20 thg 3, 2014

CON CHÓ NGỐC NGHẾCH

           
Truyện ngắn: Lê Bá Hạnh
  Bà lão nhẹ nhàng xuống cầu thang, qua phòng khách hẹp vắng lặng, cái sân nhỏ để xe và con chó Mi Nu gốc nghếch của bà lại rít lên cuống cuồng quẩn lấy người liếm chân, liếm tay… như không muốn bà đi chợ như thường lệ. Con vật cũng lạ, ngày mang nó về, chỉ một tay ôm nhẹ, thế mà giờ bà bê không nổi. Chỉ riêng người bà sút cân rõ rệt…


- “Ôi! thế là bà và ông đã thành người Thủ Đô – Hà Nội!” Đó là câu chào đầu môi mọi người khen ông bà lên thành phố trắng da và đẹp lão… Sau mỗi sáng gặp nhau đi bộ, gặp mặt Câu lạc bộ Thơ hoặc họp tổ dân phố…
 Ông bà hiếm hoi sinh được cậu con trai, dồn hết sức lực cho ăn học, đỗ đạt danh giá; làm ở viện nghiên cứu khoa học cao siêu; con khôn, vợ đẹp làm ở công ty “môi giới chứng khoán” lúc nào cũng mặc đồ thời trang đắt tiền…
Hai ông bà ở quê, lương hưu tuy ít nhưng rau quả, gà vịt đầy vườn nên sống dư dật thoải mái. Phấn đấu được thế tưởng đã yên thân tuổi già, nào ngờ đầy biến động liên tiếp: Cháu nội ra đời, lần sau cũng như lần trước, bà phải bỏ ông ở quê lên nhà hộ sinh đón cháu từ lúc lọt lòng mẹ, rồi chăm bẵm cho đến ngày được nhận vào nhà trẻ. Cũng như hoàn cảnh nhiều người bạn khác: “Con lấy vợ bố mất xe; Cháu khóc oe oe bố mất vợ…” Con trai lấy vợ, ông phải bán đi chiếc xe máy, bây giờ ông phải tự nấu lấy ăn – là thế. Chưa hết – các cháu đã lớn cần phải có phòng riêng, nhà phải xây lại, tốn một khoản tiền không nhỏ. Hai vợ chồng con trai về nói ngon ngọt thế nào, ông bà nhất trí bán nhà đất lấy tiền xây nhà mới cho con ở Thủ Đô và đón ông bà cùng lên ở đó. Ý định, đắn đo hàng năm trời mà khi rời bỏ ngôi nhà ra đi bịn rịn muốn rơi nước mắt, dù viễn cảnh phía trước là vô cùng đẹp đẽ...
          Ở với con cháu mấy ngày đầu tiên đã nghe con dâu và cháu cãi nhau, nó không muốn lên ở phòng trên vì nhiều bất tiện. Nó phải đi về đều qua cửa phòng kính mờ của ông bà, mùa hè thì mở trống huênh. Mỗi lần cháu có bạn lên phòng chơi, bà đều nhắc ông ngồi gọn khuất vào góc trong để các cháu đỡ ngượng. Vì đã qua tuổi xưa nay hiếm đâu có còn đẹp đẽ gì để ngưỡng mộ. Đứa cháu đã có lần nói khá thẳng thắn: “Cháu chẳng dại gì mà giống ông, còm nhom, lưng còng lụ khụ thế kia sao lấy được đại gia!” Hai đứa cháu ruột thịt nay xa lạ như người ở Châu lục khác…
          Con trai bận nghiên cứu khoa học công trình xa vời như trên cung trăng, sao hỏa; con dâu mê mải kiếm tiền “lướt sóng chứng khoán” và môi  giới kinh doanh. Được mấy tháng đầu hai vợ chồng con trai còn về đúng giờ ngồi chung mâm cho phải phép, nhưng trong lòng hậm hực vì món ăn không hợp khẩu vị; cơm nát, thịt ninh nhừ ông bà đều thích, mà cả nhà nuốt vào đều ngắc ngứ… Nhiều món ngon ông bà cố nuốt cũng không nổi vì đậm vị đường ngọt lợ. Bữa ăn người nọ chờ người kia đến chán nản. Cố nhường nhịn chịu đựng được vài tháng đầu, sự bất đồng không thể chịu thêm được nữa, dù đau lòng ông bà đành đề xuất: Ai về nhà lúc nào thì ăn lúc đó, rồi tự nấu ăn theo ý thích.
          Mưa dầm gió bấc, con Mi Nu đứng không vững run lên cầm cập; bà lão xem chỗ nằm mới hay nước ở đâu vào ướt sũng, thay vải nằm mới và che kín nơi gió lùa là mọi việc tốt đẹp.
          Một ngày cực kì nóng bức như có bão từ trên không trung. Con cháu lớn đưa về một bạn trai, không thấy nhảy múa ầm ỹ như mọi khi mà êm nhẹ từng bước chân, ngay cả tiếng chuyện trò cũng im ắng. Bà lão ngừng nhặt những lá rau sâu, nhỏ nhẻ vào tai ông lão rồi gọi điện thoại cho con trai, ông lão can không kịp. Mấy chục phút sau, con trai bà đã đứng trước phòng con gái gõ cửa, rồi đập cửa “thình thình” Mãi một lúc sau, con trai bà mới túm cổ áo bạt tai thằng bạn trai của nó:
      - Tao đã cảnh cáo mày! Ai cho mày bước vào đây – Cút…
         Sau đận ấy, con trai bà đi công tác nước ngoài dài ngày. Một buổi đẹp trời cô con dâu đến thưa chuyện với ông bà về việc cho phép sang tên sổ đỏ nhà đất này cho chúng con để tiện công việc làm ăn! Lô nhà tập thể thấp lụp sụp đường ngõ bẩn thỉu, cơ quan đã thanh lí, trước kia nhìn ra bờ mương hôi thối, ai đi qua cũng bịt mũi, nhưng nay đã đặt cống hộp, trên mặt là đường lớn có vỉa hè cây xanh đèn chiếu sáng, giá nhà đất tự nhiên tăng lên không kém gì phố cổ…
          Ngoài trời đang nắng đẹp mà ông lão thấy mặt mũi tối sầm lại, thở không ra hơi, bà lão phải dìu ông vào giường lấy thuốc uống vội. Ông bà ngạc nhiên không hiểu sự cố gì con dâu đột ngột muốn chuyển đổi cho chúng nó là lí do gì mà ông bà không hiểu…Câu chuyện chuyển sổ đỏ đành bỏ dở nhưng sóng ngầm dưới đáy không bao giờ phẳng lặng.
          Phòng khách vắng tanh, nhà bếp càng thêm lạnh lẽo, hai bữa con dâu hầu như ăn ngoài công ty, gọi cơm hộp, cơm rang, thỉnh thoảng đi nhà hàng, tối muộn mới về nhà ngủ. Con chó gần như bỏ quên ngoài đường, một lần ăn phải bả hay thức ăn ôi thiu mà nôn mửa tưởng chết. Bà lão thương tình, nghe ai mách thuốc gì chữa thuốc ấy rồi nó hồi phục ăn được cháo. Từ đấy bà chăm con chó như là người thân, nhiều lúc bà vuốt ve trò chuyện với nó như người bạn. Là con vật không nói được tiếng người, nhưng bà có vui buồn gì nó như thấu hiểu. Có công việc gì bà đi quá bữa mới về là nóng ruột như có người mong. Bà về đến cổng nó đã rít lên, đuôi ve vẩy rối rít. Bà mở túi lấy cho nó mấy củ khoai, khi thì vài lát bánh đúc cũng đủ nó no cả ngày..
 Đứa cháu gái nhỏ ngây thơ hỏi mẹ: “Ông bà sao không về quê, ở mãi đây hay sao hả mẹ?” Mẹ nó cúi xuống giải thích điều gì đó khó hiểu mà mặt nó ngây ngô, nhưng chắc chắn không phải câu nói tốt đẹp về ông bà. Nhiều lúc mẹ nó đã nói oang oang với thiên hạ về chính bố mẹ đẻ với giọng đầy khinh miệt trịch thượng mà không biết ngượng mồm. Bây giờ ông bà mới rõ “tông tích” nàng dâu mà con trai mình đã tìm hiểu. Ông bà nghe thấy mà sửng sốt, giật mình khi nó nói đến bố mẹ chồng, chắc cũng coi thường như vậy, khi chỉ còn là gánh nặng…
Đứa cháu lớn thấy ông bà đương nhiên nó khó chịu ra mặt, y như đã cướp mất phòng ở lí tưởng của nó, lại mách lẻo để bạn trai nó xấu hổ mất mặt. Những nước ấy nó không xúc đổ đi được nên phải chịu mà thôi!
          Ông bà chợt nhận ra, mình đã làm đảo lộn sinh hoạt xưa nay của chúng. Trước kia, chúng nó tránh nóng bức về làng quê thở hít không khí trong lành, hoặc ông bà lên phố mang con gà vườn, cân nếp thơm nấu xôi mà chúng thấy ngon như chưa được ăn bao giờ, cả nhà đều chiều chuộng, đòi gì được nấy. Ông bà là thượng khách là thần tượng cao siêu chúng nó bái phục chỉ trong một buổi sang đến ngày thứ hai là cùng. Nhưng bây giờ ông bà ở lì đây mãi thậm chí lại muốn dạy khôn chúng nó một vài điều kinh nghiệm cũ rích, vì lịch sự nên cố gắng nghe chứ với nó việc đó quá nhàm chán.  Vì thế nó khó chịu là phải, có lẽ việc này lỗi chính là của ông bà. Không rèn dạy các cháu từ khi nhỏ, nhiều năm tháng nó chỉ quen ở trong bốn bức tường và bạn tốt có ít, bạn xấu lại nhiều, nay ông bà lại gây bao nhiêu phiền toái, đưa ra khuôn phép với nó là xa lạ, lạc lõng… Nó không hòa nhập hiểu được ông bà là thế… Nhưng chính ông bà đã không hiểu chúng nó hiện nay đang nghĩ gì và muốn gì. Như thế làm sao hòa nhập được?
          Hồi con giai ông bà lấy vợ, chúng nó lấy nhau theo tình yêu sét đánh, thích nhau là được, cơ quan đoàn thể cho phép là xong, đâu có chọn tông chọn giống, chọn “cung” chọn “mệnh” như quan niệm khoa Kinh Dịch, Tướng Số, cái sơ xuất ấy nay ông bà phải gánh chịu.
          Bà lão cả nghĩ, buồn thối ruột thối gan, khi nghĩ đến con đến cháu. Ông lão an ủi bà: cái văn minh bây giờ nó thế, ta phải tập thích nghi, bà không thể sống mãi mà lo nghĩ hộ chúng nó được. Tôi viết cuốn tiểu thuyết mấy năm đọc lại nó nhạt như nước lã, về đây gặp lại bạn bè, thấu hiểu những người xung quanh tôi mới viết được phần cuối. Quỹ thời gian của ta chỉ còn dăm ba năm nữa là cùng. Khi nằm xuống, giác mạc đã được hiến tặng, đài hóa thân Hoàn Vũ giúp ta thành tro bụi; Hội người cao tuổi tiễn đưa và con Mi Nu ngốc nghếch này nằm phục bên mộ ta là đủ!
                                                LBH
                                                                                                         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét