Hồi kí: Lê Bá Hạnh
Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, quê tôi nằm sâu trong vùng địch kiểm soát. Sau ngày 13/ 5/ 1955 được bộ đội xe pháo cờ hoa rầm rập kéo về tiếp quản, chúng tôi được chứng kiến tên thực dân Pháp cuối cùng bước xuống tàu há mồm tại Bến Nghiêng, chạy vào bên kia vĩ tuyến 17.
Ngày khai trường, cùng bạn đồng lứa tôi cũng được cắp sách đi học ở trường phổ thông cấp I. Thầy hiệu trưởng Lê Viết Đường kiểm tra, chia lớp thế nào lại ghép tôi vào học lớp Ba. Toàn những bạn cao lớn lồng ngồng. Tôi trở thành người học trò đầu tiên của thầy dưới mái trường Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bản đồ nước Việt Nam hình cong như chữ S nối liền với Trung Quốc, Liên Xô cùng các nước XHCN...
Thầy Đường người cùng làng, tham gia cách mạng từ sớm, học thiếu sinh quân ở Việt Bắc, rồi được cử đi học sư phạm ở nước bạn. Thầy giảng bài tha thiết như dốc hết ruột gan tâm huyết.Thầy dạy chúng tôi những kiến thức mới nguyên của nhà trường với trái tim bỏng cháy của tuổi trẻ. Chúng tôi như thức tỉnh nhìn rộng ra được tít tắp chân trời. Thầy đã cảm hoá chúng tôi, gieo vào lòng chúng tôi sự trong sáng, cao quý, thiêng liêng nhất của nghề dạy học.
Mấy năm trước, tôi cũng được cha mẹ cho học: Tam Tự Kinh; Đồng Ấu; Sơ Học; ê a đọc “Vocabulaire” viết “đích tê Făngce” nhưng đến nay chẳng còn nhớ gì ngoài những trận đòn sưng vù tay, úp mặt vào tường, quỳ sưng hai đầu gối và thót tim khi nghe tiếng thước đập xuống bàn...
Tôi là đứa trẻ sinh thiếu tháng, thuận tay “chiêu” gầy nghều ngào khẳng khiu như xe điếu; việc nhà các chị gái thương hại tranh nhau làm hết nên đến trường không biết cầm cái chổi quét lớp, không biết giặt sạch giẻ lau để chùi bảng. Tuần nào trực nhật cũng bị phê bình, nên tôi càng nhút nhát, giờ ra chơi chỉ đứng xem các bạn lớn tuổi đánh khăng, đánh đáo, vật tay, đuổi bắt... Nhìn các bạn chân tay rắn chắc, bật nhảy như sáo mà thèm khát. Đến giờ múa hát tập thể người tôi co rúm lại vì xấu hổ, ngượng nghịu. Thầy Đường vất vả lắm mới hướng dẫn tôi nhảy múa đúng nhịp, động viên khích lệ tôi nắm tay các bạn nữ vừa nhảy vừa hát: “Bạn tôi đang ở đâu?/ Ở Liên Xô/ Ở Trung Hoa/ Bạn của tôi đang ở nơi này/ một / hai / ba / bốn..”.
Nhờ thế tôi dần dần tự tin hoà nhập với các bạn. Một cảm xúc kì lạ xâm chiếm trong lòng tôi, bắt tôi phải cố gắng không chịu thua kém những bạn khác...
Trong một buổi lao động tăng gia, thầy trò phải phá hoang một luống đất để trồng rau xanh. Đến việc chặt gốc cây ở góc vườn, mấy bạn lớn khoẻ tay đã vung dao xả được già nửa gốc cây mà rung kéo không đổ, tôi khép nép đứng vòng ngoài nhìn vào. Thầy Đường kéo tay tôi: “Chàng thuận tay trái vào đây!” Tôi phấn chấn hẳn lên vì được thầy nhắc đến. Như khoẻ thêm ra, tôi cầm dao vung mấy nhát phía trái gốc cây là gẫy gục. Tôi vui sướnng tự thấy mình lập được công lớn mà xưa nay tôi cứ đinh ninh mình chẳng làm được việc gì. Từ đấy tôi tích cực tập thể dục buổi sáng và các môn điền kinh...
Thầy Đường dạy chúng tôi từng bài giảng trong sách giáo khoa và hơn thế nữa, thầy dạy chúng tôi biết hệ thống kiến thức hiểu cặn kẽ từ gốc đến ngọn mỗi sự kiện. Thầy gợi cho chúng tôi ham thích tò mò và khám phá. Mới đây chương trình “Đường lên đỉnh Olympia ”. Câu hỏi 20 điểm, hai học sinh lần lượt trả lời mà không đúng. Chính câu hỏi ấy 50 năm trước, thầy Đường đã chuyển thành câu vè cho chúng tôi dễ thuộc: “Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình, Trị , Thiên./ Lưng tựa Trường Sơn / Biển Đông trước mặt- Đó là điểm chung của các tỉnh bắc Trung Bộ” Thầy Đường còn ra một câu hỏi khác tương tự: “Trong kháng chiến chống Pháp những liệt sĩ, anh hùng: Phan Đình Giót, Tô vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Lê Văn Tám- Có diểm nào là chung?” Bắt buộc chúng tôi phải học kĩ bài: Tìm hiểu quê quán, tuổi tác, chiến trường và thành tích... một tuần sau thầy mới đọc đáp án: “Tự nhận lấy phần hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ giành thắng lợi cho Tổ Quốc!” Chúng tôi sững sờ như chợt pháo hoa nổ trước mặt. Đáp án rõ ràng ngay trước mắt, nhiều bạn thuộc bài thông vanh vách, trơn như cháo chảy mà không nhận ra điểm chung ấy. Kiến thức hệ thống chắt lọc như thế làm chúng tôi thấm thía bài học đến sâu sắc nên không thể nào quên được.
Nhiều bài toán được thầy vẽ thành biểu đồ thật dễ hiểu. Chuyện cân voi to, đo giấy mỏng, nhiều cách giải của bài toán: “Vừa gà vừa chó/.../ Ba mươi sáu con/ Một trăm chân chẵn” gợi cho chúng tôi thấy sự kì lạ của con số toán học, những con số có hồn, múa nhảy sôi động đã khơi dậy lòng hiếu kì của tuổi trẻ mở ra mơ ước rộng lớn.
Và thật lạ lùng cũng vì một bài toán- một cơ duyên làm thay đổi hẳn định hướng cuộc đời tôi.
Đó là chuyến đi thăm người nhà khu mỏ Hồng Quảng trên chuyến tàu khách ì ạch mất nửa ngày. Trời râm mát gió yên biển lặng ai cũng vui vẻ trò chuyện cởi mở. Một thanh niên đứng tuổi đăm chiêu nhìn đồng hồ chắc sốt ruột vì công việc đang chờ cuối bến, nói như tự hỏi chính mình: “Tàu chạy thế này tốc độ được bao nhiêu nhỉ?” Mấy bạn đồng lứa cũng ủng hộ đoán 15 hay 20km/ h. Nhưng chẳng có ý kiến nào có cơ sở tin cậy.
Nhớ lại hồi học phổ thông, thầy Đường đã dạy: “ Trên đường đồng chiều hai kẻ gặp nhau/ Tốc độ đôi bên tìm hiệu số/ Đường dài chia với khó chi đâu!” Trong trường hợp này không có quãng đường, không có thời gian làm sao ra tốc độ? Bài toán rất hóc búa.
Tôi chợt nhận trước đó không lâu, một cháu nhỏ ở mũi tàu rơi mũ vải xuống biển. Mấy phút sau anh thuỷ thủ dưới đuôi tàu lấy cây sào vớt lên được. Mấy phút ấy chính là thời gian - Chiều dài từ mũi tàu đến đuôi tàu chính là quãng đường. Thế là đủ yếu tố tính được tốc độ con tàu đang đi trong hiện tại. Tôi thận trọng đề cập đến thí nghiệm tương tự như trên, mấy bạn trẻ không tin và phản đối. Nhưng anh thanh niên đứng tuổi thì vỗ vai tôi thân thiện, tán đồng. Sau này là bạn vong liên dìu dắt tôi suốt chặng đường dài...
Tôi chỉ được trực tiếp học thầy Lê Viết Đường mấy năm cuối của bậc tiểu học, nhưng những kiến thức ấy luôn luôn là nền tảng, điểm tựa vững chắc để tiếp tục học lên sau này.
Một buổi họp đồng môn, hoặc tiếp kiến riêng với thầy, tôi dè dặt nhắc lại buổi lao động chặt cây trồng rau hoặc buổi trực nhật bị phê bình thì các bạn và thầy đều cười “ồ” lên và cho vào ô quên lãng. Nhưng bạn đồng môn, nhà doanh nghiệp thì nhớ rất kĩ bài báo tường của tôi đại ý nói về con mực không có sừng nhọn, răng sắc, hàm cứng để tự vệ thì nó có bầu mực đen ngòm phun vào vùng nước rồi rút chạy an toàn, kí bút danh: Lê Mạnh; cái tên mà tôi ao ước được mạnh mẽ vươn lên dù phải lết phải lê...
Gần đây tôi mới biết thầy Lê Viết Đường nghỉ hưu đã lâu vẫn tích cực tham gia các câu lạc bộ, hội Khuyến Học, hội Chữ thập Đỏ... Điều đặc biệt thầy được các đảng viên cụm dân cư bàu là bí thư chi bộ nhiều khoá, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm...
Những ngày đầu tiên học thầy Đường dưới mái trường Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đối với tôi- những ngày ấy rất thiêng liêng, rất quan trọng, nó là bước ngoặt, khơi dậy, đánh thức lòng quả cảm, vượt lên cố tật bẩm sinh thoát khỏi yếu đuối để hoà nhập...
Những ngày ấy trong tôi cứ đẹp mãi làm sao!
Ngày khai trường 2005
Lê Bá Hạnh
(Giải thưởng KK cuộc thi viết: "THƠ, VĂN XUÔI THÀNH TỰU 50 NĂM GIÁO DỤC ĐÀO TẠO HẢI PHÒNG".
In trong tuyển tập: "MÁI TRƯỜNG HOA PHƯỢNG ĐỎ" nxb Hội Nhà Văn 2006)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét