Truyện ngắn: Lê Bá Hạnh
Thế là xong đợt nghỉ điều dưỡng, nhưng cánh tay An lại tê dại như chất độc khốn nạn nó tái phát. An lang thang ra bãi biển nghĩ vẩn vơ, nuối tiếc một điều gì chưa rành rọt. Mừng vui là chuyện đương nhiên, nhưng hẫng hụt lưu luyến cái bục giảng, các bạn đồng nghiệp và đám giáo sinh cũng làm An bịn rịn... Ngày mai sẽ nhận sổ hưu, không còn gì ràng buộc, đó là niềm vui mơ ước xưa nay...
Lúc này An mới nghĩ đến Na hơn bao giờ hết. Cô giáo sinh của An, học giỏi hát hay, dám xoá bỏ tất cả đi tìm lấy hạnh phúc riêng cho mình. Giờ này Na sống ra sao, tự nhiên An thèm khát được gặp lại, dù chỉ một lần…
An về nghỉ, chỉ muốn được tập dưỡng sinh và ngồi “thiền” nhưng đâu có đơn giản... Người ngoài nhìn vào gia đình An đúng là một tổ ấm, nay An mới nhận ra chính mình đang đóng kịch trong cái tổ ấm ấy. Có bao nhiêu tình yêu, An đã dành hết cho người vợ thứ nhất, khi sinh con xong thì vội vã ra đi, vì quá yêu thương đứa con trai mà nghe theo chú bác, An đã kết hôn với cô y sĩ để đứa con có mẹ, khỏi bị côi cút, yên tâm cầm súng đi làm nhiệm vụ... Một sai lầm rất lớn An đã tưởng lầm tình thương với nghĩa vụ sẽ hay thế được tình yêu chồng vợ nên cứ gắng gượng chịu đựng, ngậm bồ hòn làm ngọt....
Đã nhiều lần An muốn chấm dứt màn kịch độc địa này nhưng không thể cưỡng lại được. Nhưng bây giờ đã khác, An nhìn lại mình: “con tôi, con cô” đã khôn lớn; vợ thì xinh đẹp nhưng tâm trí luôn nghĩ về người khác, chỉ mong đến ca trực, dan díu với anh bác sĩ cũng có hoàn cảnh tương tự... Nhà cao cửa rộng đấy nhưng có khác gì nhà mồ.
An đã nhận ra mình đơn độc lẻ loi đến chừng nào. Càng nhớ đến cô giáo sinh tên Na đằm thắm nhân hậu. Nghĩ đến Na, An lại thấy như ai lấy dao cứa vào da thịt. An không thể tin được cô giáo sinh yêu trẻ, yêu nghề như vậy lại bỏ trường bỏ lớp theo gã đàn ông bẩn thỉu ấy trốn đi... dù đó là chuyện đã có mấy năm rồi...
Cái hôm định mệnh ấy... Sau mấy tiết đứng trên bục giảng, họng khô lại và mỏi nhừ đôi chân, An biết vợ đã đi trực ở bệnh viện, cơm chiều không thể nuốt được món ăn chân giò ninh khoai sọ, nên tạt qua chợ “cóc” tìm mua mớ rau về luộc cho xong bữa, dắt xe đi ngắm mãi đến người có rổ rau xanh mướt trả tiền để mua, bỗng có bàn tay kéo lại nói nhỏ để vừa đủ nghe: “Anh chọn ở rổ bên kia mới là rau sạch- thỉnh thoảng có lá bị sâu cắn ấy...” nhìn lên thì cô gái xinh đẹp đã lẫn vào đám đông, nhưng đôi môi mọng và má có núm đồng tiền thì còn lại mãi trong trí nhớ của An.
Bẵng đi mấy tháng, nhân buổi khai giảng khoá “bổ túc nghiệp vụ giáo dục”, An nhận ngay ra cô gái xinh đẹp có núm đồng tiền và đôi môi đỏ mọng tên Na, là lớp trưởng cũng thường xuyên gặp thầy chủ nhiệm thống nhất lịch học tập. Với nhạy cảm của phụ nữ, Na đã biết về An khá tường tận và Na như muốn nhồi nhét hết kinh nghiệm mua hàng, nấu ăn vào cái đầu của An đã quá rối rắm... Na đúng là cô gái đôn hậu nhân từ, không những lo cho thầy mà còn lo cho cả lớp chu dáo từ những việc rất nhỏ, ai cũng yêu quý mến phục. Na còn có tài cắm hoa, tỉa các củ quả rất đẹp, trời lại phú cho giọng hát mê hồn, bài thơ trên báo tường của An cũng tàm tạm nhưng Na ngân vút lên trong veo rồi từ từ hạ thấp tròn vành rõ chữ từng tiếng làm nội dung bài thơ được nhấn mạnh vào trọng tâm, rõ những nét đẹp sáng tạo, như cô dâu được mặc áo cưới... An càng say đắm như tìm được tri âm. Nhưng đến giây phút quyết định thì An lại co rúm lại bỏ mất thời cơ chỉ vì cái đầu của An đặc sệt tư tưởng phong kiến: thầy trò không thể có chuyện đó. Ánh hào quang của người thầy đứng trên bục giảng phải trong sáng lồng lộng, không thể để một vết gợn cho những giáo sinh ngồi nghe có thể xì xèo đàm tiếu một điều gì...
An càng thấy như có lỗi về việc này. Trước ngày bế giảng chia tay, Na đã xà vào lòng An van xin một đứa con- vì Na đã hai lần sinh nở nhưng chẳng thành người- Mà họ chồng Na muốn có dòng máu nối dõi tông đường, phá bỏ đi cái dư luận độc địa từ trước đến nay: gia đình nhà chồng đã chiếm đoạt con lợn của người làng bên chạy lạc giết thịt làm cỗ cưới, người mất lợn xin không được đã lập đàn nguyền rủa, ác độc... Chứ họ có biết đâu, bố chồng Na là cựu chiến binh nhiễm chất độc màu da cam được hưởng chế độ ưu tiên đặc biệt của nhà nước... Nhưng An đâu có thoát khỏi cái chất độc tai ác ấy. Ngày mới giải phóng Đà Nẵng, lính trẻ đua nhau đi tát cá ở các ao hồ quanh sân bay, bây giờ nghĩ lại mà rùng mình, nhiều lính đã có dấu hiệu nhiễm độc. Cũng may An đã có đứa con trước ngày vào chiến trường và giữ nguyên như vậy. Hơn nữa, An đang đứng trên bục giảng, nên không thể cho Na một đứa con như cô giáo sinh mong ước. Dù trong lòng An đã rung động xúc cảm thực sự, nhưng An vẫn dùng dằng nói lời lẽ giáo điều như luân thường đạo lý ngàn năm xưa để Na ôm mặt, nước mắt dàn dụa chạy vụt đi trong tuyệt vọng...
Mấy tháng sau nghe tin Na đã theo thằng đàn ông ấy bỏ trốn vào vùng biên giới tây nam... Những ngày ở gần Na, An thấy như được khơi dậy những ngày trai trẻ một thời hừng hực sức sống. An hối tiếc những giây phút đẹp đẽ quý báu đó mà đã để tuột mất khỏi tay. Nhất định An phải tìm bằng được Na, bù đắp cho Na những gì có thể được... An như thấy chính mình là tội phạm... Ngày mai nhận sổ hưu, An nhất định phải bắt tay vào công việc, dù đã quá muộn...
Con sóng nhỏ, xoá dần nốt chân An trên cát, đám dã tràng vẫn cần mẫn se cát như không có chuyện gì sảy ra...
LBH
Chào Anh Lê Bá Hạnh
Trả lờiXóaĐã lâu rồi đấy, qua trang blog, biết anh đã tìm lại tôi, nhưng mần mãi không sao gặp lại. Bữa này ngồi lật trang blog vô tình thấy Anh. Mừng quá . Đúng Lê Bá Hạnh, người đã từng ỏ Hông Gai thời khốn khó đấy không? Đọc "Tội phạm vô hình,"
mà hình dung ra một cô bé nào đó, lâu lắm rồi, bẵng đi...
Thăm gia quyến Anh và gửi lời chúc phúc!
Trần Chiểu
Cám ơn nhà báo,nhà thơ, nhà văn Trần Chiểu đã ghé thăm và có nhuengx nhận xét quý báu...
Trả lờiXóaBiết nhau từ lâu . Thất lạc khá dài, may mắn sao được gặp lại
Tôi đã gặp nhà thơ Vũ Tư (mỏ Cọc Sáu QN) đã chuyển về Hải Phòng...
Rất mong có dịp được nắm tay nhau cùng nói chuyện !