12 thg 12, 2012

KÝ HỌA BIÊN GIỚI 33 NĂM TRƯỚC

                        NHỮNG KÍ HỌA TRONG CHUYẾN ĐI BIÊN GIỚI PHÍA BẮC 33 NĂM TRƯỚC
                                           (Mới tìm thấy tronh đống lưu trữ - Giới thiệu cùng các bạn)


Phố Mỏ (Kí họa màu nước 38x 28)

Cầu ngầm Đầm Hà (Kí họa màu nước 38x28)

Cầu treo Hà Cối (Kí họa màu nước 38x28)


Thị trấn Quảng Hà  (Kí họa màu nước 38x28)

Cầu Ka Long  (Kí họa màu nước 38x28)

Vẽ tranh cổ động - Cầu Ka Long  (Kí họa màu nước 38x28)
Bến phà Bãi Cháy  (Kí họa chì màu 38x28) 


          Cuối năm 1979. chiến tranh ở biên giới tạm lắng xuống.
          Sở Văn Hóa và Hội VHNT Quảng Ninh tổ chức đi thực tế ở biên giới, đến các huyện xã vẽ tranh cổ động trên các mảng tường đã xây sẵn tuyên truyền nhiệm vụ chính trị.
          Sau đây trích nhật ký chuyến đi:  
          Ngày 29/11
          …Cánh đồng Quất Đông dài rộng như cánh đồng An Thụy. những luống khoai vụ đông, những thửa ruộng còn nguyên gốc rạ và rơm vung vãi dọc đường.
 Sao kì lạ, nhiều nhà ở đây mái lợp bằng viên đá như lớp đá bàn Núi Đèo được đục dẽo vuông vắn như viên gạch, đất ruộng pha cát tơi mịn như đất Quảng Yên.
          Suốt dọc đường đi, nhà cửa dân cư hai bên đường thưa dần, lác đác mới thấy một người. Bến xe lên xuống đông nhất vẫn là bộ đội.
          Về đến phòng Văn Hóa rửa mặt, hai lỗ mũi đỏ quánh như đất làm gạch ngói. Bụi đường là như thế….
          …….
          Ngày 2/12/1979
          Một giấc ngủ chập chờn…trong tiếng rít gió mùa đông bắc…
          Tiếng súng cối vẫn nổ từng chập và đì đoàng vài tiếng súng AK (có lẽ tiếng súng cối là ở trường bắn bên kia biên giới vọng sang, tiếng súng AK là do lính mình buồn tay nghịch tý hay thử súng chăng?)
          Sáng thức dậy. Mặt trời chui lên dưới khóm tre ở đầu hồi nhà bên trái. Sau lưng nhà là biên giới Trung Quốc, đường chim bay còn gần hơn đến thị xã Móng Cái…
          Chờ huyện ủy duyệt mẫu tranh cổ động. Tôi cùng Đoàn Hựu đi vẽ hàng cây đường làng đến kho gạo. Người đến đong gạo là lính đưa cả chuyến xe Zin ba cầu, chuyên chạy đường Trường Sơn, người lính lúc nào cũng kè kè khẩu súng trên vai… Hỏi ra người bán gạo cũng là lính ở đường dây 59 – cục săng dầu mới về…

Ngày 5/ 12 /1979
Ngày chợ phiên. Ngay từ chiều hôm trước đồng bào Dao đã gồng gánh xuống thị trấn. Hàng đoàn người vác những cây “ràng ràng”, mặc những bộ quần áo màu chàm, sặc sỡ những hoa đỏ thêu ở vòng tay và diềm khăn chùm đầu, quần đùi dài lưng lửng, dép xăng đan, tất trắng cao như tất cầu thủ bóng đá được đai vải chàm, buộc dây đỏ thật hiện đại…
Thị trấn Đầm Hà và Hà Cối có lẽ không khác nhau là bao nhiêu, cùng một kiểu cách, cùng một vật liệu độc nhất là đá cuội và cùng mọc lên ở bãi sa mạc đá cuội. Vào cái ngày mưa lũ chắc là thú vị lắm. Cả cái bãi đá cuội bạt ngàn ấy mà là dòng thác cuồn cuộn chắc là đẹp mắt vô cùng.
Lần đầu tiên tôi thấy các phố mang tên bằng con số La Mã I, II, III và IV, Văn phòng cơ quan nào cũng rộng mênh mông, nhưng tối tăm ẩm thấp và bụi bậm hôi hám… Ván sàn mọt ruỗng ọp ẹp đến rợn người.
Chỉ có bên kia cầu treo, văn phòng Huyện ủy là sạch sẽ hơn một chút. Ông Vũ Đà là bí thư người ở Hà Nam Phong Cốc (Yên Hưng) nổi tiếng về phong trào làm thủy lợi – động viên được chị em phụ nữ ngâm mình dưới nước 10 giờ liền bốc đất đào mương. Nay lãnh đạo huyện Quảng Hà cũng có thành tích tương tự…
Mẫu tranh cổ động Bộ đã duyệt, bí thư huyện vẫn tham gia sửa đổi.    
           Có lẽ mê nhất nơi này là sò huyết và chè búp ngoài chợ - chứ chè tiếp khác ở văn phòng tồi vô kể…
………
          Ngày 10/ 12/ 1979
          Thị xã Móng Cái tan hoang hơn cả Hồng Gai thời chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Lính biên phòng dẫn chúng tôi thận trọng qua cầu Ka Long, vì lô cốt ngôi nhà cao tầng đã xả súng 12ly7 bắn tỉa thường xuyên… Dòng sông vẫn chảy hiền hòa, nhưng hàng loạt những lò gốm nhiều tầng nhiều mái đi vào lịch sử thơ và họa nay đổ sập tan tác, nhiều chum, vại, cóng bằng sành to đẹp bị đập vỡ tung tóe dọc đường…
          Mấy ngôi nhà kiểu gô tích tuyệt đẹp, chánh phó sứ tỉnh Hải Ninh (cũ) cũng bị sập đổ, ván sàn gỗ lim bóng mượt bị lật vất vào đống lửa sưởi ấm.
          Một cái gì như nuối tiếc trong tôi cứ day dứt mãi! 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét