Thế giới động vật hoang dã, con chim tu hú
trong chuyện dân gian đã nói nhiều, tôi chỉ biết lơ mơ. Mới đây Đài TH phát đi
cả chương trình dài: Là chuyện một tổ chim, được tu hú đến đẻ trứng nhờ ấp nở
ra, tu hú con to khỏe tham ăn, hất đạp con chim khác trong tổ rơi xuống đất,
chiếm đoạt tổ, chiếm đoạt cả phần mồi bố mẹ chúng kiếm được mang về nuôi ăn
từng bữa, tu hú con ăn hết phần mồi chờ khi đủ lông đủ cánh bay đi…
Tôi rất phẫn nộ và không hiểu sao tạo hóa
lại để loài chim dã man đó tồn tại sống gian manh, sảo quệt, bất công như vậy
trong thế giới ngày nay…
Nhưng cuộc đời của tôi trớ trêu sao cũng gặp
hoàn cảnh tương tự đau xót ngay trong thế kỉ 21 này…
Hơn bốn chục
năm qua, tôi luôn canh cánh… đau thắt trong lòng như đứt từng khúc ruột, khi kể
ra chuyện khổ đau này. Chính vì thế bao nhiêu năm tôi không dám hé môi nói cùng
ai…
Năm ngoái, khi chồng tôi ốm liệt giường, đã
chết đi sống lại mấy lần vẫn không thấy thằng con trai, con dâu ló mặt, có lẽ đó
là sự linh tính của con người sắp từ giã cõi đời này, chồng tôi như đã chắp nối
lại các dữ kiện về thằng con: Đôi mắt gằm gằm lì lợm chẳng giống tính ai; hai
bàn tay ngắn ngủn như chuối mắn; cái nước da ngăm đen cái đầu trọc lốc như tụi
đâm thuê chém mướn; cái dái tai mỏng dính xiên lỗ đeo khuyên bạc, dẫy lông bụng
kéo dài lên tận rốn thì rõ ràng xa lạ… Đã đến lúc này chồng tôi mới hỏi đến điều
đã nhiều năm nghi ngờ, tôi đành lòng nói thật. Đó là lần đầu tiên và người duy
nhất tôi đã giãi bầy lòng mình suốt cả thời gian dài dấu kín chôn tận đấy lòng.
Mở
đầu cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc (1965) các xí nghiệp trong khu Mỏ đều phải
sơ tán vào rừng cây và hang núi, tôi làm ở cơ quan thương nghiệp cũng phải sơ
tán theo, cung cấp mọi nhu cầu hàng ngày. Đó cũng là ngày tôi kết hôn và một
năm sau mang bầu sinh con.
Bố mẹ chồng ở quê xa, chồng đi công tác luôn
vắng mặt. Việc chuẩn bị đón đứa con chào
đời được chị em trong cơ quan lo sắm chu đáo, vải tả lót được chọn màu đẹp, mềm
mại nhất, xoong nấu bột, xô chậu để tắm giặt được ưu tiên mua hàng quý hiếm
nhất… Những chị lớn tuổi tranh thủ từng phút rảnh rỗi nhồi nhét vào đầu tôi các
kinh nghiệm nuôi con để lớn dần niềm vui được làm mẹ…
Chiến tranh phá
hoại ngày càng ác liệt loang rộng đến rừng sâu và cửa hang. Một trận bom hơi
làm cơ quan tung tóe, nhiều người bị thương nhẹ nhưng tôi phải nằm trên võng để
chị em đưa đến nhà hộ sinh, ba ngày lăn lóc trên giường rên la, khi đứa con ra
đời đã tím ngắt không khóc đươc một lời, nhưng tôi thì hết nước mắt đau đớn đến
cực độ chưa biết trả lời chồng và gia đình như thế nào, cùng tiếc công sức chị
em trong cơ quan đã giúp đỡ lo cho từ việc nhỏ nhất: như chiếc áo lọt lòng cũ
sợi bông đã mềm mịm như nhung…mà nay không dùng đến…
Bỗng
một chị lớn tuổi hớt hải chạy tới ôm lấy vai tôi thì thầm, tôi chỉ nghe loáng
thoáng: “… Một bé trai bị bỏ rơi ngoài cổng nhà hộ sinh…” Lóe lên một tia hi
vọng, nước mắt ráo hoảnh, tôi gật đầu, chị nhân viên lớn tuổi chạy đi một lát,
khi quay lại trên tay ôm đứa trẻ đang lim dim ngủ và tôi đón đứa trẻ như chính
mình mới sinh ra, tôi vạch vú căng đầy sữa đặt vào môi đứa trẻ, như bản năng tự
nhiên, đứa trẻ mút chùn chụt như đang chết đói chết khát… Và mấy bộ áo quần trẻ
sơ sinh, những bộ tả lót chuẩn bị công phu nay được quay vòng sử dụng triệt để.
Đứa trẻ đã có sữa của tôi và được mọi người chăm chút nựng ru nên lớn nhanh như
thổi…
Chuyện đứa trẻ
nhặt được ngoài cổng nhà hộ sinh chỉ vài người biết và quên đi nhanh chóng vì
sau đó mỗi người được điều động đi một nơi chẳng có khi nào gặp lại, có chị hi
sinh ngay sau đó khi làm nhiệm vụ. Ngay cả chồng tôi cũng không hề biết, dù
lòng tôi lúc nào cũng áy náy như có sai phạm lớn tày trời. Nhiều lúc tôi đã tìm
cơ hội nói thật nhưng nhìn chồng tôi nâng niu đứa con mỗi khi rảnh rỗi, những
ngày chủ nhật, anh cho con ngồi lên cổ đi chơi, đi dự lễ hội. Sắm quần áo, bọc
cẩn thận những bìa sách giáo khoa, những quyển vở trắng tinh cho ngày đến
trường đầu tiên, rồi học lên năm cuối phổ thông, giày mũ quần áo không thua em
kém chị cái gì…tôi đành kín miệng im lặng nửa mừng, nửa lo…
Thời kì này nhà
nước đang bị thế giới cấm vận kinh tế, đứa con tôi đua với bạn bè đòi đi nước
ngoài – lao động hợp tác – dù mới vào
học lớp 12 và chưa đủ nguyện vọng đứa con đầy ki vọng, nào ngờ đó là sai lầm
đầu tiên của vợ tuổi nhưng gia đình nhờ bạn bè thay đổi lại toàn bộ hồ sơ để
đổi đời cứu đói theo chồng tôi: Để con xa rời sự kèm cặp dạy dỗ của bố mẹ, khi
tuổi nó còn quá non trẻ, đã để nó bập sâu vào lối sống phương Tây mà không biết,
để nó phát huy cái bản năng tồi tệ nhất đã có sẵn trong dòng máu con người nó.
Cái luân thường đạo lí sơ đẳng của người Việt bị sai lệch mà không hay…Tình cờ
nghe nó can ngăn bạn bè: “… Có tiền mua cái “đập hộp” Mua cái cũ nát này bằng
quá nuôi bố già”… Tôi nghe mà buốt lạnh xương sống.
Thời kì này
phương Tây đang nở rộ cái chủ nghĩa “sống gấp” nó làm việc thì ít mà ăn chơi
thì nhiều, chủ nhật đi du lịch khắp miền, chu cấp tiền cho cả bạn gái nước sở
tại thì biết bao nhiêu cho đủ…
Mọi người đi lao động nước ngoài mang về hòm
hàng lớn hòm bé, đứa con tôi đi 5 năm về chỉ hai bàn tay trắng, gia đình không
một câu trách móc.
Con tôi về nước,
theo người chú đi làm xây dựng công trình được mấy tháng rồi bỏ việc theo bạn
bè làm dịch vụ du lịch, rồi đòi lấy vợ. Gia đình cũng chiều theo ý, đã tổ chức
ăn hỏi, cưới xin như tập tục chu đáo, vợ chồng tôi nhường hẳn ngôi nhà 28 vuông
trên lô đất mới được cấp, cùng chiếc xe HonĐa đời 82 đèn vuông màu xanh ngọc, thanh
niên quanh đó ít ai đã có. Trong khi đó vợ chồng tôi phải lọc cọc cái xe đạp đi
làm…Mọi cái gì tốt nhất đều dành cho con coi như đó là niềm hi vọng duy nhất
sau này nhờ cậy…
Thế
mà mọi mong muốn đều ngược lại… càng ngày càng thấy tính tình đứa con thờ ơ
lạnh nhạt, chồng tôi đã đôi lần khó chịu, tôi phải bào chữa cho là con còn non
lòng trẻ dạ, trăng đến tuần sẽ tròn, nào ngờ mỗi ngày càng thêm tồi tệ, nó chê
bôi hết người này đến người khác, nào là ăn cơm bát đũa khua “rào rào” ngửa cổ lấy đũa gạt cơm xuống cổ họng… Nó so
sánh cái phong cách Tây Hóa với phong tục tập quán của ta. Thằng con tôi nó
khinh bỉ mọi người ra mặt cho tất cả là mọi rợ. Cái chủ nghĩa phương Tây làm
đứa con tôi mù quáng nó coi thường tất cả những người đã sinh thành đùm bọc để
nó ăn học khôn lớn.
Phải chăng đó là bản chất của con “tu hú”
khi đã trưởng thành đủ lông đủ cánh… Nó lại gặp được con vợ “rách trời rơi
xuống” đầy tai tiếng bất hảo, tham lam vô độ, hỗ trợ thêm vào cái tính nết đó, nên
việc gì chúng cũng có thể làm.
Mấy
cái khuyên tai, hoa tai, dây chuyền mặt ngọc bích… của các cụ kị ngày xưa để
lại vợ chồng tôi, cất giữ vật kỉ niệm đó như một phần thân thể mình… Thế mà tự
nhiên không cánh mà bay biến mất một nửa. Nhà không có vết đào tường khoét
ngạch, không có vết xước tủ khi cạy khóa…lại mất một phần chứ không mất hết
những tư trang đắt tiền. Không thể có kể trộm nào như thế. Nhớ lại mấy năm
trước tôi có nhờ con dâu đánh thêm một chìa khóa để chồng tôi về phòng khi có
việc đột xuất dùng đến.
Mới
đây vợ chồng chúng nó yêu cầu chúng tôi làm “Sổ Đỏ” giấy tờ nhà đất mang tên vợ
chồng chúng để thế chấp vay tiền Ngân hàng. Vợ chồng tôi sẵn sàng cho phép làm
“Sổ Đỏ” một nửa lô đất như đã hứa, hai đứa em gái cũng ủng hộ đã nói: “Anh chị
trông nom cha mẹ tử tế sau này tất cả là của anh chị, nếu cần chúng em viết
giấy cam đoan không có tranh chấp gì”. Giấy tờ nhà đất vợ chồng tôi đã cho giữ trong
tay với tư cách vợ chồng tôi nhờ chúng nó giữ hộ… Thế mà thằng con vẫn không để
yên, vợ chồng nó sinh sự đủ mọi chuyên. Hơn một lần hất tung mâm cơm xuống đất
xách khăn gói ra đi mấy ngày mới mò về…
Cãi
nhau với mẹ chồng tay đôi như người ngoài đường ngoài chợ. Đi đụng mặt ở cầu
thang không thèm chào hỏi, đi xô vào làm rơi vật cầm trên tay không biết cúi
xuống nhặt lên xin lỗi như thông lệ với người lớn tuổi gặp ngoài đường. Mấy cái
Tết năm trước phải góp tiền triệu mới được ăn chung mấy ngày Tết. Mấy cái Tết
gần đây vợ chồng con gái con rể của vợ chồng tôi đến biếu bánh chưng, chè, rượu
và phong bao tiền “mừng tuổi”, nhưng vợ
chồng con trai, con dâu không có lời chào hỏi xã giao không biếu bố mẹ một cái
kẹo…
Chúng nó chỉ
biết chúi đầu vào cờ bạc, đánh chiếu bạc ở gần lại đến đánh bạc nơi xa thâu đêm
suốt sáng. Được người con dâu cùng tham gia và đồng tình nói ra mồm “cho phép
cờ bạc để khỏi đi giai gái, rượu chè…” chúng nó càng lấy chuyện đó làm vui, ai
khuyên can cũng là vô ích…
Đứa con dâu khác
máu tanh lòng, sinh ra ở một đẳng cấp không được giáo dục đã đành… Con tôi được
yêu thương nuôi nấng từ bé không hiểu sao lại bộc lộ bản chất vô nhân, bạc
nghĩa. Nó đã có ý định sau này đưa vợ chồng tôi đến nơi nuôi dưỡng những người
không nơi nương tựa nào đó mà chúng muốn…
Là
người mẹ đã chăm đẵm đứa con từ mấy ngày tuổi biết bao nhiêu gian truân vất vả,
đặt hết niềm tin vào vợ chồng đứa con nay tan biến ra mây khói, hết hy vọng…
Phải
chăng đây là sai lầm lớn nhất của vợ chồng tôi. Nhận nuôi đứa con đã không rõ
ràng“tông tích”, lại thiếu sự kèm cặp răn dạy của gia đình, buông thả ra nước
ngoài quá sớm, ăn phải cặn bã phương Tây, lại cho lấy vợ không chọn gia đình nề
nếp… những cái đó cộng lại giúp cho bản chất con vật vô ơn tàn ác trỗi dậy nên mới
thành sự thể như thế…
Tôi
nói ra điều này để các ông bố bà mẹ nào có hoàn cảnh tương tự hãy cảnh giác và
tránh khỏi những sai lầm của mình để cuộc đời thanh thản tươi đẹp khi tuổi già…
Có lẽ còn một chút may mắn, vợ chồng tôi cả
đời phục vụ nhà nước, tiền lương hưu vừa đủ ăn mọi việc sau đó đều có BHXH chăm
lo chu tất. Hơn nữa vợ chồng tôi còn có hai đứa con gái cùng con rể biết yêu
thương cha mẹ, các cháu ngoan ngoãn ríu rít vui nhà những ngày chủ nhật … Dù chúng
nó rất nghèo – làm nghề thủ công: “Cắt vá sửa chữa quần áo cũ” ráo mồ hôi là
hết tiền …nhưng biết bố mẹ lúc nào cần bát cháo, lúc nào cần bát canh…Tin chắc
nó không bỏ rơi cha mẹ và bên cạnh còn có tổ chức BHXH - Hội Người Cao Tuổi cùng
phố phường, dòng tộc…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét