17 thg 5, 2012

TẢN MẠN VỀ NƯỚC MỸ

Trịnh Anh Đạt
Nhà thơ "Rau má xứ Thanh" Trịnh Anh Đạt có chuyến công du sang Mỹ. Nhà thơ gửi bài viết này, cùng ảnh tư liệu cho bogs Lê Bá Hạnh. Xin được giới thiệu cùng đọc giả. 

Trịnh Anh Đạt, tác giả bài viết đứng dưới chân một khu phố ở Sanfrancisco city
        Theo số liệu của cơ quan thống kê Hoa Kỳ (USA Census Bureau) cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã lên tới con số 1,8 triệu người, và trở thành cộng đồng thiểu số gốc Á lớn thứ 2 toàn nước Mỹ (Sau người Mỹ gốc Hoa) Ngoài ra, theo ông Lê Thành Ân, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh, thì có khoảng 2 triệu người châu Á, đang sinh sống tại Mỹ, tự nhận mình là người gốc Việt. (Đây chính là những người Hoa ở hai miền nam bắc Việt Nam, ra đi sau sự kiện chiến tranh biên giới phía bắc những năm 1987- 1988) (Chú thích của tác giả)

Du khách nạp tiền vào khe thu tiền trên máy, ống kính tự động mở ra mới nhòm được.

Cộng đồng người  Việt và người Hoa, tại cơ sở sản xuất bánh chưng
Niên khóa 2010- 2011 có khoảng 14 ngàn sinh viên Việt Nam học tại các trường đại học trên toàn nước Mỹ, tăng ~ 3% so với những năm trước. (Trong khoảng 610.000 học sinh, sinh viên các nước) Nhưng đông đảo nhất vẫn là học sinh, sinh viên Trung Quốc! (Nơi nào có trường đại học, là nơi ấy có sinh viên Trung Quốc!)
Cộng đồng người Việt đa phần kiếm sống bằng các nghề dịch vụ công cộng, phụ nữ làm nghề tóc, sơn sửa móng tay, móng chân, mở nhà hàng phục vụ ăn uống, bán hàng trong các siêu thị, trông giữ trẻ. Nam giới khỏe mạnh thì làm nghề lái xe tải, xe tắc xi, xén cỏ, làm vườn, làm xây dựng, giặt thảm, bán thịt cá trong các trung tâm thương mại...Nghĩa là làm đủ các thứ nghề miễn là có thu nhập để đảm bảo đời sống, đây cũng là lý do người Việt ở hải ngoại nhanh chóng hòa đồng và thích nghi với môi trường sống mới... Người Việt ta có đức tính quý là cần cù, chịu khó, tằn tiệm, lại hay lo xa, vì vậy đời sống của cộng đồng người Mỹ gốc Việt khá ổn định và sung túc. Chuyện vui kể rằng: Hỏi dân bản địa có cảm nhận thế nào với dân nhập cư? dân bản địa thẳng thắn trả lời “Chúng tôi ghét người Mỹ da trắng, và người Mỹ da vàng!” Lại hỏi: “Tại sao vậy ?” Trả lời :“Vì người Mỹ da trắng thông minh hơn chúng tôi, còn người Mỹ da vàng có xe hơi đẹp hơn xe chúng tôi”... Người Mỹ dị ứng với những câu hỏi đại loại như:“- Ông bà làm nghề gì? Thu nhập bao nhiêu? Và với phụ nữ thì bạn đừng bao giờ hỏi tuổi của họ, dù họ có “thon thon hình vại” bạn chớ có nói họ béo... Câu cửa miệng của người Mỹ là: Cảm ơn và xin lỗi! Có một quý ông, đi bộ trên vỉa hè, vì mải mê đọc báo, va phải cây cột điện, cũng ngả mũ ra...xin lỗi!...
Thế hệ người Việt thứ hai ở Mỹ, có rất nhiều người thành đạt, vì được đào tạo, học hành đến nơi, đến chốn, có trí tiến thủ, không chịu thua kém các cộng đồng người Mỹ đến từ khắp các châu lục trên thế giới. Nhiều người giữ chức vụ cao trong chính phủ bang và chính phủ Mỹ. Họ có mặt trong thượng nghị viện và hạ nghị viện Hoa Kỳ.
Ý thức công dân của người Mỹ rất cao, họ làm bất cứ công việc gì cũng đặt lợi ích của cộng đồng lên trên hết. Nhiều người đã về nghỉ hưu trí, ví như trái chín chờ ngày rụng, nhưng trong thời gian “chờ rụng” ấy , họ lại tự nguyện tham gia các công việc phục vụ cộng đồng mà không đòi hỏi hưởng thụ gì từ kinh phí nhà nước. Các cựu chiến binh, các cựu giáo chức, cựu viên chức...Ở đâu cũng gặp họ: Trong bảo tàng không lực Hoa Kỳ, các cụ làm hướng đẫn viên là các cựu chiến binh từng làm “giặc lái” chiến đấu trên chiến trường Việt Nam, Irac. Các lớp dạy Anh ngữ cho cộng đồng người mới nhập cư vào nước Mỹ là các giáo chức đã nghỉ hưu, đầu tóc bạc phơ, “chân chậm, mắt mờ” nhưng tình yêu đối với công việc thì các cụ vẫn cháy hết mình!...

Nhà thơ Trịnh Anh Đạt cùng phu nhân đến thăm một lớp học của cộng đồng người Mỹ mới nhập cư, do các tình nguyện viên là giáo chức đã nghỉ hưu giảng dạy miễn phí.
Nhiều người ca ngợi nước Mỹ là “Miền đất hứa”. Tôi chưa có dịp tìm hiểu hết ngọn ngành của cái sự “Hứa” kia ra sao, nhưng áp lực cuộc sống thì hiển hiện ngay trước mắt:“Nước Mỹ chẳng cho không ai cái gì!” đó là cảm nhận của tôi khi lang thang trên các thành phố của bang California. Anh muốn dừng xe bên lề phố ư? – Tiền! Chị muốn ngắm thành phố Sanfancisco từ hệ thống ống nhòm trên eo biển phía bên kia cầu Cổng vàng ư? - tiền! Việc trả tiền dịch vụ do người sử dụng dịch vụ ấy tự giác trả bằng cách cho những đồng xu vào khe thu tiền lắp liền trên máy. Bạn sẽ hỏi: Nếu không tự giác trả tiền thì sao? Vâng, thì có dán mắt vào ống nhòm, cũng không nhòm được! Tức là anh phải trả tiền trước, ống kính mới mở ra cho mà nhòm! Còn thu phí gửi xe bên hè phố thì sao? Nếu đỗ xe mà không nạp tiền thì đèn tín hiệu vẫn đỏ, có nghĩa người lái xe ấy vi phạm luật. Công dân Mỹ không ai muốn “dây” với pháp luật cả. Muốn biết Mỹ có phải là đất nước của luật pháp không, thì phải đến tận nước Mỹ mới biết được.Luật pháp nước Mỹ rất thực dụng, mọi tội phạm có thể quy thành “thóc” tức là tiền! Chẳng hạn người phạm tội bị kết án tù, anh có thể nộp tiền cho tòa để được tai ngoại.




Trạm thu phí xe ngay bên vỉa hè, để người chủ phương tiện trả tiền thuận lợi


Vào dịp nghỉ lễ Tổng thống, gia đình tôi tổ chức một chuyến đi thăm thân tại thủ phủ bang Cali, khi cách thành phố Sacramento chừng 30 km thì một sự cố bất ngờ sảy ra: xe bị nổ lốp sau! Mọi người hết sức hoang mang lo lắng, giữa nơi đồng không mông quạnh, trời đã về chiều, trên đường cao tốc dòng xe nhộn nhịp, hối hả như trôi giữa dòng sông vô cảm...Vợ con tôi vội lấy điện thoại ra liên lạc với người thân, vẻ mặt đầy thất vọng. Bỗng từ phía sau, một chiếc xe tải nhẹ màu trắng đỗ xịch, một người Mỹ to cao, mắt xanh, mũi lõ, nhìn gương mặt không phân biệt được đâu là râu, đâu là tóc, theo ngôn ngữ Việt thì gọi là “Gương mặt hầm hố” bước đến phía chúng tôi cất lời chào và hỏi ngay:“- Xe quý cô có lốp dự phòng không?”. Con gái tôi nói-“No!” (không!). Ông ta cười và bảo: “Quý cô bỏ hành lý xuống để tôi kiểm tra xem”. Ông tra loay hoay một lúc rồi bê ra một lốp xe dự phòng được cất kỹ dưới nơi chứa hàng phía sau, mọi người tròn xoe mắt ngạc nhiên. Ngay chủ nhân xe cũng không biết có chiếc lốp dự phòng được dấu rất khéo trong xe mình! Ông “hầm hố” quay lại xe mình, lấy dụng cụ đồ nghề hì hục kích kích, tháo tháo... Trông dáng điệu làm việc nhiệt tình tự giác đến mức hoài nghi, tôi ghé vào tai vợ: “-Quả này, thằng cha “hầm hố” phải “chém” mình mấy trăm đô đấy bà nó ạ! Vợ tôi đồng tình: “Ừ! Bọn họ trực cả ngày mới vớ được “con cá xộp” mà lị.” Khi xong việc, con gái tôi hỏi hết bao nhiêu tiền công, ông thợ thản nhiên trả lời “Free!” (miễn phí). Quá đỗi ngạc nhiên, con tôi nói lại:-“ Cảm ơn ông, chúng tôi không trả tiền công, biếu ông chút tiền bồi dưỡng thôi”. Ông ta cười và giải thích: “- Tôi đã được chính phủ trả lương để làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông thông suốt, không được phép lấy tiền của ai cả.” Nói rồi ông ta còn đưa cho chúng tôi cacvisit, và dặn dò, nếu lần sau gặp sự cố cứ gọi vào số máy này là có người của cơ quan đảm bảo an toàn giao thông liên bang đến giúp đỡ. Tôi đem chuyện thật như bịa này kể lại cho những người Việt nhập cư nghe, họ tỉnh khô bảo: “Bọn đế quốc xài lang” nó thế đấy!”

Làm việc hết mình vì cộng đồng mà không nhận tiền lót tay, chỉ có công dân Mỹ!
Người lao động ở nước Mỹ được trả lương theo giờ, vì vậy áp lực công việc không nhỏ chút nào. Bạn thử tính xem, một người làm công việc rửa bát trong tiệm ăn, lương khới điểm cũng được chủ trả 10 USD/ giờ, một ngày làm việc 10 tiếng đồng hồ, tính theo giá trị tiền VND là trên hai triệu/ ngày. Tất nhiên “tiền nào, của ấy” trong giờ làm việc không có chuyện chè, thuốc, thậm chí đi đại, tiểu tiện cũng không! Có nghĩa là những việc đó phải được giải quyết trước khi bắt tay vào việc. Gặp gỡ vài “ông chủ” ra đi từ miền bắc XHCN (Ý từ “ Hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ”. “Nhà máy là nhà công nhân là chủ”...) họ không khỏi ca thán: “Mình đang là “ông chủ” tự dưng sang đây “làm trâu, làm ngựa”, cho tư bản...” rồi họ cả cười, có vẻ như hài lòng với cái công việc không được làm “ông chủ” ấy...


Các thành phố trên nước Mỹ, hầu hết được xây dựng trên các vùng đồi núi trọc.vùng đồng bằng "bờ xôi, ruộng mật" được ưu tiên cho trồng cây công nghiệp và nông nghiệp.

Ngắm nhìn các công trình xây dựng trên đất nước Mỹ, ta dễ nhận ra một điều: Người Mỹ rất khát khao chinh phục. Bằng chứng là việc xây dựng các thành phố , hầu hết các nhà hoạch định, đều nhắm vào các vùng núi trọc. Chỗ cao thì san thấp, nơi thấp thì lấp lên cao. Cao quá thì đường xá chui qua núi, các khu phố cứ kẻ vuông chằn chặn như bàn cờ vua. Vỉa hè tại các góc vuông ấy được hạ cốt O-O bằng với mặt đường, để các cụ già chống gậy, không phải bước cao, các em bé đi không vấp ngã, người đi xe lăn không cần giúp đỡ, tự mình cũng đưa xe lên được vỉa hè... Còn bờ xôi ruộng mật được dành cho các trang trại trồng cây công nghiệp và cây ăn quả. Sản lượng ngô của nước Mỹ chiếm hơn 1/3 sản lượng ngô trên toàn thế giới.

Nước Mỹ rộng lớn, nếu không có các thảm cỏ  cùng các hàng cây xanh, người ta cứ ngỡ vỏ trái đất được cấu tạo bằng bê tông và nhựa đường.
     Ra khỏi Sanfran chạy xe 8 giờ với vận tốc 65 dặm/giờ chưa ra khỏi trang trại chuyên canh táo, lê, đào, mận. Vào mùa hoa nở, mỗi khi có làn gió thổi, phấn hoa bay phủ kín cả một vùng như có ai ném vào thiên nhiên nắm bột mì khổng lồ. Phấn hoa chui vào xe, làm người trong xe hắt hơi, nước mắt, nước mũi dàn dụa.
Nước Mỹ rộng lớn, nếu không có các thảm có và những hàng cây xanh, người ta cứ ngỡ vỏ trái đất được cấu tạo bằng bê tông và nhựa đường.

                                                                                              TRỊNH ANH ĐẠT

2 nhận xét:

  1. Một đất nước xa mà không lạ. Cám ơn Trịnh Anh Đạt đã co bài viết đáng để ta suy ngẫm

    Trả lờiXóa
  2. Chào Trịnh Anh Đạt và Lê Bá Hạnh,
    Hôm nay dạo chơi trên Net tình cờ đọc được bài viết của nhà thơ Đồ Sơn về nước Mỹ. Trước tiên phải nói bài viết Hay, cung cấp nhiều thông tin thú vị cho những người Việt chưa có dịp đến nước Mỹ. Tuy nhiên có 2 chỗ cần phải "chỉnh" lại cho đứng.
    1)"Thế hệ người Việt thứ hai ở Mỹ, có rất nhiều người thành đạt, vì được đào tạo, học hành đến nơi, đến chốn, có trí tiến thủ, không chịu thua kém các cộng đồng người Mỹ đến từ khắp các châu lục trên thế giới. Nhiều người giữ chức vụ cao trong chính phủ tiểu bang và chính phủ Mỹ. Họ có mặt trong thượng nghị viện và hạ nghị viện Hoa Kỳ." Sự thật thì chỉ có một vài người Việt vào được Hạ Viện Mỹ, còn Thượng Viện thì tuyệt đối chưa có.
    2)"Chẳng hạn người phạm tội bị kết án tù, anh có thể nộp tiền cho tòa để được tai ngoại." Chỉ có những người bị bắt giam nhưng chưa ra tòa và chưa bị kết án, mới được phép đóng tiền thế chân (bond)để được tại ngoại hầu tra. Còn nếu đã bị kết án tù thì Phải Ở Tù chứ không thể dùng tiền mà đổi lấy tự do được. Tại ngoại hầu tra (bằng cách đóng tiền thế chân) là để ngăn ngừa tình trạng bị bắt oan, khi ra tòa trắng án thì không phải đấm ngực kêu trời vì đã bị tù (tạm giam)oan trong lúc điều tra, chờ ra tòa.
    Mong nhà thơ và ông họa sĩ ở Đồ Sơn luôn được vui vẻ, khỏe mạnh.
    Phạm Đức Nhì



    Trả lờiXóa