THĂM THẦY GIÁO CŨ
Lê Bá Hạnh
Như
thường lệ, cuối năm chúng tôi lại kéo nhau đến thăm thầy và nhận được những
điều bổ ích, như thuở còn mang khăn quàng đỏ…
Thầy đã nghỉ hưu
từ lâu nhưng vẫn theo sát nền giáo dục và tri thức của đất nước. Thầy chia sẻ
với chúng tôi về kiến thức văn hóa của thế hệ trẻ. Thầy dẫn chứng – Chương
trình “Đường lên đỉnh Olympia”, chặng Vượt chướng ngại vật, danh từ “phù sa” và
“chọi trâu” ai cũng tìm ra nhưng vẫn còn hai thí sinh không được điểm vì sai
lỗi chính tả, viết là “phù xa” và “trọi trâu"; Rồi chương trình “Chiếc nón
kỳ diệu” cụm từ có 7 chữ chỉ hành động không được hoan nghênh trong bóng đá, đó
là cụm từ “tiểu xảo” Mọi người đã tìm ra chữ T, I, Ê, U, … A, O” chỉ còn một
chữ “X” nữa là giành chiến thắng, thế mà trả lời là chữ “S” để tuột mất, chỉ vì
lỗi chính tả đơn giản…
Ngay
cả sân chơi “Rung chuông vàng” nhiều câu hỏi về địa lý, lịch sử trả lời ngô
nghê đã đành, còn câu hỏi về kiến thức “mỡ tác dụng với xút thành bột giặt” chứ
không trả lời đúng đáp án là “xà phòng” đó lại là sinh viên hóa sắp ra trường
mới lạ…
Năm
xưa, thầy đã cho chúng tôi câu hỏi: “Trong kháng chiến chống Pháp, các anh hùng
liệt sĩ Lê Văn Tám; Bế Văn Đàn; Phan Đình Giót; Tô Vĩnh Diện có điểm nào là
chung”. Chúng tôi đã tìm hiểu quê quán, tuổi tác và thành tích cũng không có
điểm chung. Đáp án của thầy là: “…tự nhận lấy sự hy sinh để hoàn thành nhiệm
vụ, giành chiến thắng…” đúng quá, đơn giản thế! Mà nghĩ không ra.
Hôm
nay, chúng tôi tranh luận về thơ, nhạc và họa khá sôi nổi, bật ra nhiều ý kiến
trái ngược rất quyết liệt. Thầy lại cho
chúng tôi một câu hỏi:
- Nhạc sĩ Văn
Cao tác giả bài hát: “ Tiến về Hà Nội”; nhà thơ Hoàng Cầm tác giả: “Lá Diêu Bông”
và nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn tác giả: “Nhớ ơn Võ Thị Sáu” Ba nghệ sĩ này có điểm
nào là chung?
Thấy chúng tôi
như chiếc thùng rỗng, chỉ kêu to mà chưa chứa được cái gì, thầy nhẹ nhàng nhắc
đáp án: “…đó là những nghệ sĩ đã sáng tạo ra cái đẹp, ca ngợi cái đẹp vượt lên
cả sự thật…” Thầy giải thích: “lá diêu bông”, “hoa lê ki ma…” Rất đẹp trong Văn
Hóa nhưng không có trong cuộc sống đã rõ; bài hát “Tiến về Hà Nội” … năm cửa ô
tiến vào… Chương trình “Hành trình Văn hóa” nhân ngày giải phóng Thủ Đô có câu
hỏi: “Quân đội ta tiếp quản Thủ Đô tiến vào mấy cửa ô?” Ai cũng trả lời là 5
cửa ô như lời bài hát của nhạc sĩ Văn Cao - Sự thật không phải là như vậy, chỉ
có 3 cửa ô… Người dẫn chương trình – MC Bạch Dương đã chuẩn bị trước, mời anh
lính Cụ Hồ, người đã chỉ huy một trong ba đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ Đô,
một nhân chứng sống lên sân khấu “Hành trình Văn hóa” nói về ngày trọng đại đó…
Khi viết bài hát này nhạc sĩ Văn Cao đã giải thích: “…đây là tư duy đẹp của tôi
khi đoàn quân của chúng ta tiến về Hà Nội…”
Sau buổi thăm
thầy giáo hôm ấy, chúng tôi đã học thêm được nhiều điều hữu ích, như biết được
sự thật và biết được tư duy sáng tạo cái đẹp của nghệ sĩ. Và chúng tôi hết
tranh cãi - câu thơ này vô lý, bức tranh kia vẽ không đúng sự thực…
Tranh dân gian
Đông Hồ “Thất đồng” vẽ bảy đứa trẻ kiệu nhau lên hái quả chín trên cành mà vẫn
còn cả hoa đang nở, bây giờ chúng tôi nhìn mới thấy đẹp./.
LBH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét