói đến thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) đã có người ca ngợi là hòn ngọc Viễn Đông; thành phố phía Nam làm ăn năng động, dân số đông nhất nước. Bạn tôi chưa ai tới, riêng tôi may mắn ngồi trên xe ô tô lướt qua khi trời rạng sáng. Điều này càng cuốn hút thôi thúc tôi phải một lần đến cho biết…

Nói đến thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn) đã có người ca ngợi là hòn ngọc Viễn Đông; thành phố phía Nam làm ăn năng động, dân số đông nhất nước. Bạn tôi chưa ai tới, riêng tôi may mắn ngồi trên xe ô tô lướt qua khi trời rạng sáng. Điều này càng cuốn hút thôi thúc tôi phải một lần đến cho biết…
          Chuẩn bị hành trang, họa sĩ Lê Viết Sử cho mượn giá vẽ cực xịn của Hàn Quốc, người cho mượn bảng vẽ, người cho mượn ba lô, túi xách; thậm chí cho mượn cả cái quần soọc lửng, túi hộp đằng sau, túi hộp đằng trước, túi hộp bên cạnh, nơi để bản đồ du lịch mà Tây ba lô thường có…
          Từ Hà Nôi xe khách chạy mấy ngày đêm tôi không nhớ rõ, khi xuống bến xe Miền Đông Sài Gòn thì chẵn mười giờ sáng. Nguyện vọng của tôi muốn đến phố có nhiều gallery bán tranh đã được đội ngũ xe ôm phục vụ chu đáo, chỉ mươi phút sau tôi đã có mặt ở ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi.
          Lòng háo hức xem tranh nghệ thuật và nhiệm vụ của các bạn họa sĩ giao cho phải tìm ra dòng tranh lạ mà khách phương Tây ưa chuộng. Thành phố tôi có nhiều họa sĩ học bài bản, tài năng không kém ai, nhiều tác giả được giải thưởng cao nhưng chẳng mấy ai đến hỏi mua tranh, vẽ ra nhiều cũng chỉ xếp xó, nhà rộng bao nhiêu cũng không đủ chỗ để treo… chắc cũng phải có lý do.
          Đi bộ vài chục mét, tôi hùng hổ mạnh bạo bước vào gallery đầu tiên; quả là “danh bất hư truyền”  Tranh đủ các chất liệu  hội tụ về dày đặc, các trường phái hội họa Đông, Tây kim cổ có hết, gần như không còn phân vuông tường nào để hở, thậm chí còn để chồng chất lên nhau loạn xị đến lóa mắt.
          Kinh nghiệm xem tranh của tôi là: Bước vào nơi trung tâm đưa mắt nhìn một lượt nhận ra tranh nào đáng xem nhất, ngắm nghía kỹ từ xa rồi tiến dần đến sát giương “mục kính” lên xem từng chi chi tiết, từng nét bút, từng mảng màu, từng nốt ganh vải toan; phân tích từng mảng đậm mảng sáng, tìm ra cái khôn ngoan của họa sĩ đã sử lý, đã sắp đặt đã tạo ra được ấn tượng mà tác giả cần nói, mang lại hiệu quả cho người xem…
          Quả là thú vị, tôi như lạc đến vùng đất chưa đến bao giờ. Trước mặt tôi một cô gái mặt hoa da phấn nghiêng người giơ tay rất điệu nghệ mời xem tiếp với nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi. Tôi đang ham muốn thưởng thức tìm hiểu nghệ thuật nên sẵng sàng bước “zô”. Tôi đi đến đâu đèn “dọi” sáng đến đó, sau gáy một luồng gió mát lạnh làm tôi tỉnh cả người, ráo hết mồ hôi. Lại một người đẹp nữa theo sát bên cạnh phục vụ, thỉnh thoảng lại nói câu tiếng Nhật, tiếng Hàn gì đó mà tôi không hiểu, nên chỉ im lặng lắc đầu. Cổ tôi cứng lại, họng đắng ngắt, giá có bật ra tiếng Việt nào chắc cũng lơ lớ ngọng nghịu. Tôi chợt hiểu: họ đã lầm tôi là người ngoại quốc bởi chiếc “bóp” thắt ngang bụng chứa đầy thư từ, địa chỉ của bạn bè; họ lại tưởng là chứa đầy Đôla, visa, thẻ tín dụng…
          Lúc này tôi mới để ý đến thân hình mình nhếch nhác: mái tóc loăn xoăn, lờm xờm từ hồi mới đi học, bây giờ đã đốm bạc, mấy tháng không cắt sửa, mấy ngày bụi đường không chải gội có soi gương chắc không nhận ra chính mình nữa. Tai hại nhất có lẽ là cái giá vẽ dài để vào cái túi tròn da xịn giống như ống đựng tranh của các nhà sưu tập nghệ thuật đi mua tranh nên được săn đón quá đáng. Tôi tìm cơ hội thuận tiện: mỉm cười, gật đầu như cám ơn rồi rút nhanh như chạy trốn.
          Chỉ mấy bước chân, tôi lại bước vào một gallery khác. Vẫn con mắt săn đón như sắp vồ được con vịt béo bở, Vẩn đèn “dọi” theo từng bước chân, vẫn người đẹp theo sát bên cạnh chờ đợi câu hỏi giá bán bức tranh đang xem và nói hàng loạt từ nước ngoài líu lô. Tôi đã quá mệt mỏi vì sự hiểu lầm này nên nghiêm chỉnh nhỏ nhẹ:
          -Cô cứ  nói tiếng Việt! Tôi hiểu được. Tôi là người Việt Nam mà! Thưa cô!
          Sau một giây chết cứng, mặt ngay như cán tàn. Mắt hai cô gái cụp xuống. Tôi thong thả phân trần:
          -Tôi ở ngoài Bắc mới vào! Muốn xem hết những tác phẩm nghệ thuật mà các cô sắp bán ra nước ngoài!
          Mấy cô gái phía sau, mắt đanh đá, ngoa ngoắt, lẩm bẩm nhỏ với nhau nhưng tôi nghe rõ:
          -Đồ mắc dịch…
          Thật lạ, ở những tranh bầy bán người vẽ ít chịu tìm tòi sáng tạo mà thường là bắt chước na ná Đặng Xuân Hòa, Quách Đông Phương, Hoàng Phượng vĩ…
          Người tôi mệt rũ rượi, ra ghế vườn hoa ngồi để thở, mở bản đồ tìm tên phố mà tôi cần đến. Đã mất công đến thì phải gắng xem nó thế nào?
          Ngày hôm sau, tôi lại bước vào một phòn bán tranh, tranh xếp chồng chất xếp kín cả lối đi; Ngoài những tranh sáng tác của các họa sĩ đương đại theo mọi trường phái trên thế giới; còn có trang chép lại: Mùa thu vàng của Lêvitan; Hoa hướng dương của Van gốc. Cái to cái nhỏ, cái đen đặc, cái nhợt nhạt, lạc lõng… Nhưng cũng có cái được vẽ công phu. Tôi thực sự xúc động trước bản chép Lagiôcông có đôi mắt và nụ cười thật sống động hơn hẳn những phiên bản khác mà tôi đã xem. Nếu giá bán vừa phải, tôi có thể mua về treo ở phòng khách để chiêm ngưỡng. Nhưng sực nhớ không mang theo ví tiền nên đứng như ngây dại ngắm bức tranh. Một phụ nữ luống tuổi đến sau lưng tôi lúc nào không biết nói nhỏ nhẹ vừa đủ nghe:
          -Xin lỗi bác, nếu trú mưa thì trời đã tạnh rồi, còn bác muốn thưởng thức nghệ thuật xin đến Bảo Tàng thành phố. Nơi đó đang triển lãm Mỹ thuật đương đại…
          Tôi hơi choáng váng vì câu nói thẳng thừng nhưng có phần cay nghiệt đó, nhưng tôi hiểu ra khi bà giải thích:
          -Chúng tôi thuê lại địa điểm này rất đắt, thuê người phiên dịch, người bảo vệ giá rất cao; một bức tranh là một đống tiền, có người vào là phải trông nom phục vụ vất vả lắm. Bước vào cửa hàng ai là người đi mua tranh, ai là người đi xem tôi biết chứ. Không thế làm sao tôi sống được mấy chục năm nay.
          Tôi mới chợt nhận ra mình: bộ quần áo mùa hè phong phanh, không có chìa khóa phòng, chìa khóa xe, không có ví đựng tiền đựng thẻ tín dụng; túi áo ngực in rõ mấy tờ tiền lẻ nhàu nát chỉ đủ uống nước chè, mua vé xe buýt.
          Bà bán hàng đã lõi đời, nên linh cảm nghề nghiệp thật nhậy bén, từ xa bà đã biết tôi là đối tượng bà không mong đợi. Và sự nhắc nhở là có lý. Bà nói thêm:
          -Nhiều tác phẩm vừa sáng tác có bố cục, có gam màu đẹp; khách hàng muốn mua nhưng chưa thống nhất được giá đã thấy cửa hàng khác copy bầy bán với giá rẻ hơn. Mất bản quyền mà không biết kêu ai…
          Tôi thực sự choáng váng vì nhiều cái đến thật bất ngờ! Một lần tôi đến Sài Gòn là như thế đó!
-------------
Bài đăng trên Tạp chí Mỹ Thuật số 74(50) (2-2003)

4 nhận xét:

  1. Em cũng.. "ghiền" có cho mình một bức "La Joconde", Anh về lấy tiền mua nó đi để em được biết là anh mình có tức là mình có. Chuyện lâu rôi, không biết anh mình còn quan tâm không ta? Đọc văn anh bình dị và tha thiết vô cùng. Trong đó chứa cả một vùng khát khao nghệ thuật.. Cám ơn đời!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cam on ban ! da hieu duoc long nhau...

      Xóa
    2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    3. Thật thì không dám có lời nhận xét, H chỉ cảm nhận thế nào thì nói vậy, anh đừng cám ơn H.. (cám ơn bông hồng)

      Xóa