4 thg 4, 2011

MỘT LẦN TỚI LÀNG VIỆT HẢI

Lê Bá Hạnh 

Những khách du lịch nước ngoài đã đến Cát Bà là không thể bỏ qua: Con đường mòn mạo hiểm, cheo leo qua nhiều dốc đá dựng ngược, qua nhiều hang núi, đường hầm ngập nước, khe suối; bãi lầy có tên gọi Ao Ếch thật hấp dẫn rồi rừng nguyên sinh và con đò thơ mộng ...

Câu lạc bộ Kiến trúc & Mỹ thuật trẻ Hải Phòng tổ chức: “Trại sáng tác Việt Hải” tại xã Việt Hải, huyện Cát Hải. Một làng Việt còn nguyên hoang sơ yên tĩnh.

Chúng tôi phải tập trung rất sớm ở Cung VHTT Thanh niên - Ô tô chở đến bến phà Đình Vũ - Lên tàu cao tốc, bỏ qua đảo Cát Hải đến thẳng Bến phà Cái Viềng - Lại lên ô tô theo đường xuyên đảo qua xã Hiền Hào - Trung tâm Vườn Quốc gia - Qua thị trấn Cát Bà ra thẳng Bến Bèo - Con đò máy khiêm nhường chạy vào Vịnh Lan Hạ, ghé sát vào phía Đông Vườn Quốc gia. Lại lên bến, một chặng xe ôm nữa, qua 3 cái dốc cắt núi dựng ngược và một đường hầm ngập nước mới vào tới làng Việt Hải.(đây là con đường chúng tôi đi ngược lại) Làng Việt Hải bốn phía là những núi đá vôi “Cát tơ” cao chót vót như hàng trăm kim tự tháp xanh vây bủa ...
Hồi chiến tranh phá hoại năm 1972, chính nơi đây xuất sứ giai thoại: “Chàng lính hải quân trạm tiền tiêu yêu cô gái làng Việt Hải say đắm. Khi anh lính chuyển đi xa gửi thư về. Vất vả lắm cô gái mới đến được Bưu Điện nhận thư, cũng vất vả lắm mới nhờ được người đọc hộ lá thư. Lại vất vả lần nữa chèo đò ra Bưu Điện thị trấn yêu cầu: “Anh ấy còn gửi cho tôi nhiều “cái hòm bỏng cháy” các chị cho tôi lĩnh ngay khỏi cháy gây hỏa hoạn” Ngày ấy thanh thiếu niên ít ai được đến trường đi học nên nhầm lẫn là như vậy. Bây giờ các em nhỏ được đến trường nội trú ở thành phố. Nhiều nhà có hai, ba con đã học xong Cao đẳng, Đại học và nhận trọng trách ở thành phố… Con người làng Việt Hải đã đổi khác nhưng đường vào làng vẫn gian nan. Các loại điện thoại di động “Mobil, Vina” đến đây thành như cục gạch. Dù làng chỉ cách Trung tâm Vườn Quốc gia dăm ngàn mét theo đường chim bay…
Làng Việt Hải còn rất nhiều nhà tre, vách đất: Rơm nhào với bùn đắp lên những ô nứa mắt cáo thành tường vách che mưa, ngăn gió… rất điển hình của đồng bằng Bắc Bộ ngày xưa, mà nay ít làng xã nào còn giữ được. Trên mái lợp cỏ gianh phẳng phiu óng mượt như được chải chuốt thường xuyên sạch sẽ...Ở bến đò, rất nhiều xe máy rất “xịn” đẹp, dựng sát vào vách đá của những ai đó từ làng ra, xuống đò vào thị trấn Cát Bà có công việc, chiều muộn từ bến đò lên, xe của ai người ấy chạy về nhà mình, từ lâu lắm rồi như thế, chưa hề có sự mất mát nhầm lẫn...
Nhiều nhà gỗ to đẹp, “Tiền tàu, hậu bẫy” bào trơn óng chuốt nhưng không hề có cánh cửa. Vì nơi đây không bao giờ có trộm cắp. Họa sĩ Phạm Đức hồi còn là thiếu niên đã được giải thưởng Quốc tế “Ngôi nhà mơ ước của em” vẽ ngôi nhà đầy hoa trái, hai cánh cửa mở rộng chào đón bạn bè… nhưng vẽ không ra, thành ngôi nhà không có cửa. Được Ban Giám khảo đáng giá rất cao và trao giải thưởng. Phạm Đức không ngờ hai chục năm sau mới gặp lại cả làng Việt Hải này xưa nay vẫn không hề có cửa. Giám đốc Cung VHTT Thanh Niên Tạ Quang Thanh có quan sát nhận xét rất tế nhị: “Nhà to thì không có cửa – Nhưng nhà bé thì cửa rất kín”. Vì sân vườn rất rộng, nhà vệ sinh, nhà tắm đều làm cách xa và cánh cửa thì không thể thiếu...
Đặc sản ở đây là măng rừng và ếch đồng rất to, đùi trắng như đùi gà; chồn, sóc và cáo thì nhiều vô kể. Thỉnh thoảng có loại báo vằn vào làng bắt gà nếu làm chuồng không chắc chắn. Loại Voọc đầu trắng thì từng đôi đuổi nhau ở vách đá tít trên cao, mọi người đều hiểu và yêu quý những sinh vật này và không còn ai làm nghề săn bắn.. Trong làng nhiều cây mít trĩu quả, cao to đã có mấy trăm năm; vải thiều và na thì nhà nào cũng có, khách đến được mời vô tư hái ăn tự do. (Vì mất công hái đi bán thì không đủ tiền xe, tiền đò…) Đó là điều ít nơi nào có…
Buổi tối khai mạc trại sáng tác, giao lưu cùng thanh niên và nhân dân trong xã. Những bài hát “cây nhà lá vườn” thật sôi động. Bà mẹ của đồng chí Bí thư xã cũng lên hát giọng vang cao vút làm dàn nhạc đệm đuổi theo vất vả. Rồi trò chơi tuổi trẻ: “Ăn táo vườn địa đàng” làm các già làng cười ngặt nghẽo...”Em xi” Phùng Dương cứ lo xa: “ chẳng may họ cắn vào môi nhau ở nơi này thì cấp cứu thế nào được?...” Nhưng thật may chuyện đó không sẩy ra, chỉ làm tăng thêm không khí náo nhiệt vui tươi khắp làng.
Đồng chí Bí thư xã phát biểu chào đón trịnh trọng, thông báo tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội trong xã, cùng khó khăn tạm thời, đường giao thông là nỗi vất vả cách biệt với bên ngoài. Ngay bây giờ, UBND xã nhờ CLB KTS & Mỹ thuật trẻ giúp đỡ vẽ mẫu thiết kế cổng làng.
Chủ nhiệm CLB – Thạc sĩ KTS Minh Trí đọc đáp từ rất cảm động trước sự đón tiếp nồng hậu của nhân dân Việt Hải và hứa sẽ hoàn thành thiết kế vào ngày sớm nhất. Dù biết thiết kế một cổng: “Làng văn hoá Việt Hải” là tốn khá nhiều công sức...
Hai ngày ở Việt Hải là không nhiều, nhưng các Hoạ sĩ trẻ và các KTS đã miệt mài ghi chép, ký hoạ... Bày một phòng tranh ngay tại làng và nhận sự cổ vũ khích lệ của mọi người.
Đề tài làng Việt Hải sẽ còn quay lại nhiều trong tác phẩm của các Hoạ sĩ và KTS. Cùng các ngành chức năng của thành phố, huyện, thị sẽ đánh thức vùng đất giàu tiềm năng này.
Lê Bá Hạnh (Hội VHNT Hải Phòng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét