15 thg 12, 2011

Nhớ lại NGÀY THÀNH LẬP HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT QUẢNG NINH

                                           (Lê Bá Hạnh)

 Hơn bốn chục năm trước, Tổng thống Mỹ Giônxơn phải tuyên bố ngừng ném bom phá hoại Miền Bắc, sau chiến thắng ở chiến trường Miền Nam và thắng lợi ngoại giao hội nghị Pari.





Cả Vùng Mỏ sôi nổi khôi phục khai thác than và khẩn trương di chuyển những cổ máy nặng nề từ khu sơ tán về nhà máy cũ, với phong trào thi đua: “Một người làm việc bằng hai, vì Miền Nam ruột thịt.” Họa sĩ Hoàng Công Luận cùng cán bộ Hội Mỹ thuật Việt Nam đến thăm anh em vẽ nghiệp dư chúng tôi kiểm tra phong trào hội họa để chuẩn bị thành lập Hội Văn học Nghệ Thuật tỉnh.

Hôm ấy, vừa ở xí nghiệp về nhà, người còn nguyên bộ quần áo bảo hộ lao động đầy than bụi, tôi đã ngồi vào góc nhà để vẽ. Bức tranh sơn dầu vẽ tổ sản xuất đang làm việc ngay khi mất điện. Toàn tranh màu lam lạnh của buổi tối trời, tương phản rực lên màu đỏ hồng là ngọn lửa giẻ dầu “gadoan” của ông thợ già soi vào mũi khoan đang cắm vào tấm thép, đùn lên những phoi trắng xoắn ruột gà… Trên bệ khoan, động cơ im lìm, dây cua roa tháo rời, buông thõng, cầu dao điện được gạt xuống điểm ngắt. Hai thanh niên xoay trần, cánh tay cơ bắp cuồn cuộn đang nhịp nhàng quay bánh đà- như kiểu máy khâu quay tay- Phía sau là lò rèn quay tay đang rực lửa, thỏi thép đỏ sáng trắng, trong tay kìm bác thợ cả lật đi lật lại, hai anh thợ phụ hối hả quai búa. Sau nữa là hầm kèo và giao thông hào, lùm cây của khu rừng nơi sơ tán. Bức tranh sau này được bày ở triển lãm Mỹ thuật Quảng Ninh lần thứ nhất tại Hà nội…Sau khi xem tranh và hàng loạt những ký họa, anh cán bộ Mỹ thuật Trung Ương nói: “Vừa làm kỹ thuật ở nhà máy, vừa vẽ như thế này đúng là một người làm việc bằng hai”.Tôi phải nói thêm: “Đúng là một người làm việc hai nhưng vẽ được như thế này là nhờ kiến thức của nghề cơ khí góp vào. Ở nhà máy, nghề kỹ thuật KCS làm tốt cũng nhờ kiến thức hội họa giúp thêm một phần quan trọng…” Sau đó Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh được thành lập.

Những tập sách: “NIỀM TIN; ÁNH SÁNG; MÙA THU và CỬA TẦNG…” lần lượt ra đời. Lê Chuyền, Đặng Đình Liên và tôi thay nhau minh họa và làm bìa sách. Ngày ấy làm một bìa sách vô cùng cơ cực, phác thảo bao nhiêu màu phải can lại ngần ấy bản, để thợ khắc ngần ấy bản gỗ lần lượt in cho được. Chúng tôi học được nhiều khi làm một bìa sách hay minh họa một truyện ngắn… Phác thảo nào cũng phải làm năm bảy bản để chọn lấy một. Cầm tập sách còn mới nguyên thơm mùi mực, chúng tôi sung sướng lật từng trang sách bàng hoàng như trong mơ. Từng nét bút mới vẽ hôm xưa nay đã được in đậm trong sách, qua bản khắc có sai lệch đi ít nhiều. Nhưng ngày ấy với chúng tôi đã là điều vui sướng nhất.

Không thể hình dung được, trước đó mấy tháng, chiến tranh phá hoại của Giôn xơn còn ác liệt đến cực điểm. Anh em họa sĩ nghiệp dư chúng tôi phải bàn giao công việc nhà máy, khoác ba lô cặp vẽ về Khe Hùm Văn phòng Công Ty Than, tập trung làm nhiệm vụ: “Ghi chép tội ác của đế quốc Mỹ, ca ngợi sản xuất và chiến đấu của quân dân ta…”



Cầu Hai Mươi, chỉ là cái cống thoát nước qua đoạn đường bộ và đường sắt từ mỏ Cọc Sáu ra cảng Cửa Ông, cầu chỉ rộng vài mét mà thành cái túi chứa bom. Tiếng bom vừa dứt, đội cầu đường lại ra san lấp. Đợt bom sau ác liệt hơn đợt trước, hố bom sau lại khoét sâu vào hố bom trước…

Nhà sàng Cửa Ông cũng là một trọng điểm địch đánh phá. Hai tốp thợ đứng sát bên nhu ở hai mép máng băng chuyền luôn tay phân loại đất đá, than xít và kíp lê. Trên mái nhà tôn lợp đã đã bay gần hết, kèo nhà đã cắt đứt cong vặn như bánh đa, dấu vết một quả tên lửa nổ ở đấy và máu người thợ đã đổ. Một ngày năm bảy lần chạy báo động thở hụt hơi, vài ba lần bom nổ lọng óc, nhà máy hỏng chỗ nào, tập trung sửa chửa bằng xong chỗ ấy để băng chuyền than lại tiếp tục hoạt động…

Nhiều công nhân nhìn chúng tôi chăm chú kính nể. Sau này chúng tôi mới biết đồng chí bí thư Đảng Ủy Công ty Than đã tuyên dương chúng tôi ở hội nghị toàn ngành, lấy việc chúng tôi xung phong về đây vẽ để động viên những công nhân bám trụ sản xuất. Vì trước đó đã có người run sợ tìm lý do trốn tránh.

Chúng tôi vẽ say mê, ngồi chót vót trên tầng tư. Bi đông nước mang theo, khát đã uống sạch. Bức tranh thuốc nước chưa thật vừa ý, cần nhấn lại đôi chỗ, tiện tay cho bút lông vào mồm làm ẩm bút rồi lấy màu vẽ tiếp. Anh Hoàng Công Luận tình cờ nhìn thấy kêu lên: “Muốn chết hay sao mà đưa hóa chất vào dạ dày như thế!”… Đến tối về phòng Ytế, anh họa sĩ dò hỏi có thuốc gì chữa được bệnh đau dạ dày nếu mắc phải. (anh ta cũng sợ chết vì cái bệnh quái ác ấy…) Nhưng không sợ chết vì nhiệm vụ ghi chép ký họa tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ như nhiệm vụ được giao.

Cuối đợt , chúng tôi bầy ký họa vừa vẽ để báo cáo, được lãnh đạo đánh giá tốt. Họa sĩ Hoàng Công Luận- người thày dạy vẽ, người phụ trách bên Sở Văn Hóa nói riêng với chúng tôi: “Phải vẽ được nhiều gương tích cực nữa, nói được tinh thần khắc phục khó khăn sản xuất ra nhiều than. Nếu chỉ dừng lại ở hố bom, nhà xưởng đổ, máy hỏng thì tác dụng sẽ ngược lại- Ta không thể thừa nhận Giôn xơn đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá như chúng nó vẫn tuyên truyền…

Tuần cuối cùng, tôi quay về nhà máy cơ khí Hồng Gai, nơi vẫn lĩnh lương hàng tháng. Đến tổ thanh niên “26/3” đang làm việc ở khu sơ tán. Chiếc lò rèn rực lửa, đang nung đỏ những đinh ri vê cho tốp thợ dồn dập đánh búa. Khi mất điện, động cơ điện ngừng chạy, một người thợ khẩn trương dùng quạt gió làm bằng chiếc vành xe đạp hỏng, tiếp tục quay tay cho lò than giữ nguyên nhiệt lượng, nướng đỏ những chiếc rivê, tốp thợ liên tục làm việc. Phong trào dùng sức người thay cho động cơ điện được Công Đoàn nhà máy hoan nghênh khích lệ. Máy tiện, máy khoan cũng lắp thêm đồ gá để hai người xoay trần ra quay không ngừng làm việc khi mất điện…

Lực lượng họa sĩ Quảng Ninh ngày càng được bổ sung từ công nhân mỏ. Một số lần lượt được đào tạo qua Đại học tại chức như Đinh Đức Thọ, Lý Ngọc Thanh, Trần Thanh Toàn, Lê Chuyền… và một số họa sĩ vượt lên mọi khó khăn để tốt nghiệp Đại học chính quy như: Duy Mạnh, Trần Công Phú, Xuân Hương… còn Nguyễn Hoàng, Bùi Đình Lan, Ngô Phương Cúc, Hoàng Ngọc Châu, Phạm Phi Châu vừa phải gánh vác trọng trách chuyên môn, vừa sáng tác tranh miệt mài đều đặn. Các tác phẩm của các anh đã để lại dấu ấn quan trọng trong “Lịch sử Mỹ thuật Vùng than” Đó cũng là tên quyển sách tập hợp được khá nhiều tác giả và tác phẩm nói về vùng than khá đồ sộ, xuất bản năm 1996.

Hơn bốn chục năm đã qua, tôi đã nghỉ hưu, thời gian còn lại gần như dành hết cho hội họa. Khá nhiều bức tranh của tôi thành công đã lấy từ ký họa trong những chuyến đi thực tế ở các cơ sở thời chiến tranh phá hoại. Trụ sở Hội từ khi ở trên đồi Bãi cháy, đến Cọc Ba, lên dốc Bồ Hòn đến bây giờ là đường Lý Thánh Tông. Chủ tịch Hội: Các anh Ngô Lâm, Hoàng Thuận, Lê Hường, Trần Nhuận Minh… đối xử với chúng tôi lúc nào cũng như anh em. Đến trụ sở Hội lúc nào chúng tôi cũng thấy gần gũi ấm cúng như ở chính nhà mình./.

                         LBH

      (theo: Tạp chí Mỹ Thuật . Số 228 (12-2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét