Lê Bá Hạnh
Sau Ngày thơ Việt Nam, (rằm tháng giêng Kỉ Sửu) Câu lạc bộ thơ quận Đồ Sơn và gia đình nhà thơ Lê Viết Khản ra mắt tập thơ “Tiếng cuốc vỡ đồi” được đảng bộ, chính quyền địa phương cùng các nhà thơ trong Câu lạc bộ dự đông đủ.
Ông Chủ tịch Hội NCT phường Ngọc Xuyên mở đầu: “Chúc mừng hai bác hôm nay/ Bác trai vào Đảng dạn dày tuổi xuân/ Bác gái lo liệu đảm đang/ Sinh con nuôi dạy lớn khôn nên người “(*)...” Tự hào tôi có ông tôi/ Tám mươi xuân vẫn yêu đời, làm thơ...” (**). V.v...
Ông Lê Viết Khản đã lên chức “cụ”, cháu chắt, nội ngoại cả thảy hơn hai chục. Khi về hưu mới cầm bút và tự nhận là Nhà thơ trẻ: “Tóc điểm thời gian đã nhuốm bạc/ Trang vở để lâu đã ố vàng” ...và “Tay run, phảy, xổ thành con chữ...” rồi “ Cái tuổi học trò cùng một thủa/ Sang sáng đọc bài tiếng ngân vang”... Đó là câu thơ trong bài “Lòng xuân” đã nói lên tất cả...
Sáu mươi năm trước, quê hương ông còn nằm sâu trong vùng tạm chiếm của thực dân Pháp. Chàng trai Lê Viết Khản cùng gia đình nuôi giấu cán bộ địch hậu, trưởng thành cùng phong trào du kích và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng, rồi “Bước chân đi khắp chiến trường/ Nay về xây dựng quê hương đẹp giàu...”
Nhiều năm làm cán bộ chủ chốt ở địa phương, ông được nhân dân tin yêu, kính nể. Ông đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Tài chính, Chánh văn phòng rồi Phó chủ tịch thị trấn (nay là cấp quận) cũng đầy rẫy cạm bẫy và lôi kéo, mua chuộc. nhưng với bản chất người lính cách mạng, thấm nhuần đường lối của Đảng, theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông luôn ứng xử có lí, có tình, giữ mình trong sạch, thuyết phục mọi người làm theo đúng pháp luật...
Khi đã nghỉ hưu, ông vẫn tích cực tham gia các phong trào, đoàn thể, nhiều năm là Đảng uỷ viên, được Chi bộ , Hội NCT tín nhiệm. Cương vị nào ông cũng mạnh dạn, xông xáo gương mẫu đi đầu để mọi người cùng làm và đào tạo các thế hệ kế cận. Mới đây ông đã trao hết nhiệm vụ cho người khác. Địa phương mới phát sinh bãi tập kết rác làm ô nhiễm môi trường, gây phản cảm với nhân dân nhất là khách du lịch. Ông đấu tranh quyết liệt, tiếp cận Chủ tịch UBND quận, yêu cầu hẹn ngày thực hiện. Chủ tịch UBND quận đã viết thư cảm ơn và hứa giải quyết dứt điểm. Chính ông cũng viết thư cảm ơn ông Chủ tịch đã giải quyết việc này.
Trong gia đình, ông Khản luôn là người gương mẫu, hết giờ hành chính về nhà là lao động cật lực, trồng cấy, cuốc đất vỡ hoang, làm tiếp công việc quy hoạch mà thế hệ trước còn để lại. Ông cũng động viên các con cùng làm việc sau những buổi đi học. Lớn lên các con ông mỗi người học được một nghề thành thạo, tự lập khi trưởng thành, vì thế gia đình luôn đoàn tụ đầm ấm, chia sẻ và nhường nhịn. Ngôi nhà khang trang của bố mẹ ở giữa; nhà con lớn, nhà con nhỏ vây xung quanh; chung một sân rộng đầy bóng mát, nhiều tiểu cảnh, phù điêu, non bộ, vòi nước phun cao. Cá cảnh, cây cảnh, cây thế lâu năm quý hiếm được bàn tay cần mẫn của ông chăm sóc.
Dưới gốc cây lớn hay góc sân lại có viên đá phẳng kê làm bàn, mấy viên đá thấp làm ghế, phía trên là giàn hoa leo, dâm mát, ngát hương... Cùng với nhiều luống hoa tươi trước cửa, lúc nào cũng khoe sắc rực rỡ, nhà thơ thả sức bay bổng những tứ thơ và phục hồi sức khoẻ sau nhiều giờ làm việc. Tất cả hài hoà như có bàn tay và tư duy thẩm mĩ của nhà kiến trúc tài ba... Nhưng không, đó là mồ hôi bao nhiêu năm, nhiều thế hệ để lại, ông phải cân nhắc nhiều phương án, tôn tạo cho thuận mắt , tiện sử dụng. Cái hoàn thiện hôm nay là kết quả của bao ngày trăn trở và lao động không mệt mỏi, công sức bỏ ra không tính được bằng ngày tháng. Tổ ấm của bốn thế hệ gia đình đoàn tụ không phải ai cũng có.
Mảnh đất nhà ông như mọi người khác trong làng (nay gọi là phường) đều xây tựa lưng vào núi. Từ bao đời nay, ông cha đã phá đá núi, xếp thành bậc cao ngập đầu người mới có vài trăm mét vuông đất để trồng trọt. Như bài thơ: “Ông tôi “Lê Viết Khản đã mở đầu: “Tay chai sần rớm máu/ Cặm cụi tháng ngày qua/ Ông tôi đào bới đá/ Để có đất trồng na...” (trồng na, thứ cây dành cho người già). “Câu ca xưa đã cũ/ Ông hái gọi cháu ơi/ Tay tôi nâng rớm lệ/ Mắt ông tôi rạng ngời”.
Hơn chục năm trước, xây nhà, ông đã đắp nổi 4 chữ “Phúc, Lộc, Thọ, Trường” ở nơi trang trọng nhất để khẳng định: “Trường tồn mãi mãi phúc lộc thọ cho con cháu và cho ngay chính bản thân ông: “Lên đồi cuốc đất hằng ngày/ Trồng chè, trồng sắn xanh cây bốn mùa”. Gieo trồng trên đồi, dụng cụ lao động duy nhất là chiếc cuốc và sức người nâng lên bổ xuống, lật từng lớp đất để trồng sắn khoai... Tiếng cuốc âm vang đều dai dẳng là mong ước khát vọng của ông. Chính vì thế tập thơ đầu tay của ông mang tên “Tiếng cuốc vỡ đồi” chứ không phải là “Nhát cuốc” đơn độc, lẻ loi, chỉ dừng lại ở cái cụ thể không khái quát bay bổng.
Tám mươi hai tuổi đời, ông bà vẫn minh mẫn, khoẻ mạnh. Hằng ngày giúp cháu con việc nhà, đạp xe ra bãi biển tập thể dục, thăm bà con nội ngoại, bạn bè khắp nơi, làm thơ và đọc thơ sang sảng, đúng như nhà thơ trẻ hồn nhiên vô tư... Ông kiểm tra sức khoẻ, chỉ có chiều cao là hạ thấp 2 cm, nhưng cơ bắp vẫn săn chắc không thấy hiện tượng gì đặc biệt!
Ông bà đã có hai cháu nội làm việc ở thành phố phía nam xa xôi, còn mấy cháu nữa đang học lớp 11, 12 hứa sẽ học giỏi để thi vào ngành y, làm bác sĩ tại quê nhà, trực tiếp chăm sóc sức khoẻ cho ông bà sống thọ trăm tuổi. Và ông lại tiếp tục làm thơ...
Lê Bá Hạnh
theo báo: "Người cao tuổi"
Quả là một giấc mơ đối với hầu hết người cao tuổi. Mình nên thế, để ngày nào đó được anh Hạnh viết lên bằng bút pháp tuyệt vời của anh..
Trả lờiXóaCam on ban ! Chuc ban moi su nhu y ...
Trả lờiXóa