(Truyện ngắn Lê Bá Hạnh)
…Đúng là tội nghiệp, khổ sở lây đến cả cây cau, đang ở làng quê lộng gió, xanh lá ngút ngàn, cả vườn rộng thênh thang, nương tựa vào nhau, khoe hương với gió… Nhưng từ ngày về thành phố thì cô đơn, buồn tủi. Một cây đã hỏng, còn một cây đang lụi tàn…Như thân ta đâu có sung sướng…
Lão Ngô chua xót nghĩ vẩn vơ như vậy. Nhìn qua ô cửa sổ tầng tư xuống khuôn viên vườn nhà…được kiến trúc sư tài năng tính toán chu đáo. Nhưng phải chấp nhận bổ xung hai cây cau theo yêu cầu của lão. Thằng con cũng phải chiều lão về tận quê "đấm” được hai cây như mong muốn, đặt vào chỗ hợp lý, cũng là thứ trang sức cho ngôi nhà. Nhưng sự chăm chút cho cây sống đẹp ra hoa, ra quả thì không ai nhớ để làm. Mấy trăm mét vuông đất được sử dụng tối đa: Rào bao quanh cũng được đắp những phù điêu trang trí tuyệt đẹp dính vào tường; hòn núi giả và bể treo có nước chảy róc rách cũng ở trên tường, không tốn một phân vuông đất. Nền được lát gạch men, đá xẻ và bê tông. Những cây nhỏ, cây lớn đều đặt trong chậu cho dễ thay đổi theo mùa…chỉ riêng cây cau được trồng chặt xuống đất, nhưng gạch đá lát chèn đến tận cổ, nơi gốc cây đã chết chỉ còn lại một hốc nhỏ, ba hòn đá cuội che vào là không hở tí đất nào. Lão là hoạ sĩ đồ hoạ đầy kinh nghiệm mà cũng phải chịu thằng con nó năng động, sắp xếp quầy “ba” thật hợp lý, phòng lớn phòng nhỏ thay đổi liên tục, mùa hè bóng đá thì có ti vi màn hình rộng để reo hò cá cược, mùa đông thì có vách ngăn đủ ấm cúng kín đáo cho trai gái ngồi uống cà phê truy cập Intenet; hoặc doanh nhân đón khách hàng đến bàn công việc làm ăn và ký kết hợp đồng... Cà phê ngon thơm là đương nhiên, nhưng chỗ ngồi mới là quan trọng vì thế con lão ngồi nhà mà hái ra tiền. Chính thế, mặt đất kê được thêm cái ghế là có thêm được tiền, sử dụng một phân vuông cũng phải cân nhắc, chỗ nào cũng được lau rửa sạch sẽ thơm tho… Gần như tuần nào cũng phải cọ rửa sân một lần, nước xà phòng ngầu bọt chao chát dội lại ngấm xuống gốc cây cau còn lại lá xơ xác, bẹ lép kẹp đốt dài thắt lại toi tóp, có lẽ chỉ chờ ngày một ngày hai là trụi hết lá. Như thế không thương cây cau sao được. Lão đã níu thằng con lại nói cái điều hệ trọng ấy, nhưng nó phẩy tay cho là chuyện nhỏ: "Lại trồng hai cây khác đáng bao nhiêu mà…" Nhưng với lão việc ấy nó cứ như cái gì đau đớn thắt lại vùng ngực…trồng được cây như thế đâu có dễ dàng, cái hương hoa cau có cái gì thay thế được, mà cái hương ấy gợi cho lão biết bao nhiêu kỷ niệm thời trai trẻ với người vợ thân yêu, bà đã trốn việc nuôi dạy con mà bỏ đi trước để mình lão chèo chống vất vả đến hôm nay…
Lão phải thừa nhận con trai, con dâu và hai đứa cháu lúc nào cũng lễ phép kính trọng lão. Hàng tuần lễ không gặp mặt, vì nó kinh doanh việc bận như con mọn; các cháu thì học ở trường lại học thêm ở nhà thầy giáo, thế mà vẫn chăm chút cho lão từng li từng tí. Chả thế mà cả tầng tư rộng thênh thang dành hết cho lão thả sức vùng vẫy, vẽ vời…Trong tủ đầy ngập những đồ uống đắt tiền … đồ ăn thì đủ thứ bánh kẹo cao cấp hộp lớn hộp nhỏ, vừa ăn sáng xong chưa thấy đói, đứa giúp việc đã bê lên mâm cơm trưa nóng hổi… Cuộc sống no đủ này mấy năm xưa lão nằm mơ cũng không thấy được, nhưng không hiểu sao vẫn thấy tù túng, gò bó; bạn bè nối khố người đã đi xa… người theo con đến vùng khác vơi dần, thế hệ sau thì nó suy nghĩ và sáng tác khác xa với ngày xưa, lão cố gắng cũng không hiểu được cách thể hiện của trường phái trừu tượng, lập thể… lão cứ ao ước những ngày xưa thời chiến tranh phá hoại mà vui vẻ đội mũ lá, xách bảng đen ra bến cảng, vào nhà máy, lên trận địa súng phòng không vẽ say mê những người thợ, người lính… Mới đây lão cũng đã đòi đi vẽ bằng được nhưng đều thất vọng, nhà máy xưa đã chuyển ra ngoại thành để làm đường quốc lộ, trận địa pháo năm xưa bây giờ đã là khu chế xuất nước ngoài, lão đi rạc cẳng chẳng gặp một người quen về nhà đau đầu mấy ngày, con dâu phải đun nước nóng ngâm chân mấy buổi mới hết đau… đành lên sân thượng ngắm ra bốn phía khắc khoải chờ đợi ngày lại ngày… thương cho cây cau dần mòn chết héo…
Một lần lão yêu cầu thằng con đưa đến ngôi nhà nơi sơ tán năm xưa xem lại mấy cây cau, làm tụi trẻ cười ầm lên: " Nơi ấy đã đào xuống thành moong sâu hàng trăm mét để lấy than xuất khẩu” Lão không tin, mấy ngày sau thằng con đưa lão đến tận nơi, lão mới tin là thật.
Lão thèm khát bóng chim sâu, cái đầu nhỏ xíu ngó nghiêng nhảy thoăn thoắt từ cành này sang cành khác; chim chào mào làm tổ; chim hoạ mi hót véo von khi khoan, khi nhặt. Anh con trai nghe vậy, phẩy tay: “chuyện nhỏ” Mấy hôm sau anh đưa về mấy cái lồng chim đẹp đến cầu kì, phủ ngoài tấm vải màu cũng tuyệt đẹp khi anh giơ hai tay vỗ vào nhau “bồm bộp” tiếng chim hót lại véo von một lúc. Cứ như thế muốn chim hót lại phải vỗ tay... hơn tuần sau tiếng chim im bặt, lão Ngô đã hốt hoảng tưởng chim đã làm sao. Thằng con cho người đến mở tấm vải màu, thay pin mới, tiếng chi lại hót véo von như trước. Thì ra đó là cái máy phát ra âm thanh như chim hót không hơn không kém. Khi được nhìn tận mắt lão Ngô kinh ngạc không muốn nghe chim hót nữa vì sợ tốn tiền mua pin quá đắt...
Lão Ngô lại ngao ngán đau đớn như cây cau lạc lõng bơ vơ nơi xa lạ này đang mỏi mòn chẳng hoa, chẳng hương…
Lê Bá Hạnh
Không ngoài gì cây cỏ con người, bất kỳ nào thì cũng đau đớn khi chia lìa thiên nhiên..
Trả lờiXóaCam on ban da dong cam, da chia se nhung noi buon ...
Trả lờiXóa