Phạm Đức Nhì
Trong một chuyến về thăm quê hương, nhờ trang Web Trần Nhương tôi đã quen biết nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương ( chủ trang Web ). Nhà thơ kiêm họa sĩ này rất cởi mở, vui vẻ, và nhiệt tình giúp tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ Việt Nam trong đó có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam . Biết quê vợ tôi ở Đồ Sơn, anh Trần Nhương đã mách nước cho tôi đến tìm gặp một nhà thơ nổi tiếng của Hải Phòng, làm chủ khách sạn Hoa Thành Đạt đồ sộ ở Đồ Sơn, nhà thơ Trịnh Anh Đạt. Trịnh Anh Đạt và tôi đã mau chóng vượt qua được cái hàng rào xã giao khô cứng. Chúng tôi có nhiều buổi ngồi uống chè Núi Đối nói chuyện thơ, đọc và nghe thơ của nhau. Hai anh em đã thân nhau và trao đổi với nhau khá nhiều điều sâu kín. Qua Trịnh Anh Đạt tôi nhận được giấy mời tham dự ngày thơ Nguyên Tiêu và gặp, trò chuyện với một số nhà thơ trong Hội Nhà Văn Việt Nam .
Phạm Đức Nhì và nhà thơ Trinh Anh Đạt tại triển lãm "Mỹ Thuật Mùa Xuân 2" |
Rời các sân thơ Văn Miếu tôi may mắn được tháp tùng một nhóm các nhà thơ miền Bắc đi ăn khuya. Bên chén chè, ly rượu các anh đã cho phép tôi bước vào khung trời thơ rất riêng tư, rất chân thật của mỗi người. Sau đó, nhân cuộc triển lãm mỹ thuật của một số họa sĩ Hải Phòng tôi lại được gặp các anh một lần nữa. Những cuộc trò chuyện bên lề này đã giúp tôi vỡ lẽ ra nhiều điều thú vị; sự hiểu biết về thơ ca của tôi cũng được mở rộng thêm. Tôi đã được các tác giả tặng nhiều tập văn, thơ có giá trị tham khảo. Anh Đạt cũng cho tôi một phần khá nhiều trong số thơ anh sưu tập. Và đặc biệt, anh đã cao hứng viết tặng tôi một bài thơ kỷ niệm Ngày Thơ Nguyên Tiêu tại Văn Miếu.
PHÚT BÌNH YÊN VĂN MIẾU
( Tặng Phạm Đức Nhì, nhà thơ Mỹ gốc Việt )
Anh từ Texas về đây
Bạn thơ dang rộng vòng tay đón chào
Bỏ qua thủ tục ngoại giao
Toàn thằng lính trận thuở nào choảng nhau!
Người mẻ trán, kẻ sứt đầu
Trở giời trái gió ngấm đau một mình
Duyên thơ nối nhịp ân tình
Rời tay súng, chẳng phải rình rập ai
Vào nơi trọng dụng hiền tài
Qua Khuê Văn Các sánh vai cùng người
Thơ hay vụt thả đỏ trời
Rưng rưng ánh mắt rạng ngời lửa thiêng!
Vượt lên giông bão trăm miền
Quê hương ơi! Phút bình yên diệu kỳ!
Văn Miếu Quốc Tử Giám
Nguyên Tiêu Canh Dần
Trịnh Anh Đạt
Sau khi tôi trở về Mỹ, anh Đạt và tôi cũng thỉnh thoảng điện thoại thông báo cho nhau những nét mới trong sinh hoạt văn học ở trong nước và hải ngoại. Tháng 10 năm 2010 gia đình anh Đạt qua Mỹ dự lễ cưới của con gái ở California . Sau khi chu du vài thành phố có đông người Việt tỵ nạn anh Đạt gọi điện thoại hỏi tôi:
“ Chiến tranh đã chấm dứt hơn 30 năm mà sao người Việt hải ngoại vẫn còn ác cảm, vẫn đối đầu với những người Cộng Sản ?
Tình cảm của anh Đạt dành cho tôi sâu đậm như thế nên tôi thấy mình có bổn phận phải cho anh câu trả lời thành thật.
Sau 30/4 /1975 chính sách cải tạo đã làm cho người dân miền Nam ngỡ ngàng choáng váng. Sau kỳ hạn 2 tháng, rồi 3 năm, hàng trăm ngàn cựu quân nhân, viên chức chính quyền miền Nam vẫn biền biệt không về, vẫn còn phải chịu đọa đày trong các trại tập trung rải rác khắp nơi trên đất nước. Lúc đó gia đình những người đi cải tạo mới biết mình bị lừa. Sự lừa dối ấy, cùng với những hệ quả đau thương khác của chính sách cải tạo, dường như đã đâm một nhát dao vào ngực người dân miền Nam, đã đào một con sông ngăn cách lòng người Nam Bắc. Vết thương ấy giờ vẫn còn đang rỉ máu; con sông ấy giờ vẫn còn rất rộng và chưa có cầu nối liền hai bờ.
Phạm Đức Nhì
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét