25 thg 1, 2012

GÃ GÀN VÀ BỨC TRANH KHÔNG BÁN

Truyện ngắn: Lê Bá Hạnh

 Cha mẹ đặt cho gã cái tên kêu như chuông. Tranh của gã được lưu ở Bảo Tàng, được ghi danh ở vựng tập “Họa sĩ thế kỷ XX” thế mà chẳng ai biết đến. Nhưng đến đầu phố hỏi tìm “gã Gàn họa sĩ ” thì mọi người đều chỉ đến ngôi nhà tồi tàn, ngõ có giàn thiên lí xanh um, hoa lá rụng đầy gốc, gã không hái để xào nấu, cũng chẳng cho ai… Gã chỉ để chờ đón một người đẹp trong mộng!

 Buổi triển lãm Mỹ thuật thường kì của Hội, vẫn người đọc diễn văn ấy với nội dung na ná như năm trước. Vẫn cái kéo năm xưa, hôm nay lấy ra cắt dải băng khai mạc phòng tranh. Vẫn nâng cốc và những lời chúc tụng. Gã Gàn đến dự chẳng giống ai, vẫn mang trên người bộ quần áo nhàu nát, giấu mình ở góc phòng, tự nâng cốc nhâm nhi, đôi mắt lim dim như ao ước nơi đây là xưởng vẽ thả sức múa bút thì hay biết mấy…Bỗng náo nhiệt ầm ĩ, tốp hoạ sĩ “sâu rượu” kéo đến trước mặt gã đòi cụng ly. Thì ra bức tranh sơn dầu gã giấu trên gác xép đọng bụi được bàn tay quen nâng chén lôi ra lau sạch và mang đến phòng triển lãm treo lên tường, nào ngờ bức tranh lại lọt vào mắt xanh nhà doanh nghiệp đã gắn hoa nhựa và“cacvidit” đặt mua ngay giờ đầu khai mạc. Tốp “sâu rựu” đến chúc mừng là có lí… Đáng lẽ gã phải nhảy cẩng lên như ngày xưa đón mẹ về chợ. Nhưng ngược lại gã dửng dưng, còn thoáng thấy nét buồn trên khuôn mặt khắc khổ, ngơ ngẩn… như chợt nhận ra để rơi mất vật gì trong túi. Đám bạn vô tư, cứ lôi gã đứng dậy nhập cuộc nâng cốc và chúc tụng. Những li pha lê chân cao cứ cụng vào nhau “lanh canh” như bản nhạc vô tận. Gã cũng không biết ai đã đưa gã về nhà bằng cách nào và bây giờ đau nhức hai bên thái dương, chân tay rã rời ớn lạnh. Quờ quạng tìm cái chăn đơn thì nó đã rơi xuống sàn từ lúc nào không biết.Tranh bán, có nghĩa là bức tranh đó mất đi vĩnh viễn. Gã đau đớn nhận ra điều đó. Mà đây là bức tranh “Tắm Vườn” gã đã day dứt, dằn vặt nhiều năm, đã cặm cụi ôn lại kí ức chọn lọc từng chi tiết, từng khối hình của cái vườn chuối năm xưa: Nắng chiều vàng ươm dải đều trên cô gái khỏa thân đang ngồi, hai chân duỗi dài, bàn chân như còn lấm than bụi; hai tay chống lại phía sau làm đôi ngực căng đầy sức trẻ, đôi mắt lim dim như mơ ước điều gì, như muốn kéo dài giây phút đẹp đẽ này hay muốn chờ đợi ai… Chỉ có gã Gàn mới biết và chỉ có gã mới diễn đạt nổi điều ấy trong tranh. Đó là thời bao cấp, gã Gàn đã có vợ con nhưng phong độ và thể lực cường tráng, lại được giám đốc tin cậy trao cho gã chỉ đạo thi công toàn bộ gian trưng bầy sáng kiến của xí nghiệp. Công việc nhiều phải huy động công nhân trực tiếp sản xuất về làm việc. Một hôm giám đốc đến kiểm tra tiến độ dẫn theo cô gái – con của bạn đồng nghiệp – vừa tốt nghiệp trường Trung Cao Cơ Điện bổ xung về nhóm làm việc và biên soạn thuyết minh. Xong triển lãm mới biên chế chính thức… Nào ngờ đó là mở đầu giây phút thăng hoa nhất đời gã và cũng là lúc thử thách tột độ, đặt gã lên giá treo cổ thật oan nghiệt… Có thêm cô gái xinh đẹp, cả nhóm làm việc như có thêm động lực thúc đẩy, không ai muốn đi muộn về sớm và ai làm việc gì cũng cẩn trọng, không muốn để xẩy ra sai sót. Sau một buổi làm quen công việc. Cô gái đã đề nghị với gã lập sổ làm việc thêm giờ ca đêm, để lấy tiêu chuẩn bồi dưỡng. Một đề xuất như sáng kiến thiết thực nhất, gã chỉ việc ghi danh sách người làm việc và kí tên. Cô gái trình duyệt giám đốc và nhận về những món thực phẩm quý hiếm. Bữa tối bọn gã có xôi chè, có sữa, có cà phê… Riêng gã có thêm bao thuốc lá thơm đặc biệt. Mấy giờ vẽ liên tục, gã thấy mỏi tay và đắng họng, thì tự nhiên cô gái tiến đến tay cầm ca nước trà nóng… Có buổi mê mải vẽ qúa trưa, chợt nhớ ra thì nhà ăn đã đóng cửa, tưởng đã nhịn đói thì cô gái xuất hiện, lật đống chăn ra để lấy chiếc cạp lồng cơm làm gã ấm lòng. Cô gái rất thông minh, nhìn vào sơ đồ kĩ thuật và hình vẽ phối cảnh đã hiểu được quy trình làm việc và viết thành bài thuyết minh hoàn chỉnh. Ôi cái giọng miền Trung đã ăn học ở miền Bắc nhiều năm, thỉnh thoảng còn sót lại vài từ nặng trình trịch. Nhưng bây giờ gã thấy cái giọng đó quyến rũ biết chừng nào. Những lúc rảnh rỗi. cô gái đến giúp gã nghiền bột màu, bôi quét những tấm pa nô lớn, ngắm nhìn gã vẽ say mê. Nhiều lúc cô gái áp cả bộ ngực nóng rực của mình vào vai gã để dõi theo từng nét vẽ. Nhưng gã nhẹ nhàng lẩn tránh coi như sự va chạm vô tình. Một đêm trăng, cô gái tâm sự ở quê nhà cũng có giàn hoa thiên lí, cho hương thơm bóng mát, hoa xào thịt nấu canh, vừa ngon, vừa chữa bệnh. Nếu ở đây dài ngày, sân sau nhất định em trồng được giàn hoa thật đẹp.Không hiểu cô gái đã hỏi dò ở đâu đã hiểu hết và nói thẳng với gã: “Vợ anh đâu có chung thủy, đâu có xứng đáng với anh” và lăn đến gã, yêu gã tha thiết… dù tuổi chênh lệch nhau quá nhiều. Xã hội ngày đó, phạm tội gian dâm hủ hóa là cắt hết biên chế, đẩy ra đứng đường chết đói. Dù gã gan lì, lãng tử đến đâu cũng không đủ can đảm bỏ vợ và đứa con trai đầy hứa hẹn. Gã chỉ biết âm thầm hưởng những cảm xúc đẹp đẽ mà tạo hóa đã ban tặng cho con người ngay trong “tám giờ vàng ngọc” của nhà nước và cũng nơm nớp lo sợ một tai họa ập đến…Một buổi chiều, gã về khu tập thể, nơi ở tạm của nhóm làm triển lãm. Một dẫy nhà cấp 4, từng gian được ngăn riêng biệt. Ở sau còn ô đất thành vườn chuối um tùm. Khi về, gã đã thấy khác lạ, cửa chính không khóa, cửa sau khép hờ. Bước qua dải sân hẹp, gã đã thấy cô gái đang khỏa thân tắm ở vườn làm gã sửng sốt. Ở trường Mỹ Thuật có cả một tổ các cô gái thay nhau cởi quần áo làm mẫu để vẽ theo các giờ học. Đó là chuyện bình thường như vẽ nghiên cứu một động vật hay thực vật nào đó. Nhưng hôm ấy, nắng chiều lung linh, hàng lá chuối xào xạc, cái gáo dừa múc nước va cọ vào thành chum, nước ào ạt dội lên da thịt mịn màng trắng hồng làm con người đàn ông của gã không thể ngủ yên. Gã đành đứng chết lặng đấu tranh với chính mình. Chung quanh yên ắng đến lạ thường (vì khu tập thể đang sửa chữa để phân cho công nhân hiện đang theo phân xưởng sơ tán trong rừng)Có lẽ gã không giữ được hơi thở ổn định, đôi chân tê dại phải xê dịch. Hay do sự “thần giao cách cảm” nào đó mà cô gái đã nhận ra có người khác giới đang chiêm ngưỡng. Cô gái nhẹ nhàng quay về phía gã, khẽ gật đầu như mời gọi. Hồi gã mới lấy vợ, cô vợ cũng nũng nịu nhờ kì lưng hay lấy hộ cái áo, cái khăn… những lúc đó thật tuyệt vời. Cả một ngày làm việc quần quật để có miếng ăn, căng thẳng nhận mệnh lệnh, dốc sức lực cho công việc nhà nước. Chỉ có một lúc đó, con người mới được sống hoan lạc cho chính mình, chỉ một giây phút ngắn ngủi đó thôi đã làm con người quên đi hết gian khổ cực nhọc…Gã Gàn ao ước được quay lại cái tuổi trẻ thời đó. Gã sẽ chạy đến nâng nhẹ đôi chân cô gái khỏi lớp lá chuối ngoài vườn bế xốc vào nhà, đặt lên giường và làm những gì hai người cùng muốn…Nhưng lúc đó, chính gã cũng không hiểu sao lại “hắng” to giọng, đặt những bước chân gõ gót giày da “cồm cộp” xuống nền đất, thong thả bước vào vườn nói câu lạc lõng: “Em mặc quần áo nhanh khỏi lạnh”. Lời nói và bước chân đó như để chứng minh lòng ngay thẳng, trong sạch của gã, nếu như ai đó bắt gặp và tố cáo… Vì cuộc sống kèn cựa bon chen, ham báo cáo thành tích của những người xung quanh, bắt buộc gã phải tự giết chết tình cảm của mình để sống yên ổn, tránh xa những mầm mống tai họa. Thực tế cuộc đời đã dạy cho gã điều đó… Cô gái như không nghe thấy gì, chạy lại ôm lấy gã, rúc vào vạt áo bông mịm ấm cũng thì thào những câu mềm mại như thân hình nõn nà ép vào người gã… Được đến mấy phút, người gã nóng bừng lên, nhưng cái đầu vẫn lạnh tanh, khi nghĩ đến hình thức kỉ luật. Gã nhẹ nhàng cởi áo bông quấn quanh người cô gái, rồi dìu vào trong nhà và nói những câu gì như trích trong nghị quyết, như cấp trên nói với cấp dưới, rồi bước ra ngoài khép cửa lại… Hành động ngu xuẩn này- bây giờ gã Gàn gọi như thế - làm gã đau khổ, day dứt mỗi khi nhớ lại. Trong khi ấy vợ gã, cô y tá ở bệnh xá luôn tìm cách xa lánh gã bằng những lí do “thường trực đột xuất”. Rồi cuối cùng rũ áo ra đi, để gã gà trống nuôi con. Sau ngày gia đình đổ vỡ, gã càng thấy sự chung thủy của mình là vô ích, sự thức tỉnh của mình là quá muộn…Cô gái thuyết minh ở triển lãm, sau khi hoàn thành công việc được điều về phòng KCS của xí nghiệp. Chiến tranh ở vĩ tuyến 20 lan ra toàn miền Bắc khốc liệt. Xí nghiệp lần thứ hai lại tháo dỡ máy móc chuyển vào rừng. Một số công nhân, cán bộ xung phong nhập ngũ vào chiến trường B, C. Cô gái thuyết minh triển lãm cũng lên đường và buổi chia tay tập thể thật chóng vánh. Từ đó mất liên lạc. Sau ngày chiến thắng, gã đã bỏ công đi tìm kiếm nhiều nơi mà vô vọng. Bạn bè có người nói đã gặp cô ở trạm giao liên Trường sơn. Có người nói nàng đã hi sinh trong trận bom B52 ở Tây Nguyên.Điều cầu nguyện của đời gã chỉ một lần được gặp lại cô gái ấy mới có thể nhắm mắt được. Vì ám ảnh những ngày ấy, gã nuốt nhận bao nhiêu cay đắng, cô đơn cho đến ngày nay. Thời gian dài đằng đẳng ấy đã làm cho gã như ngây ngô gàn dở…Một may mắn, đã để cho gã con đường sống. Xí nghiệp có đợt tuyển con em công nhân đi lao động hợp tác ở nước ngoài. Con trai gã được chọn đầu tiên và làm ăn thành đạt trở thành “Kiều bào yêu nước”. Gã sống bằng tiền kiều hối con trai gửi về, sống no đủ. Tiền bán tranh chỉ để mời bạn bè uống rượu.Một lần biểu hiện sự gàn dở nhất đời của gã, đang là phó giám đốc Công ti Mỹ thuật chuyên trang trí quảng cáo, chỉ vì bất đồng ý kiến, tranh luận duyệt một phác thảo, thế là gã nằng nặc từ chức, thôi việc, nhận chế độ về “một cục”. Mọi người cứ chê cười gã, nếu cố nhẫn nhịn một năm nữa đủ chế độ nghỉ hưu đỡ thiệt mất nhiều tiền. Nhưng gã bất chấp, không ai can nổi. Gã Gàn đã quyết thì không ai ngăn được. có lẽ cái tên Gàn gán cho gã là như thế.Trong triển lãm, họa sĩ có tranh được mua, bạn bè bái phục, có nhiều tiền tiêu xài cũng hay. Nhưng bức tranh này là máu thịt của gã, nhiều lúc gã nằm mơ mới thấy, vậy mà tác phẩm nghệ thuật ấy lại mất hẳn, để rơi vào tay đại gia nào xa lạ, coi như không bao giờ được nhìn lại… Gã trách mấy ông bạn vô tâm đưa tranh ra triển lãm, giờ này thành khó xử…Gã tự thấy mình- mấy chục năm xưa- yếu đuối hèn mạt không giữ được người con gái yêu gã tha thiết và gã cũng say đắm thực sự nhưng đã để tuột mất. Nay tác phẩm tâm huyết này ghi lại hình ảnh ấy cũng lại bán đi… Gã đau xót không dám nghĩ tiếp, nếu hình ảnh đó lại mất đi một lần nữa, suốt đời này gã còn ân hận …. Bán đi một kỉ niệm đẹp để lấy về một đống tiền rồi để làm gì? Người bỏ ra một đống tiền để mua một bức tranh không lớn lắm, chắc có lí do của nó… Phải chăng người mua tranh chính là nhân vật, người con gái đã yêu gã say đắm năm xưa nay muốn tìm lại kỉ niệm đẹp thời son trẻ… Một tia nhỏ nhoi hi vọng chợt lóe lên… làm gã tỉnh hẳn cơn say!Như thế gã càng phải đến tìm người mua tranh. Nếu đúng là người cô gái năm xưa gã sẽ tổ chức buổi trao tặng thật hoành tráng. Nếu là người khác gã thành thực xin lỗi và không bán tranh. Gã Gàn đã quyết định như vậy./ 
LBH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét