CHIẾN
TRANH PHÁ HOẠI,
BỎ CHUYỆN VỀ
QUÊ
Học xong, thoát khỏi mức lương khởi điểm,
tôi làm đơn xin chuyển về quê. Cán bộ phòng Tổ Chức giải thích: “Anh quên là
trong hồ sơ xin học đã có bản cam đoan “Xin phục vụ nhà nước năm năm và sẵn
sàng nhận nhiệm vụ đi bất cứ nơi nào…” đó sao?” Đúng là mọi mẫu đơn đều có đoạn
chữ như thế sau cùng. Ngày đó đọc thoáng qua thấy bình thường, không ngờ đó là
sợi dây buộc chặt vận mệnh của mình với vùng đất xa lạ này…
Có lẽ tôi luôn nghĩ đến về quê nên lúc nào
cái mặt cũng ngây ngô như mất hồn, cũng
là hậu quả nhiều đêm mất ngủ, đoàn tàu rầm rầm lăn bánh rít còi vọng vào vách
núi dội ra Bến Cảng, gần như đêm nào cũng lặp lại…
Mới năm năm mà tôi thấy dài đằng đẳng, lúc nào cũng nghĩ đến chuyện về
quê. Nước máy khan hiếm, chia nhau từng gầu nhỏ, tôi nhớ ngay đến nước Suối
Rồng từ trong núi đá chảy ra mát lạnh ngọt lịm, chảy tràn trề suốt ngày đêm. Đi
đường làng lồi lõm bước chân trâu trơn đổ mỡ, tôi nhớ ngay đến đường đất cát
phẳng lì, hết cơn mưa là khô ráo…
Nhà ăn tập thể chỉ rau muống, thịt mỡ, đậu
phụ… hôm nay lại có loại cá lạ nấu riêu, cái dạ dày đã quên hẳn vị tanh nên
nhiều người ăn xong bụng quặn đau và đua nhau vào nhà vệ sinh “rèn rẹt”, rồi bơ
phờ kéo lê từng bước về giường nằm, tôi cũng không thoát khỏi căn bệnh ấy nhưng
nhẹ hơn nhiều. Phòng Y Tế cho nhân viên mang thuốc và nước đến từng giường
bệnh. Nhiều anh tham ăn, bụng không tiêu được, người rũ xuống như lá dưa. Tôi
được dịp ôm bụng nhăn nhó lăn đi lăn lại trên giường, làm mấy cô y tá hốt hoảng
tưởng biến chứng nào mới xuất hiện. Hỏi cái gì tôi cũng gật gật lắc lắc loạn
xạ, sẵn cái dáng người gầy như xe điếu, luôn nghĩ đến mọi chuyện, đôi mắt đờ
đẫn như cá ươn. Cũng như bệnh nhân nặng, tôi được khám bệnh phát thuốc được
nghỉ làm việc ba ngày. Ba ngày này đối
với tôi là một kỉ nguyên mới, tôi phát hiện ra bao nhiêu điều mới lạ xung
quanh: Mấy gia đình công nhân ở xen kẽ với khu tập thể và cuộc sống những con
người như trong cuốn tiểu thuyết nước ngoài mới mượn được của một nữ sinh...
Bệnh viêm họng, di chứng của bụi than là
bệnh của mọi người chỉ có khác là nặng nhẹ khác nhau, tôi đã phải cắt Amiđan
mất máu khá nhiều, đến giờ lại viêm họng hạt mãn tính lúc nào cũng có thể húng
hắng ho và khạc nhổ…
Thấy thân hình còm nhom, khuôn mặt phờ
phạc, mọi người khuyên tôi đi khám bệnh không khéo lại suy nhược thần kinh. Mà
đúng là suy nhược thần kinh thật, đó là thứ bệnh mà y học chưa có thuốc đặc trị, bác sĩ đành kê đơn
mấy viên thuốc giảm đau, mấy viên B1 và C cùng lời dặn: “Trước khi đi ngủ gội
đầu bằng nước ấm”. Nhưng đó chỉ là lời khuyên, ở nhà tập thể làm gì có nước
nóng mà gội.
Một tuần uống hết thuốc tôi lại đến bệnh
viện xếp giấy giới thiệu ngồi chờ gọi đến tên mình vào khám. Nơi này nồng nặc
mùi thuốc, nhưng tôi thấy dễ chịu hơn nhiều khi bước chân vào nhà máy. Dù ngồi
chờ khám bệnh, xung quanh đầy những người vật vờ mặt ủng da vàng như cùng một
thứ bệnh…
Một người chắc là công nhân Mỏ ở xa, hớt hải chạy vào đặt giấy khám bệnh, bàn tay
chai sần cầm cả tập giấy thận trọng như nhẩm đếm số giấy đã đặt trước rồi ngơ
ngác tìm chỗ ngồi chờ. Theo bản năng, tôi nép vào một bên ghế băng để thừa ra
một chỗ gật đầu mời người mới đến cùng ngồi. Tôi bắt chuyện thì ra cùng hoàn
cảnh, ông bạn vong niên hơn tôi gần chục tuổi mà trông như ông cụ, mấy năm nay
đánh song đánh ngang mới được quyển sổ Y Bạ dầy cộm với những bệnh hiện nay y
học bất lực, nhờ thế mới xin về quê được dễ dàng, hôm nay là lần khám cuối… Tôi
như gặp được bạn cố tri, học được cách trả lời bác sĩ như thế nào sẽ được thuốc
tốt nhất và được nghỉ làm việc dài ngày nhất…
- Chồng giấy khám cao thế này còn lâu mới
đến lần mình!
Anh bạn nói thầm thì rồi kéo tôi ra sân
hóng gió, tỏ ra đầy kinh nghiệm nơi khám bệnh này. Anh lật qua mấy trang sổ Y
Bạ, đảo mắt nhìn xung quanh không thấy ai
để ý, anh nói nhỏ vào tai tôi: “Phải đi uống ngay mấy cốc cà phê, để huyết áp
tăng lên mới đúng bệnh và hợp lí”. Tôi nhanh chóng thực hiện ngay điều chỉ dẫn,
chỉ mấy bước chân ra cổng bệnh viện là được như ý muốn.
Cô y tá giúp việc bác sĩ lần lượt gọi từng
người vào khám đông như chợ cũng dần dần vợi người. Vì chờ đợi và mấy cốc cà
phê đã làm tôi nôn nao choáng váng, thấy cái gì trước mặt cũng khó chịu chỉ
muốn hất tung tất cả lên mới hả bực…Chờ mãi tôi cũng được gọi vào, mắt ngơ ngơ,
ngác ngác nhìn lên tận trần nhà mặt ngẩn ngơ, bác sĩ phải nói lần thứ hai chỉ
cái ghế tôi mới lập cập ngồi xuống, hai bàn tay run lên như sốt rét. Bác sĩ đo
huyết áp, hai mắt tròn ra kinh ngạc, hai bàn tay cũng run rẩy, làm cái gì, nói
cái gì tôi cũng lúng búng trong mồm rồi gật đầu. Một lúc lâu, bác sĩ viết liến
láu lia lịa vào sổ y bạ và đơn thuốc. Tôi cầm đơn thuốc nhìn trừng trừng mà
chẳng đọc được chữ gì.
Ông bạn vong niên nhìn qua đã thấy điều
tốt đẹp: Được nghỉ làm việc bảy ngày; Thuốc bổ thông thường B1; sinh tố C lại
có cả Philatốp uống, loại chỉ dành cho người mới ốm dậy. Điều quý nhất với tôi
lúc này là được nghỉ làm việc bảy ngày,
Với tôi cái nói dối lại có giá trị đến
thế. Trước đó nhiều lần tôi ốm thực sự nói chẳng ai tin. Nhưng lần này tôi giả
vờ bác sĩ lại cho là thực.
Tôi cố giấu nụ cười bước ra khỏi bệnh
viện, lòng háo hức chưa biết sẽ dùng bảy ngày nhàn rỗi kia vào việc gì.
Về đến khu tập thể vắng lặng, tôi lăn lên
giường ngủ li bì, không có đám thợ nghỉ trưa, có lẽ không biết giờ ăn cơm. Ăn
xong tôi lại lên giường ngủ nhưng chỉ được một giờ mọi người dậy đi làm tôi
cũng không sao nhấm mắt được. Nằm lăn từ đầu giường này đến đầu giường kia mãi
cũng chán, tôi chợt nhớ quyển sách: Thời thơ ấu; Kiếm sống; đến cuốn:Những trường
đại học của tôi… cứ như thế, tôi nghiến ngấu đến truyện ngắn Sekhop; đến Bông
Hồng Vàng của Pautopki. Nhưng tôi tâm đắc nhất: Những mẩu chuyện nước Ý và hàng
loạt truyện ngắn của, Maxim Gocki. Tôi cũng ao ước được tự do đi khắp đất nước
làm thuê và viết truyện.
Bảy ngày nghỉ ốm qua đi nhanh chóng, tôi
chẳng ốm thêm cũng chẳng khỏe ra, nhưng tinh thần phấn chấn như có người hứa
cho một kho vàng.
Tôi đã học được cách nói dối, đánh lừa
được bác sĩ đưa vào danh sách bệnh nhân có bệnh mãn tính.
Mùa hè nóng bức, khoa thần kinh bệnh viện
càng nhiều người đến khám, ba giờ chiều tập giấy giới thiệu xếp “nốt” vẫn còn
dày. Tôi thư thái đặt giấy theo thứ tự rồi ra ghế đá ngoài sân rút quyển sách
đọc dở tiếp tục nghiền ngẫm.Thoát khỏi không khí bệnh tật nóng nực, dưới lùm
cây xanh lá người tôi khoan khoái như hết bệnh, nghe lảnh lót trên cành cao
tiếng chim hót véo von trong yên ắng...
Bỗng có tiếng rít ầm ầm như xe ben đổ đá mà
kéo dài mãi…một lúc sau lại có tiếng như thế nữa và lác đác tiếng súng máy,
súng trường, súng cao xạ. Trên nền trời xanh ngắt nổi bật chiếc máy bay hình vỉ
ruồi kéo theo vệt khói dài trắng toát…cùng với cụm khói đạn cao xạ từ tàu hải
quân bắn lên nổ nụp bụp trên không.
Có ai đó hét lên: “Máy bay Mỹ bắn phá
đấy!”
Mọi người hốt hoảng chạy tán loạn để lại
sân bệnh viện trống rỗng, tôi thấy dửng dưng thanh thản như chuyện ấy của thiên
hạ. Tôi bước vào phòng khám, mọi người đã cầm hết giấy giới thiệu tản mát đi
đâu hết, tôi cầm giấy của mình vào phòng bác sĩ đang lập cập thu dọn giấy tờ,
ngẩng lên gặp bệnh nhân quen thuộc, vội viết lia lịa vào sổ y bạ và đơn thuốc
rồi phẩy tay xua tôi ra ngoài để giữ lại bình tĩnh.
Đến tối đài truyền thanh thị xã đưa tin đã
bắn hạ một máy bay phản lực và bắt sống phi công Anpharet đó là máy bay của hạm
đội 7 Hoa kỳ vào bắn phá tàu hải quân trả đũa việc đụng độ với tàu Madoc ngoài
vịnh Bắc Bộ. Mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc kéo dài mười năm.
Đó
là ngày 5 tháng 8 năm 1965.
Cuộc khám bệnh lần ấy, đối với tôi đó là
một bước ngoặt, được mấy ngày nằm dài ở nhà đọc sách không phải làm những công
việc nhàm chán, trong không khí ngột ngạt.
Thật bất ngờ mọi việc đã hành xử như thời
chiến. Thế là chiến tranh đã hiện diện, thợ không phải đến xưởng làm việc mà
vào rừng sâu đào hầm trú ẩn và chuyển những cổ máy nặng nề vào đó để tiếp tục
làm việc, công việc hối hả bề bộn, cán bộ không còn ngồi ở văn phòng, tôi đến
mấy lần mà chẳng gặp ai để nộp đơn xin chuyển về quê như dự định.
Tôi thăm dò ở quê, xí nghiệp nào cung lo
sơ tán bảo vệ máy móc, chẳng nơi nào nghĩ đến nhận thêm người.
Tôi cũng như mọi người chán nản ngồi đánh
cờ, đánh “phỏm” để giết thời gian, cho một ngày qua đi nhanh chóng. Tiếc thời
gian , tôi lôi sách ra học, một tuần vài tối cũng đủ thời gian ham mê bổ xung
kiến thức, lại được người thầy tận tâm hết lòng, chính là cô giáo đã dạy tôi ở
trường Mỏ, nay đã chuyển về nhà máy nhận chức trưởng phòng Kỹ thuât và dạy học
buổi tối.
Những bảng thập phân, hình học, tang cốt,
sin, cô sin… mở ra điều kì lạ mà xưa nay tôi chỉ biết lơ mơ.
Sau buổi học về khu tập thể đều qua cửa
hàng Bách hóa Tổng hợp, nơi đông vui bậc nhất có nhiều thứ quần áo đẹp, vải
tốt. Những cô nhân viên không son phấn đã đẹp như nàng tiên. Tôi ngạc nhiên
thấy cô bán vải, mỗi người mua lại phải làm một phép toán nhân lượng vải với
đơn giá vải rồi gạch chéo thử lại cẩn thận, người tiếp theo cũng gần giống như
thế.
Tôi chăm chú nhìn cách bán vải, về nhà lập
ra bảng có hàng ngang, chia cột: 1 mét; 1,1 mét; 1,2 mét; 1,3 mét; cho tới 5,
mét… (đó là quy định lượng vải một người được mua). Hàng thẳng đứng ghi giá tiền: 10 đồng; 10,1
đồng; 10,2 đồng, 10,3 đồng; … v.v. (cho tới thứ vải giá cao nhất)
Ai mua vải, giá bao nhiêu, đặt thước dóng thẳng
lên số lượng vải định mua sẽ là số tiền phải trả… (cả phòng kế toán mới có một
máy tính quay tay, chỉ còn làm được phép tính cộng trừ hỏng hóc thường xuyên.
Loại máy tính điện tử Asia còn lâu mới mơ
thấy).
Sáng kiến này giúp ích rất hiệu quả, cô
nhân viên bán vải được khen thưởng và báo cáo thành tích điển hình.
Tôi
may mắn lọt vào mắt xanh nhân viên bán hàng, chính là cô học sinh đã cho mượn những
cuốn tiểu thuyết đã đọc khi buồn tẻ. Không bao lâu chúng tôi tổ chức đám cưới
“Báo Hỉ” trong phạm vi hẹp. Ngay trong buổi tổ chức phải ra hầm trú ẩn vài lần
vì báo động.
Dự định về quê, chuẩn bị
công phu mấy năm liền bỗng nhiên tan ra mây khói! È cổ mang trách nhiệm gánh
nặng vợ con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét