2 thg 5, 2017

TÌM LẠI QUÊ HƯƠNG

                                  TÌM LẠI QUÊ HƯƠNG

                                                      Truyện ngắn Lê Bá Hạnh

Như thói quen, gã sửa lại cà vạt, vuốt vạt áo véc, nhìn lại đôi giày da bóng nhoáng, đứng lên nhẹ nhàng ra cầu thang tàu bay, hành lí xách nhẹ trên tay… Mọi người hối hả ôm đống đồ ngóng chờ người nhà tới đón, nét mặt của họ khắc khoải chờ đợi trông đến tội nghiệp. Riêng gã dửng dưng nhìn ngắm mọi người đầy xa lạ, gã biết chẳng ma nào nhớ đến gã lúc này có mặt ở đây mà chờ đón… Người ruột thịt chẳng còn ại, họ nội ngoại xa tít tắp ở tận nơi “khu bốn dẩy ra, khu ba đẩy vào”. Bạn bè đứt liên lạc, đã biệt vô âm tín…



Chiếc taxi lăn bánh tới. Gã lặng lẽ gật đầu, sau mấy phút ngơ ngác ngó nghiêng như nuối tiếc rồi lơ đãng bước lên xe… Cái ghế bụi loang nổ, nhưng gã không để ý.
          Người lái taxi lên tiếng:
- Thưa!... Ông muốn đến đâu trước ạ!
- “42 Yết Kiêu!” Gã bật ra câu trả lời như khó chịu vì đã ngắt quãng dòng suy nghĩ đang tuôn tràn những kỉ niệm…  
- Dạ…!  xe chạy khoảng ba mươi phút là tới - Thưa ông…!

Gã ngẩn ngơ bước vào cổng trường, xung quanh như xa lạ... Ngày xưa ngôi trường lụp sụp, cỏ rác ngập sân, nhìn thông sang bên kia đường ra ga Hàng Cỏ, hôm nay nhà cao tầng kiến trúc đẹp bên hàng cây cổ thụ và những bức tượng nổi tiếng thế giới được sao chép hàng loạt sơn màu trắng muốt như  đá cẩm thạch…
Một tốp sinh viên trẻ măng khoác vai nhau, vô tư nói cười vui vẻ, gợi cho gã sống lại cái ngày xưa. Gã thầm cám ơn ngôi trường và các bạn bè ngày ấy đã giúp gã đủ nghị lực sống đến ngày nay…
Ngày ấy, gã là sinh viên giỏi, bài thi tốt nghiệp đạt điểm cao đến cơ quan xin việc, họ đọc lá đơn ghi nơi sinh vội gấp lại như gặp phải hủi, từ chối thẳng thừng, không giải thích… Gã đau đớn nhận ra sự phân biệt vùng miền nó sâu sắc ghê gớm. Gã đã biết nhiều người nói đến quê hương vội lảng sang chuyện khác, không dám nhận mình sinh ra nơi ấy mà chẳng hiểu sao mọi người xa lánh kì thị… Đã có lúc yếu lòng chảy nước mắt, gã ôm mặt tự hỏi: “Con người trên đời này ai có thể chọn được cha mẹ, chọn được quê hương…?”
Gã day dứt đến uất nghẹn, bị xỉ nhục vô lối, buồn tủi đến đau lòng. Phải ngậm đắng nuốt cay vì gã  cần việc làm lấy tiền nuôi vợ dại con thơ… Không còn cách nào khác, đã đến đường cùng, gã tìm đến miền đất Hứa…
 Đến được bên kia đại dương tưởng đã hết khổ cực. Đi xúc tuyết vã mồ hôi, tưới cây ngâm nước trắng bợt bàn tay, rồi rửa bát cho nhà hàng, tưởng thế đã hết nhục nhã. Nào ngờ ông chủ đòi mượn vợ gã đi du lịch dài ngày. Không còn đường nào khác gã đành nhận tí tiền để sống học lấy nghề lái xe taxi kiếm sống…
Những lúc ngồi chờ đón khách, gã tập viết, ôn luyện ngoại ngữ. Sẵn giấy bút trong tay, bản năng nghề nghiệp thức dậy, gã kí họa đôi giày rách nát nếu người khác đã vứt bỏ tư lâu. Gã vẽ những hàng cây hiếm hoi trước những tòa nhà trọc trời để lại chút bóng dâm quý giá. Gã dừng xe chỗ nào gặp cái gì vẽ cái ấy kín đặc quyển sổ bìa cứng. Ngày đầu gã còn tỉa tót từng chi tiết, sau gã phóng bút khái quát cả không gian rộng lớn với những lớp người nhiều tâm trạng khác nhau.
Nghề chở khách của gã cũng có nhiều thú vị, được đến những bãi biển xanh ngắt, bãi cát dài tắp tít vàng ươm và những người quá nghèo quần áo nằm phơi nắng như bị giời đày nghiêm khắc.
Gã vẽ phong cảnh, đặt những con người hợp lí trước hàng cây cùng bãi cát vàng ươm, gã cân nhắc bố cục chặt chẽ tự hài lòng và mỉm cười chua chát “ước gì ta cũng được tắm nắng như họ nhỉ” nhưng thật mai mỉa đó chỉ là mơ ước xa vời vợi.
Một ngày nọ, gã nhận lệnh chủ Hãng đánh xe tới đón đôi vợ chồng vị khách đến một Hotel nổi tiếng ở trung tâm thành phố. Gã dừng xe trước cổng đúng giờ. Gã nhanh nhẹn xuống xe mở cửa, mở cốp, giúp khách đặt hành lí cẩn thận, từ từ cho xe lăn bánh êm ro. Vào trung tâm thành phố người và xe càng đông kín đường, gã chưa đến vùng này nhiều nên lạc sang đường khác, lại đường khác nữa xe mới đến được nơi cần đến. Ông chồng vội vã xách cặp vào hội trường, bà vợ nhìn đồng hồ “công tơ mét” lúng túng mở ví đưa thêm mấy tờ bạc, gã vội vã xua tay rối rít: “Không! không! tôi chỉ lấy tiền đúng từ nơi xuất phát tới nơi đến. Chặng đường thêm là do tôi không thuộc đường nên bị kéo dài – cái này lỗi tại tôi, ông bà không phải trả thêm tiền…”
Bà khách suýt bật cười vì câu nói rối rắm lủng củng phát âm ngọng nghịu sai ngữ điệu, nhưng nét mặt và thái độ vô cùng chân thật. Bà nhận ra điều ấy và ngạc nhiên thấy trên cốp xe có cuốn sách bìa cứng dày đặc những kí họa. Bà khách nhìn sát khuôn mặt gã như cố tìm sự dối trá trong gan ruột.
- Những gì trong quyển sách này anh tự vẽ hay sao?
- Vâng – Thưa bà!
- Anh có thể dựng tác phẩm theo phác thảo này trong một tuần được chứ!
- Dạ ! thưa bà!
- Anh cầm tạm ngần này tiền - đủ ăn trong một tuần đấy. Và đến địa chỉ này (bà viêt vội vào một mảnh giấy) anh mua những gì cần thiêt để vẽ, đúng ngày mang tranh đến nhà tôi. Nếu tranh đạt yêu cầu tôi mua năm mươi ngàn đô. Nếu không đúng như loại tranh tôi đang sưu tầm, anh có thể mang về dùng bất cứ việc gì anh muốn – Tôi không đòi lại tiền - Thế là được chứ - Đây là card của tôi…
Mặt gã ngay thuỗn, tâm trí bàng hoàng như trong cơn mê. Nhưng xếp tiền Đô mới cứng này là có thật. Nhìn kĩ card ghi rõ mới biết tên bà là nhà sưu tầm tranh nổi tiếng mà hôm đó gã mới biết mặt.
Theo địa chỉ gã tìm đến tiệm bán dụng cụ vẽ: bảng pha màu đủ kiểu, bút vẽ và sơn dầu tuýt lớn nhãn hiệu Hà Lan, Pháp. Lần đầu tiên trong đời gã đến nơi sang trọng và đầy đủ họa phẩm cao cấp nhiều đến thế. Gã sướng run ôm một đống đồ về nhà bắt tay kẻ ô vuông dựng hình theo phác thảo, cân nhắc từng phân vuông. Từng nhân vật đứng ngồi xiên lệch được gã gắn bó khăng khít, có nhịp điệu như một bản nhạc…
Thật may mắn gã được các thầy đã học vẽ sơn dầu trường Mỹ thuật Đông Dương được người Pháp trực tiếp giảng dạy, các thầy đều có tác phẩm bày triển lãm ở Pari được đánh giá rất cao. Các thầy đã chỉ ra các kinh nghiệm: Muốn có màu đỏ tươi phải lót dưới màu vàng sáng; dưới các vòm lá cây màu xanh lạnh phải có màu nóng đệm dưới. Không thể gọi là cao nếu không có cái thấp bên cạnh. Không thể là sáng nếu không có màu sẫm bên cạnh. Vẽ đến cây phải thấy cành tỏa ra bốn hướng. Vẽ đá phải nhận ra được ba mặt. Trong mảng sẫm lớn phải cố gắng tìm ra mảng sáng trong đó và ngược lại.  
 Vải “toan” có sơn lót đúng tiêu chuẩn, có kìm chuyên dùng kéo căng lên “sắc si” phẳng lì như mặt trống. Bút vẽ các loại ngoan ngoãn theo ý gã vặn vẹo uốn lượn đặt đâu đúng đó. Màu sơn dầu hết ý, nó mịn như miếng phó mát, sắc độ tươi roi rói ngon lành như trái táo muốn cắn ngập răng.
Gã say mê vẽ quên ăn quên ngủ. Sơn dầu đã bôi kín mặt “toan” vẽ đúng như phác thảo mà gã vẫn chưa hài lòng…Gã ngắm mãi vẫn chưa phát hiện ra điều gì, chỉ biết nó chưa đẹp… Chợt nhớ đến lời thầy dặn, gã úp mặt tranh vào tường và tự nhiên lăn ra sàn lịm đi ngủ lúc nào không biết. Gọi là tường nhà nhưng thực ra nó là vách của tầng ầm chứa ô tô và đồ đạc cũ ẩm mốc bụi bặm, nơi cư trú của các loài sinh vật bẩn thỉu…
Khi tỉnh ngủ, nhìn đồng hồ, gã biết đã đến lúc phải ăn. Một lát bánh mì, một cốc sữa là đủ, gã đứng lên vươn chân vươn tay, chạy cao chân tại chỗ. Chỉ có thế, đang ở tuổi sung sức, gã thấy người nhẹ nhàng khoan khoái. Sau phút khởi động, gã chạy ra đường rồi dừng lại tiệm Café quen thuộc nhâm nhi, ngắm dòng người qua lại, những thiếu phụ gốc Phi dắt tay em nhỏ có những bộ trang phục rực rỡ như đi trẩy hội.
Gã mừng rơn, như nhặt được vàng mười dưới lòng đường. Gã chạy một mạch về nhà lật cái tranh quay ra ánh sáng, đặt những mảng màu tươi rói lên cái mảng màu đen đơn điệu, thấy hài lòng. Gã tự thưởng cho mình một lon bia rẻ tiền, khi bia đã ngấm vào não bốc lên mặt đỏ bừng, gã hối hận không thuê mẫu để vẽ chân dung từng nhân vật trong tranh thành con người có cá tính, cân đối và hoàn hảo. Hiện tại gã thấy những con người này ngô nghê làm sao ấy… gã lăn ra chỉnh sửa mà thấy bất lực …
Đến ngày nộp tranh, gã hồi hộp thực sự nghĩ đến bộ mặt “phớt Ăng Lê” lạnh lùng của nhà sưu tầm tranh lắc đầu thất vọng và bức tranh mang về che cửa sổ thông sang phòng chứa đồ cũ hôi rích. Gã lại quay lại nghề ngồi sau tay lái taxi hàng ngày, mong khách gọi chở đến nhà hàng dự tiệc và sốt ruột ngồi chờ trong bụng rỗng tuếch, khát khô cổ họng…
Nhưng thực tế ngược lại, nhà sưu tầm tranh đón gã từ cổng biêt thự, háo hức tháo cái nắp hộp giấy cứng bảo vệ và dán mắt vào nét vẽ, từng mảng màu…lùi ra xa ngắm nghía, lại tiến sát vào soi từng “ganh” bút…Chưa thấy nhà sưu tầm tranh nói gì, gã lúng búng trong miệng giải thích những địa danh, những thời điểm…và…
- Thưa bà thời gian gấp quá và chưa biết thuê mẫu vẽ ở đâu nên hình họa những nhân vật này có thể chưa chính xác lắm… Gã chân thành thừa nhận.
Lúc này nhà sưu tầm tranh mới ngẩng lên, nét mặt tươi như hoa:
- Nhân vật trong tranh dáng vụng về thế này mới hợp với không gian này. Nhìn chung tranh rất đẹp. Chúc mừng anh đã thành công.
Một câu nói, một nhận xét như sắt đá, làm gã bàng hoàng như bay bổng lên mây xanh, tưởng như không tin vào tai mình nữa…
Một cái bắt tay ấm áp, một thủ tục nhận tiền trao tranh đơn giản. Và một hợp đồng dài ngày bán tranh thường xuyên với giá tiền tính bằng diện tích chính xác từng “xăng ti” mét; với gã đó là chuyện nhỏ; nhưng nhà sưu tầm nhiều kinh nghiệm thì không thể bỏ qua.
Một năm sau gã đủ tiền mua căn hộ khá sang trọng nơi yên tĩnh rất hợp để gã vẽ tranh…Năm sau nữa, nhà sưu tầm tranh bày triển lãm mang tên gã – Một phòng tranh đồ sộ và gây nhiều ấn tượng đẹp với người yêu nghệ thuật trên đất nước hợp chủng quốc, đa sắc tộc…Nơi nhiều trường phái hội họa con người tự do lựa chọn. Tên tuổi gã được báo chí đưa lên trang trọng, như một phát hiện mới, số tranh bày bán được gần hết, giá đắt gấp vài ba lần, gã cũng được chia phần trong lợi nhuận ấy…
          Cũng thời gian này, gã nhận được tin người vợ đã bỏ đi với ông chủ cửa tiệm, nay bị ung thư đang hấp hối ở bệnh viện thành phố gần đó. Vợ gã chảy tràn nước mắt ân hận nói rất nhiều gã chẳng nhớ gì, gã chỉ nghe rõ câu: “Anh hãy cố gắng nuôi lấy con của chúng minh…!”
          Gã không biết nên buồn hay vui phải làm thủ tục tang lễ cho người vợ, đưa đứa con bao nhiêu năm xa nhớ nay xin về trường cùng thành phố được học tiếp chương trình. Bây giờ gã mới thấy cuộc đời tươi đẹp. Nhà thì thừa rộng, chỉ tốn thêm ít tiền cho bà giúp việc nấu ăn hàng ngày… Có thêm đứa con chăm ngoan học giỏi biết thương yêu mẹ cha. Cảnh cha dượng “khác máu tanh lòng”, hắt hủi khinh miệt kì thị người không cùng màu da, khác phong tục tập quán. Việc đó đã để lại lỗi đau suốt tuổi thơ trong sáng mà con gã chịu đựng.
          Có lẽ thừa hưởng gien nghệ thuật của gã, đứa con học “Lý luận phê bình Mĩ thuật" đã tốt nghiệp đại học nay đang học lên cao hơn và cuối năm nay làm bài tốt nghiệp ra trường với đề tài nghiên cứu: “Tranh, tượng Mĩ thuật Châu Á” tủ sách nhà trường khá đồ sộ đó là tài liệu khô cứng có phần thiên lệch – Khi rời xa quê con gã còn quá nhỏ, nay gã phải có trách nhiệm hướng con gã nhìn đúng hướng để khai thác lấy lại chỗ đứng nền Mĩ thuật nước nhà.

Gã về tổ quốc lần này chủ yếu tìm đến các thầy giáo cũ, tìm tư liệu, nhưng muộn quá, các cụ đã về với tiên tổ…
Gã về quê, tìm đến bạn cũ học xong lòng đầy nhiệt huyết, đổ hết tài năng công sức vào làm việc sáng tác nhiều “logo” tạo nhiều mẫu đồ gốm độc đáo, vài tháng sau đã có người bắt chước bán la liệt vỉa hè, đành bỏ nghề, học kinh doanh buôn bán nhà đất, gặp thị trường sốt nóng sốt lạnh. Thế là Ngân hàng đến thu hết không còn mảnh đất cắm dùi, vợ chồng dắt con tới cổng Nghĩa Địa để ở, đào và lấp mộ thuê cho con cháu có ông bà quy tiên, đục khắc tên tuổi lên bia mộ, có đại gia thuê khắc chân dung khỏi nhầm lẫn với người khác, việc này quá đơn giản với anh họa sĩ vững hình họa. Công việc cuối năm càng bận rộn, xác chết chôn ba năm đào lên rửa sạch xếp vào tiểu sành. Nhiều người ghê sợ không ai dám làm, vì cần tiền cho con ăn học, gã nhận làm tất. Anh ta còn khôi hài với bạn bè. Kể chuyện họa sĩ bậc thầy thời phục hưng nước Ý muốn làm việc này cũng không được… nay anh ta đã thuộc lòng từng đốt ngón chân ngón tay. Đứa con học dở dang mỹ thuật cũng theo nghề bố: Đục đá chân dung cho người chết chỉ còn bức hình nhỏ như bao diêm. Thế mà ráo mồ hôi hết tiền!  
Gã nuối tiếc những con người tài năng chưa có cơ hội tỏa sáng, như viên ngọc vùi sâu dưới lòng đất.
Gã mệt mỏi thất vọng chưa biết làm gì, lang thang đến cái ngõ rộng, gặp một quán phở, gọi một bát, một em nhỏ đưa ra một đĩa hành tây, gã ngơ ngác nhìn xung quanh, thấy mọi người trộn dấm, tỏi, ớt, cà chua, từng lọ để sẵn trên bàn… gã cũng làm theo thành món gia vị ngon lạ đặc biệt, nhâm nhi với lon bia “Heineken”; một bát phở bưng ra nước dùng trong veo nếm vào nóng bỏng môi, hạt tiêu bắc rắc lên ăn vào cay tê lưỡi. Gã hiểu đây là món ăn bình dân cho mọi người xưa nay nhưng với gã sao nó ngon lạ lùng hơn hẵn món ăn đắt tiền của khách sạn Năm Sao bên kia bán cầu… Gã tự nhiên thấy trong người sảng khoái ấm áp lạ thường. Gã đặt tay lên ngực áo, chiếc máy ảnh du lịch đời mới mỏng dính có ống kính “têlê” ngoài, chụp ảnh ngoài xa và cận cảnh cực nét, rất thuận lợi ghi chép lấy tài liệu nghiên cứu…
 Gã như bật người đứng dậy giơ tay vẫy vẫy, chiếc taxi dừng lại, gã giật cửa nhảy lên xe thật điệu nghệ, hối hả:
- Đến làng Thổ Hà – Đường Lâm…
Gã phải tự đi tìm các tài liệu để chứng minh, nói với con gã trong những buổi tranh luận sôi nổi. Gã còn đến chùa Dâu, Chùa Bút Tháp… Về Vĩnh Bảo đến làng Rối nước Bảo Hà thu thập tài liệu về giúp con gã làm bài tốt nghiệp ra trường điểm cao, nhìn nhận ra nền văn hóa nước nhà chính xác và đầy đủ.        
          Đương nhiên gã phải đăng kí lùi lại ngày bay khứ hồi trở về nơi xuất phát.
                                                                   LBH




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét