16 thg 4, 2012

...Chuyện về... những người không có tên... Ở CHÂN TƯỢNG ĐÀI CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN

Lê Bá Hạnh


Nửa thế kỷ rồi  mới được “Qua miền Tây Bắc”. Dốc Pha Đin, đèo Lũng Lô. Tôi cố tìm dấu vết xe thồ, nốt hằn đường kéo pháo mà không thấy, chỉ con đường rải nhựa, hôm nay xe ô tô siêu trường, siêu trọng chở tượng đài “Chiến thắng Điiện Biên” nặng 200 tấn đặt trên đồi Đ1, cả thành phố Điện Biên chỗ nào cũng nhìn thấy, dù hôm nay mới đặt được phần dưới, nhưng đã gây được ấn tượng mạnh từ cánh tay chiếc cần cẩu vươn cao, phía trên là lá cờ Tổ Quốc…


Một năm trước tôi đã được chứng kiến các nhà điêu khắc trẻ Công Ty Mỹ Thuật Trung ương dựng khung thép kết cấu thành hình dáng tượng rồi gọt sửa từng mảng đất để được đúng hình anh bộ đội Cụ hồ: áo chấn thủ, mũ nan, chùm vải, chăng lưới… Một anh lính giương cao lá cờ: “Quyết chiến quyết thắng”, lưng quàng mảnh vải dù ngụy trang. Một anh lính khác khoác súng nâng em bé gái dân tộc Thái trên vai reo cười cùng nhìn lá cờ bay lượn, mặt tươi như hoa rạng rỡ niềm vui. Người chiến sĩ thứ ba mắt nhìn xa, nét mặt cương nghị tỉnh táo nắm chắc tay súng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ thành quả chiến thắng. Đó là tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Hải, ông ấp ủ và phác thảo nhiều lần năm 1969 mới hoàn thành được nhân dân và các nhà chuyên môn đánh giá rất cao, được Bảo Tàng Mỹ Thuật mua và lưu giữ.
Công ty Mỹ thuật Trung ương được nhận nhiệm vụ phóng tác và giao cho nhóm mỹ thuật trẻ Pham Bá Đua thực hiện. Công việc đầu tiên là cùng tác giả chuyển thể các hình khối tròn thành hình khối vuông chắc, sắc mạnh phù hợp với tượng đài đặt ngoài trời, lại phải tính đến “độ hút” nhìn tượng từ xa, khắc phục các nhược điểm mà tượng khác đã đặt. Khi thi công tượng thường đặt cao ngang mặt đất, hội đồng thẩm định duyệt, không chê được điểm gì, nhưng khi đặt tượng lên bucj cao 9 – 10 mét lại ở trên gò trên đồi cao nữa, đầu tượng hay bị nhỏ lại như đầu chim, có nơi hai chân bị ngắn lại hoặc cổ rụt lại, vai thu vào. v. v.

Phạm Bá Đua đề xuất đề xuất chia tượng thành từng ô trong không gian một mét một, và tương đương hình khối ấy ở tượng mẫu thu nhỏ, từng họa sĩ điêu khắc phụ trách từng ô vuông, từng mét một. Phương pháp này nhiều người cùng làm việc được cùng một lúc, phát huy được tính chủ động và sáng tạo của mọi người. Khác với phương pháp cũ: Nhà điêu khắc danh tiếng có nhiều kinh nghiệm: Dương Đăng Cẩn, Lưu Danh Thanh cầm loa pin đứng gần rồi ngắm ở xa chỉ huy từng người đắp vào lấy đi từng miếng đất.

Sức chịu đựng, dựng treo mấy trăm tấn đất lên cao như ngôi nhà ba bốn tầng, Riêng lá cờ đã 40 mét vuông, tất cả chỉ dồn lên 6 ống chân của ba chiến sĩ chịu đựng suốt bốn mùa mưa bão. Mỗi đợt áp thấp nhiệt đới, cơn bão đi qua là ngần ấy lần thót tim bao nhiêu người. Cuối cùng cũng hoàn thành đổ thạch cao âm bản rồi dương bản…

Anh Nguyễn Trọng Hạnh, nghệ nhân đúc đồng truyền thống ở Thành Nam nhận trọng trách đúc tượng. Có tượng mẫu là thạch cao, đắp khuôn ngoài,, đắp sáp theo độ dầy của đồng, lại đắp khuôn trong, đất sét xe lớn xe nhỏ chở về ùn ùn; vỏ trấu đi mua đến cạn kiệt phải ra tỉnh ngoài chở về mới đủ. Vị trí đặt “đậu co ngót”, đặt chỗ thoát hơi, thoát khí chủ động tính được. Nhưng nấu đủ 40 tấn đồng loãng chẩy rót vào khuôn là một bài toán hóc búa. Phải nhiều lò cùng nổi lửa, đồng loãng gom vào một máng lớn, dùng cần cẩu nâng cao hàng chục mét, một cần cẩu khác nâng nghiêng máng dần đổ vào khuôn, cứ như thế nhiều giờ liên tục. Từ quy trình làm khuôn, đến người lái cần cẩu không ai được phép có một sai sót dù là nhỏ nhất, nếu nhầm lẫn, mọi việc gần như phải làm lại từ đầu. Mấy chục con người phải thống nhất như một guồng máy…

Đúc tượng đã khó, việc chuyển tượng lên Điện Biên càng khó khăn hơn. Các Bộ các Ngành phải vào cuộc, cả nước hồi hộp theo dõi từng khúc tay áo trên đường dốc…

Công đầu của tượng đài phải nhắc đến các nhà địa chất công trình, nền móng, kỹ sư kết cấu, kiến trúc sư tạo ra cảnh quan môi trường cây xanh đền chiếu sáng nhà chờ nghỉ chân v.v…

Ngày khánh thành tượng đài sắp đến – Đồng bào cả nước và bè bạn bốn phương đều hướng về Điện Biên Phủ - Địa danh đồng nghĩa với sự giải phóng dân tộc giành độc lập tự do - lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng…

Dưới chân tượng đài chắc chắn có bảng đồng nhất định khắc tên tác giả: Nhà điêu khắc Nguyễn Hải. Ngày tháng năm khởi công, ngày hoàn thành…

Làm lên cái bảng đồng đó có biết bao nhiêu con người ngày đêm đổ công sức vào thành tựu này. Nhưng bảng đồng quá nhỏ hẹp nên không thể ghi hết được mọi người. Đó là lẽ đương nhiên như các công trình khác…

Trong các điểm tham quan du lịch ở thành phố Điện Biên. Bên đại lộ mang tên ngày chiến thắng 7/5 . Qua quảng trường rộng là nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên. Đang mùa nắng nóng toát mồ hôi mà bước vào nghĩa trang thấy lạnh người. Có thể vì bức tường đá rất dày, rất lớn, vì các bảng đá khắc vô vàn tên các liệt sĩ trên mọi miền đất nước đã hy sinh. Và hàng mộ dọc ngang dài hun hút mà bia mộ nhẵn trơn: không một chức danh, không một tên, họ, quê quán…

Người chiến sĩ ấy nằm xuống đất này chỉ cần: chiến thắng, giành độc lập cho Tổ Quốc, đâu có cần đòi hỏi gì hơn… Ngay cái tên trên bia mộ mình đâu cần thiết.!!!

LBH
Nguồn: tạp chí Mỹ Thuật Hội Mỹ Thuật Việt Nam: số 104 (65) (5-2004)

2 nhận xét:

  1. Hương ít đọc thể loại này nhưng khi đọc "được" rồi thì biết mình đã có thêm kiến thức về mỹ thuật và biết rằng từ đây mình rồi sẽ ham mê lối viết của anh.. Cám ơn anh!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CÁM ƠN BẠN ĐÃ ĐỒNG CẢM CHIA SẺ !

      Xóa