Lê Bá Hạnh
Tâm linh và đời thường
Năm 2000, cả thế giới chào đón thiên niên kỷ mới đầy bí ẩn. Chúng tôi nhận nhiệm vụ xây dựng tượng nữ tướng Lê Chân.
Mười hai tháng làm tượng, đủ bốn mùa mưa nắng, muôn vàn chuyện lạ. Ngày khánh thành tượng cũng thật kỳ lạ: nhát chổi cuối cùng quét dọn xong thì mây đen vần vụ, một trận mưa rào lũ lụt, nước ở quảng trường đổ xuống hố ga chảy ồ ồ ra cống rãnh, chỉ trong bán kính dăm bảy trăm mét, giữa mùa đông ken hiếm có, mưa chỉ mười lăm, hai mươi phút rồi trời quang mây tạnh, vừa kịp cho mọi người sắp lễ đêm thu hồn nhập tượng long trọng của đại sư chùa Vẻn.
Hôm tìm được cũng khác thường, như có người đưa lối dẫn đường đến được khu không gian rộng như hai bên phố Quang Trung và Nguyễn Đức Cảnh. Cũng có tầm nhìn vài trăm mét như nhìn ở Quán hoa thành phố, đùng với hướng ánh sáng mặt trời, thật là lý tưởng. Khi làm tượng đất, mấy đứa nhỏ chơi đùa thách đố nhau ném đá vào bụng tượng, rách cả lần nilon che bọc giữ độ ẩm của đất. Về nhà đứa trẻ đau bụng lăn giường trên xuống giường dưới, bác sĩ xem không phải ruột thừa, không phải giun chui ống mật, không rõ ai mách bảo mà sắm lễ ra tượng đất khấn vái, đốt vàng hương tung đồng tiền sấp ngửa mà tự nhiên khỏi bệnh… Ngày khởi công làm tượng, chúng tôi cũng phải nhờ thầy chọn ngày động thổ, nửa đêm quàng khăn len áo dạ đi xa hàng chục cây số đến đặt lễ, thắp hương, làm thủ tục cho đúng giờ đẹp. Một bàn thờ được đặt ngày ở phòng làm việc, lại xây một cây hương nữa ở ngoài sân ngay cạnh tượng đất, chưa kể một bàn thờ riêng trong kiốt của ba chú bảo vệ có một bếp ăn riêng. Ngày mùng một, hôm rằm bao giờ cũng có vàng hương, hoa quả. Thú vị nhất là trưa hôm sau được hưởng lộc nải chuối tiêu bổ sung vào vào bữa ăn hàng ngày quý giá…
Công việc đắp tượng khẩn trương vì sắp đến ngày thành phố xuống duyệt bỗng xảy ra sự cố: Bàn tay và thanh kiếm lần thứ ba lại bị đổ. Nhiều người đề nghị tìm thầy cúng lễ. Một ý kiến làm tôi sửng sốt và Mạnh Cường là đồng tác giả chỉ huy trưởng công trường cũng kinh ngạc. Sự việc này quá bất ngờ, nó vượt ra ngoài tầm kiểm soát của tiến độ công việc bao nhiêu thứ rối rắm nhiêu khê khác nữa. Chắc Mạnh Cường thấy khó xử nên đẩy việc cho tôi: Ông ra xem xét giải quyết gấp để thành phố kịp xuống duyệt rồi lên xe về Sở Văn hoá để họp.
Tôi nhanh chóng đến chân tượng: Cả bàn tay và thanh kiếm đã tuột khỏi hết đất, trơ lại thanh gỗ xương cốt vặn vẹo, bóp nắm đất nhão nhoét vừa rơi xuống, mười phần tôi đã nhận ra bảy, tám. Nhưng sự việc lớn quá, có nhiều luồng suy nghĩ, nhiều ý kiến trái ngược nên phải cân nhắc kỹ. Như bản năng tự nhiên, chân tôi bước đến cây hương, trấn tĩnh, thư thả, thắp ba nén nhang vào cây hương ở chân tượng. Nhìn làn khói hương bay lượn, lan toả vào không trung, mùi hương thơm đặc biệt lòng tôi thấy tĩnh lặng, yên ắng lạ thường, nhận ngay ra mấy anh nghệ sĩ trẻ cẩu thả trong công việc, trốn tránh những nguyên tắc cơ bản trong nghề nghiệp nên sự cố xảy ra là phải. Trong khoảnh khắc, cân nhắc rất nhanh các dữ kiện, phân tích các nguyên nhân, tôi kiên quyết cùng anh em làm lại từ đầu từng bước chuẩn xác: Thanh kiếm được căn đúng toạ độ; bàn tay xương cốt đúng vị trí, tất cả được định vị vững chắc; dây hình X được buộc đúng tiêu chuẩn, đất sét được nhào nặn đúng độ dẻo, lên đất từng bước, từng bước hợp lý; hết ngày được bọc nilon, giữ độ ẩm ổn định. Nhờ thế, bức tượng khổng lồ, sừng sững giữa không gian rộng, hoàn thành đúng kế hoạch. Ngày hội đồng nghệ thuật và thành phố duyệt lần cuối, chấp nhận cho chuyển sang chất liệu thạch cao làm dưỡng để đúc đồng.
Dân đã là gốc
Năm năm trước, thành phố Hải Phòng đã thành lập Hội đồng nghệ thuật, thông báo toàn quốc thi chọn mẫu tượng. Mấy chục nhà điêu khắc trong Nam ngoài Bắc gửi tác phẩm về tham dự. Nhiều vòng tuyển chọn, mẫu được chọn là nhóm tác giả Phú Cường – người con của Ninh Bình, định cư ở Hà Nội và Mạnh Cường – người con của Hà Nội, định cư ở Hải Phòng, làm ở Nhà triển lãm thành phố từ ngày đầu mới thành lập.
Bức tượng có dáng đứng hiên ngang, bàn tay nắm chắc chuôi kiếm, tỏ rõ dũng mãnh kiên quyết của võ tướng. Với nét mặt đôn hậu, đôi mắt khoé môi như đang nói dạy dân trồng cấy khai hoang… Đạt được hai ý tưởng ấy trong một vị tướng là khó, nhưng nhóm tác giả đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban, Hội đồng nhân dân và các đoàn thể nhân dân thành phố đến bổ sung, góp ý. Nhóm tác giả đã tiếp nhận và diễn đạt được – Đó cũng là thời gian năm năm chỉnh sửa, bổ sung và thay đổi vị trí đặt tượng.
Phần bục tượng, xung quanh là phù điêu hình sóng nước, mô tuýp trang trí ở chùa Dâu thế kỷ IV. Họ sĩ Lê Viết Sử đã sao chép rất tỉ mỉ, đường nét săc sảo, công phu. Hội đồng nghệ thuật đến duyệt đều gật gù tán thưởng, cuối buổi duyệt nhà điêu khắc Trần Tuy kéo tác giả ra một góc rỉ tai: Phải xem lại các khối của hình sóng nước, tránh xa cái nhìn tục tĩu mà kẻ xấu cố ý áp đặt, gán ghép. Tác giả và Lê Viết Sử mới ớ người nhận ra đúng như thế, không oan một tí nào và bây giờ ai cũng nhận ra điều ấy. Thế là các nghệ sĩ lại lăn lưng ra làm lại, xoá hẳn ấn tượng cũ – Chép lại cái cũ bằng vô cảm, dễ dấn đến sai phạm không lường trước là thế, thật hú vía.
Khi lắp đặt tượng cũng thú vị. Nếu công ty Đúc Đồng đúc được phần nào chở phần ấy đặt lên bục cao 95 phân, đúng như thiết kế Viện quy hoạch đã ký duyệt thì vườn hoa Lê Chân sẽ có một bức tượng khác hẳn mà chúng ta không dám nghĩ tới…
Có lẽ chính bà Lê Chân linh thiêng xui khiến nghệ nhân Nguyễn Văn Tự - Giám đốc công ty Đúc Đồng tuyên bố ở hội nghị: Chúng tôi sẽ đúc lắp ghép hoàn chỉnh bức tượng tại xưởng mới chở đến để qua một đêm nhân dân thành phố ngỡ ngàng thấy bức tượng hiện lên hoàn hảo.
Ngày lắp dựng tượng đã đến, cờ rong trống mở. Một đoàn xe cảnh sát dẫn đường, tiếp đến là đoàn múa lân trên xe lớn và cũng là là đội quân gạt bỏ cành cây, dây điện chăng vướng lòng đường. Sau cùng là xe siêu trường siêu trọng chở tượng được vải hồng phủ kín đầy bí ẩn. Gần như cả thành phố dừng lại, nhường đường cho xe chở tượng đi qua.
Quang trường đặt tượng đã sẵn sàng: cần cẩu bánh xe xích lớn hơn xe tăng, sải cần dài, sức nâng hơn 40 tấn, máy bơm phun bê tông đã hoạt động…
Trước đó từ buổi sáng, tốp thợ ghép phù điêu bằng đồng vào bục tượng thấy vuớng cốt thép nên đặt cao hơn 6 phân, tác giải Mạnh Cường thấy cao hơn lên càng đẹp nên chấp nhận. Nhưng đến khi cần cẩu đặt tượng lên bục, cán bộ quản lý dự án cầm thước ra đo thấy cao hơn và đề nghị hạ thấp xuống như thiết kế - bulon vào phù điêu đã được chọn chôn vào bục, bê tông giờ đã khô cứng không thể thay đổi được nữa, và cuộc tranh cãi bắt đầu. Nhóm tác giả và đơn vị thi công cùng đưa ra cái lý: Cao lên như thế là càng đẹp. Nhưng ban quản lý cũng đưa ra cái lý hay hơn: “Chỉ cao 95 phân là cung Lỗ Ban đẹp, thêm 6 phân nữa nó sang “cung” khác tôi không chấp nhận. Không đúng thiết kế tôi không ký thanh toán”.
Câu nói đõ như gáo nước lạnh dội vào gáy Giám đốc Nguyễn Văn Tự. Công việc dựng tượng tưởng đã xong ngay, ai ngờ phải dừng các thiết bị lại để tranh cãi, nhân dân đến xem tụm lại rất đông. Người đặt bó hoa huệ, người đặt bó hương thơm, người đến sát lật vải sờ nắm bàn chân, người đừng ngoài xa vái vọng…
Phía sau tượng là phòng khách Nhà triển lãm. Công ty Đúc Đồng và nhóm tác giả họp lập biên bản quy trách nhiệm phải ngừng công việc chịu tổn thất thiết bị nằm chờ một ca máy bằng mấy chục tháng lương khởi điểm – thực sự tốn kém – Biên bản thảo đi thảo lại không ai chịu ký.
Dưới quảng trường nhân dân kéo đến đông như một buổi mít tinh, rất nhiều người phẫn nộ vì Ban Quản lý không giám sát chặt chẽ từ đầu và ngạc nhiên bức tượng cao to như thế mà bục tượng chỉ cao như cái bàn làm việc, vẫn chưa được lại còn chờ hạ thấp xuống nữa(?)…
Hôm sau, khi mặt trời mọc đã có một văn bản thành phố gửi xuống triệu tập các cơ quan hữu trách cùng họp bàn thay đổi chiều cao cảu bục tượng theo yêu cầu của đa số nhân dân đã kiến nghị.
Cuộc họp nhiều ý kiến trái ngược – từng ý kiến đều có cái hay riêng – cuộc họp kéo dài đến ngày thứ tư mới lục lại văn bản nhóm tác giả đề nghị kích thước bức tượng cao là 2 mét. Lúc ấy mọi ý kiến mới hết nâng lên hạ xuống và chúng ta có được bục tượng thoả mãn ý nguyện của nhân dân thành phố và đúng với ý đồ sáng tạo ban đầu của nhóm tác giả…
Nhưng nhân dân thành phố Hải Phòng và nhóm tác giả vẫn chưa thật hài lòng vì kỹ thuật đúc đồng chưa mỹ mãn. Đôi chỗ và các khớp nối từng phần tượng thời gian chưa lâu đã bị ôxit hoá biến thành màu loang lổ - công ty Đúc Đồng đã xử lý nhiều lần và bây giờ được sơn lại một màu không phải là màu đồng cua thánh thiện, linh thiêng…
LBH
nguồn: Tạp chí Mỹ Thuật Số:146- 86 (2-2006)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét