PHẢI
CHĂNG DUYÊN SỐ
Truyện ngắn Ngắn: Lê Bá Hạnh
Chuyện mấy chục năm trước, thằng cháu tôi tuổi đã lớn vẫn dưng dửng
rong chơi, bố mẹ nó lúc nào cũng sốt ruột.
Tôi không thể đứng ngoài cuộc.
Ngày nghỉ. Hai chú cháu lại rong
ruổi như anh nông dân vác nơm đi bắt cá, “…nhiều lần úp chắc sẽ được một con
vừa ý”. Cùng đạp căng dây xích phóng xe ra ngoại thành…
Như đã hẹn trước, cô gái trẻ, chờ sẵn ở cổng.Vừa bước vào nhà, bà chủ sửng
sờ rồi reo lên vồ vập: “…cơn gió nào đã đưa anh đến đây thế này… Anh bỏ chúng
em về hưu chẳng còn ai bênh vực…Hôm nay… Quý hóa quá..”
Tôi ngượng ngùng nâng chén trà, vì lâu lắm mới có người gọi là anh với
lòng ngưỡng mộ nồng nhiệt. Chuyện của chúng tôi nở như pháo rang tưởng không thể dừng được. Hai đứa trẻ mặt ngay như
cán tàn, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác tự mỉm cười hoặc nhăn mũi khó
chịu…
Tôi ái ngại cho thân phận người đàn bà đẹp người, đẹp nết mà bạc mệnh,
đứa con gái xinh đẹp học giỏi mà không biết bố là ai…
Ra về chú cháu tôi chẳng còn gì để nói.
Một lần khác đến nhà cô gái ở trung tâm thành phố, khuôn mặt đẹp mỹ
miều, thánh thiện … Tôi như kẻ ngây ngô chỉ biết ngắm nhìn như chiêm ngưỡng bức
tranh vẽ bà quý tộc của họa sĩ thời phục hưng. Nhấp chén trà thơm nóng bỏng để
nguội trên tay lúc nào không biết…
Chẳng hiểu sao thằng cháu tôi người co rúm lại như chuột gặp rắn, lúng
búng như miệng ngậm hạt thị, cố gắng lắm chỉ mỉm cười xã giao cho phải phép…
Tôi đinh ninh thằng cháu đã được lọt vào hũ gạo ngon. Tử vi tướng số tương sinh
tương khắc xem ra mọi thứ đều tuyệt vời
- nay chỉ chờ đợi ngày lên xe hoa…nhưng chờ mãi...
Mãi sau này thằng cháu mới cho tôi biết cái khuôn mặt tuyệt vời kia là
đi mượn đi mua, để xóa bỏ, che đậy cái hình thể cha mẹ đã sinh ra. Cái đầu tuyệt
đối không ai được sờ đến. Mái tóc không được vuốt nhẹ bàn tay, đôi má không
được đặt môi vào; vòng ngực gỉa tạo hoàn toàn và thường xuyên phải khám chỉnh
sửa cho thật hoàn thiện hấp dẫn...
Chỉ có đôi chân không đủ can đảm chặt đi lắp đôi chân khác thuôn đều đi
vừa đôi giày cao gót xinh xắn đến vũ hội như cô Tấm trong chuyện cổ tích.
Một lần khác, đến thăm cô gái xinh đẹp, không son phấn. Nhìn ngôi nhà
to rộng mênh mông, chú cháu tôi nhìn thấy choáng ngợp… được người đẹp dẫn đi
giới thiệu chu đáo như lời thuyết minh trong triển lãm. Tiếng miền Bắc sót lại
một chút âm giọng miền Trung nghe quyến rũ truyền cảm đến lạ lùng. Tôi ngạc
nhiên cô gái đang nói trơn tru một đề tài đầy cảm xúc chợt nhận thấy cô em quét
nhà tung bụi, không nhìn xuống vẫn nhắc nhẹ “em nhè nhẹ tay…” âm điệu và cường
độ giọng nói giữ nguyên như không có chuyện gì sẩy ra. Thằng cháu tôi tròn mắt
ngạc nhiên khi biết thêm giá trị tủ chè sập gụ, đôi lọ lục bình cổ từ thời Gia
Long và những hoành phi câu đối khảm trai đời Tự Đức nói về đạo hiếu làm con…
Đến phòng ăn hiện đại, cảnh quan ngược lại: thìa dĩa tân thời sáng loáng, bát
đĩa cốc tách, men sứ, thủy tinh trắng bóng… Leo lên tầng trên, phòng đầy sách văn
học đông tây kim cổ thánh hiền răn dạy đạo đức làm người. Nhưng bụi bặm màng
nhện chăng đầy, chắc chẳng ai sờ đến đọc lấy một trang…
Phòng ngủ lớn nhỏ, chăn ga gối đệm mới thấy lần đầu lạ hoắc…vì thế lòng
tôi sao cứ băn khoăn, vắng vẻ lạnh lẽo đến xa lạ - một cái gì đó như ghê rợn… Hai
chú cháu chỉ biết lắng nghe đứng im như cục gỗ… rụt rè, khâm phục.
Xong chuyện tôi cũng quên bẵng.
Mấy tháng sau thằng cháu tôi báo tin lấy vợ. Cưới một cô gái con người
bạn cùng bố nó chiến đấu ở chiến trường xưa. Tôi hơi bất ngờ vì “mệnh mạng” tam
hợp, tam tai không tốt. Rơi vào “tứ hành xung” có tướng phá sản nhà chồng…
Nhưng mọi chuyện đã quyết – Tôi không thể nói thêm điều gì…
Đám cưới nhẹ nhàng, hai vợ chồng cháu tôi sống êm đềm hòa thuận con lớn
con nhỏ chăm ngoan trưởng thành. Nay con trai lớn lại sắp lấy vợ.. Phải chăng vì
chuyện năm xưa ấy cháu tôi tìm gặp ngồi trầm ngâm khó khăn lắm mới cất tiếng
hỏi:
- Chú còn nhớ cô gái có nhà rộng mênh mông toàn đồ cổ tủ chè sập gụ
chứ…
- Nhớ
- Hồi chú và cháu đến nhà, ông bố cô gái đang ở trên tàu viễn dương lau
chùi những loa đài mới nhặt gom ở bãi rác nước ngoài mang về thành hàng độc quý
giá, hái ra tiền. Mẹ cô gái ở nhà chỉ ăn chơi chửi nhau với mẹ chồng như cơm
bữa. Bị hành hạ về tinh thần và thể xác quá thậm tệ, bà lão phải bỏ đi xin ăn
chết đường chết chợ ở đâu không biết. Đến nay hai cô “cách cách” tính tình
giống mẹ y hệt, lấy chồng nào cũng muốn làm bố chồng người ta mới chịu và cuộc
đời bi đát là lẽ đương nhiên.
Chuyện này tôi đã nghe rầm rộ một thời còn biết con giai bà cụ khi tàu
viễn dương cặp bến đã đi tìm mẹ rạc chân mà bặt vô âm tín rồi quay ra rượu chè
cờ bạc. Cuối cùng chui vào bẫy cô vợ cho tiền vài lần xách đầy va li đi đánh
bạc là khánh gia bại sản và cô vợ đuổi ra đường lúc nào được lúc ấy…
Thằng cháu tôi gật gù:
- Rất may cháu đã linh cảm, nhận ra điều ấy…
Tôi cũng quên bẵng chuyện “tướng số tử vi”
Xưa nay tôi đã nhận ra nhân cách
người mẹ hàng ngày nhuộm vào đầu óc con gái từ tấm bé khác nào in ra một bản
sao hoàn hảo. Câu thành ngữ các cụ ngày xưa đã tổng kết trong thực tiễn: “Lấy
vợ xem tông, lấy chồng xem giống” là chính xác vì nó xuất phát từ khoa học đó
mà.Tướng số tử vi đâu phải là định mệnh..
LBH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét