19 thg 3, 2012

Một ngày đi thực tế

Lê Bá Hạnh

Trong chuyến đi thực tế, trại sáng tác đã có hơn bốn người bỏ quên áo len, áo khoác trong một chuyến đi, vì chúng tôi anh nào cũng bạc trắng đầu, quên kính, quên bút, quên mũ là chuyện thường xuyên. Nhưng khi ngồi vào bàn viết thì không thể quên chữ nào


Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng mở trại sáng tác khai mạc ở Công ty Du lịch quốc tế Hòn Dấu. Sau ngày khai mạc, được nghe về tiềm năng phát triển dự án mở ra khá nhiều cái tuyệt vời...
Ngày hôm sau, chiếc 48 chỗ ngồi chở các hội viên đi thực tế tìm hiểu du lịch tâm linh vùng đất Đồ Sơn đầy tiềm ẩn… Chặng đầu dừng chân: Suối Rồng, nguồn nước mát lạnh từ trong lòng núi đá chảy ra đến kỳ lạ suốt đêm, suốt ngày và hào phóng đến bất ngờ…
Lên đền thờ cô Chín, ra Đền Nghè quay về Chùa Tháp. Nhà sử học Ngô Đăng Lợi chọn đường xóm Chẽ cho xe leo lên. Mới đi một đoạn lái xe đã xót ruột vì bánh xe lọt vào khe nước, gầm cọ vào đá rèn rẹt. Nhà sử học khăng khăng xe đi được, chính ông đã đi hôm khánh thành chùa Tháp trong dịp lễ nghìn năm Thăng Long. Và hôm nay cũng có nốt bánh xe mới nguyên (nhưng đó chỉ là loại xe tải chuyên dùng) đường này qua mỗi trận mưa sói mòn thành rãnh lớn nên lái xe toát mồ hôi là phải.
Lái xe đã nhiệt tình, leo mãi lên được một phần ba đường rồi lắc đầu chịu thua, cởi áo khoác, lau mồ hôi trán… Mặt trời đã lên cao, nhiệt độ trong xe tăng lên đột ngột, ai cũng muốn cởi áo khoác, áo len cho mát.
Chả bù cho hôm trước, gió mùa đông Bắc, sóng bến tàu như thú dữ, nâng tàu lên hạ tàu xuống như con ngựa bất kham không muốn cho ai vượt qua cầu vào thăm đảo Hòn Dấu linh thiêng đầy huyền thoại. Thế mà đoàn hội viên dự trại không ai chịu bỏ cuộc…
Đi lễ chùa, đã nói mà không đi là không được, ai cũng nghĩ như vậy. Và hôm nay chúng tôi kéo nhau xuống đường đi bộ. Đường đầy những đá lổng chổng và khe nước. Thế mới biết mưa gió đã bào mòn con đường xuống cấp nhanh chóng…
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi đang nói về nền văn hóa hoàng kim đời Lý, đời Trần… Nhà văn Đinh Quyền nói chen:
-Ông có nhớ một câu ca dao, chữ “xuân” lại là động từ không? Hoặc câu ca dao nói về tình dục mà phân biệt đẳng cấp giàu nghèo không?
Nhà sử học đang ngẫm nghĩ, nhà văn Đinh Quyền đã đọc thông vanh vách:
-“Cày xong một thửa ruộng gần/ Hôm nay có muốn cái xuân thì làm” Xuân này có đúng là động từ chưa?
“Chẳng cho nhà khó nứng ghe/ Nhà giàu nứng cả oi nghe nhà giàu”…
Mọi người phì cười vì câu vè dí dỏm quên đi mệt nhọc.
Tôi chợt nhớ mấy năm trước báo “An ninh Thế giới” đã nói về quyển sách: “Chân dung nhà văn” của Nguyễn Xuân Sách gây xôn xao dư luận, mới đây lại được nhắc lại…
Một nhà thơ cũng theo dõi kỹ, ông đọc rành rọt:
-“Bỉ vỏ” một thời oanh liệt nhỉ/ Sóng Gầm sông Lấp mấy ai hay/ Cơn bão đã đến dộng rừng Yên Thế/ Con hổ già uống rươụ giả vờ say…” nói nhà văn Nguyên Hồng của chúng ta đấy.Và nhà văn Nguyễn Công Hoan: “Bác Kép Tư Bền rõ đến vui/ Bởi còn tranh tối bác nhầm thôi/ Bới trong đống rác nên trời phạt/ Trời phạt chưa xong bác đã cười..”
Một nhà thơ bổ xung, nói nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh:
-Xưa thơ anh viết không người hiểu/ “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”/ Nay anh chưa viết người đã hiểu/ Sắp sáng thì nghe có tiếng gà…” Nhà văn Ngô Tất Tố: “ Tại ba thằng mõ cỡ chuyên viên/ Chia xôi chia thịt lại chia quyền/ Việc làng việc nước là như vậy/ Lộn xộn cho nên phải tắt đèn..”
Mọi người bái phục trí nhớ của nhà văn tuyệt vời. Một nhà thơ khác còn khoe thuộc đủ mấy trăm câu truyện Kiều, có thể đọc ngược cũng được. Chuyện cứ như thế tưởng không thể dứt…
Chẳng mấy chốc đoàn chúng tôi tới Chùa Tháp, các văn sĩ đã sờ mó từng viên gạch từ đời nhà Lý; Tháp có tên Tường Long đã ghi trong sử sách. Các nghệ sĩ đua nhau giơ máy ảnh sát tận nơi ghi hình. Chân tháp phát hiện được nhờ bộ đội đào giao thông hào gặp những viên gạch lạ, các nhà chức trách đã vào cuộc và hôm nay đã xây dựng được ngôi lầu lớn, có hành lang lan can xung quanh cho khách tham quan. Bên trên có mái che tuyệt đẹp, bảo vệ ngăn được phá hủy của mưa nắng.
Chùa đã được xây mới khá đồ sộ. Tháp cao mười ba tầng đã xây xong phần móng.
Các nghệ sĩ lặng lẽ vào chùa thắp hương chắp tay miệng lầm bầm cầu khấn, chắc muốn sáng tác đợt này có thêm tác phẩm giá trị để đời…
Cuối buổi các nghệ sĩ lên xe trở về thành phố, xe chạy trên đường gần nhà ai thì xuống. Nhà tôi gần nhất nên xuống xe đầu tiên, về nhà được mấy phút mới nhớ ra chiếc áo khoác cổ có lông xoăn tít. Lúc mọi người co ro vì gió rét, tôi rụt cổ vào ve áo ấm cúng đầy sĩ diện. Buổi trưa trời nóng quá đã cởi ra để trên nghế xe. Một cú “phôn” di động cho trưởng đoàn nhờ cầm hộ (chuyển sang nhà con gái tôi gần nhà ông) ..
Một giờ sau (chắc mọi người đã về đến nhà mình) tôi lại nhận cú điện thoại của trưởng đoàn: “Ra phòng họp tìm chiếc áo “véc” cho nhà văn Đinh Quyền bỏ quên…” Lại tốn cú điện thoại cho phó giám đốc khu du lịch Quốc Tế Hòn Dấu, anh hứa sẽ tìm ngay. Ba mươi phút tìm bới ngóc ngách gầm bàn, gầm tủ mà không thấy một áo “véc’ nào. Không kịp nghỉ ngơi, tôi vội vã lấy xe máy đi gần chục cây số ra nhà nghỉ Vạn Phong đêm qua đã ngủ, cùng phụ trách lễ tân lục lọi mấy chục phòng không sót một ngăn tủ vẫn không thấy vật đáng tìm kiếm.
Mấy hôm sau có việc vào trung tâm thành phố, tôi đến nhà con gái để lấy áo, nào ngờ đó là chiếc áo len khác mát mịm như lông cừu và chiếc áo “véc” màu tím than mới nguyên, tôi đã thấy nhà văn Đinh Quyền mặc hôm khai mạc, chứ áo khoác cổ có lông dài của tôi vẫn “bặt vô âm tín”…
Trong chuyến đi thực tế, trại sáng tác chúng tôi đã có hơn bốn người bỏ quên áo len, áo khoác trong một chuyến đi, vì chúng tôi anh nào cũng bạc trắng đầu, quên kính, quên bút, quên mũ là chuyện thường xuyên. Nhưng khi ngồi vào bàn viết thì không thể quên chữ nào.
Bài viết đến đây, cô “thợ vi tính” đã gõ dấu chấm “hết”, nhưng trang giấy còn quá trống. Cô tự ý gõ thêm vào: “Văn chương sao nhớ rất dai/ Mấy cái (áo) lông dài, thì lại bỏ quên!”
Bài viết in ra, tôi soát lại tự nhiên thấy mấy câu lạ, đọc lên thấy hay hay nên giữ nguyên làm câu kết cho chuyến đi thực tế này!

LBH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét