3 thg 6, 2017

CHAY TRỐN BOM ĐẠN

                             8 - SƠ TÁN

                 Lê Bá Hạnh
 Cả thành phố trước kia đông đúc chật chội thế,  nay đã sơ tán, bỏ chạy hết…Cán bộ tìm hang sâu ẩn nấp, dân cũng tản đi tứ phương. Nhà máy đã chuyển hết vào rừng, một vài thiết bị đã hoạt động cầm chừng vì thiếu các đồ gá, các dụng cụ chuyên dùng
Có lẽ chẳng ai muốn quay lại thành phố không còn viên gạch nguyên vẹn này mà mấy thằng ngang bướng chúng tôi được đặc trách quay về nhà máy đào bới trong đống gạch vụn tìm những thứ cần thiết ấy.






  Ngày đầu chúng tôi chứng kiến những trận bom bay tung hết mái tôn nhà xưởng, những xác người cháy đen thui lột hết quần áo đang mặc, nghĩ cũng run sợ, sau quen dần khi nắm được quy luật của mỗi trận bom đổ xuống. Chúng tôi về hầm trú trước khi máy bay tới. Khi tan hết bụi khói, chúng tôi lại được vài giờ tìm kiếm rau xanh, nấu cơm ăn và tắm giặt… Tôi lại thấy thoải mái hơn những ngày chui rúc trong rừng ẩm thấp và phải đi làm ở nhà máy ồn ào hồi trước.
  Xưa nay tôi chưa biết làm một việc nhỏ trong nhà: Ngày đi học, các chị tranh nhau quét sân, nấu cơm rửa bát, mấy chị gái để em trai vào bếp có mà mặt mo; khi lớn đi làm đã báo cơm ăn tập thể cái bát không phải rửa; có gia đình, vợ lại cầu kì chỉ vừa ý khi chính tay mình nấu nướng… Có lẽ bàn tay “chiêu” lóng ngóng của tôi đã làm ngứa mắt mọi người… Bây giờ vợ con phải theo cơ quan đi sơ tán. Tôi phải sống tự lập,  sau vài lần chậm chân chịu đói bụng, tự rút kinh nghiệm, tôi trở thành anh nấu ăn cho mình khá hoàn hảo: Chọn một hõm đá chất củi đốt cháy ầm ầm, gác chiếc cặp lồng nhôm ngang qua chỉ một lúc gạo sôi ùng ục, đặt ngăn thức ăn chỉ có thìa mắm tôm, quả cà chua và một tí mỡ lợn, tất cả chỉ mươi phút là chín, ăn chỉ  năm phút là xong. Chỉ ăn xong mới biết ngày đó được no, vì  nhiều lần trông thấy bát cơm nhưng bom đạn đã đè lấp.Giữa cái no và đói, cái sống chết đã bắt tôi tháo vát như vậy, bây giờ bắt thao tác lại  làm được chắc cũng khó…
Sau những bữa cơm chiều, không gian yên tĩnh đến lạ lùng, chắc tụi giặc lái ngoài hạm đội Bẩy giờ này cũng ngồi vào bàn tiệc hay khiêu vũ hoặc ngâm mình trong bồn tắm. Chúng tôi kéo nhau ra ngoài hang trú ẩn đi dạo trên con đường ngổn ngang gạch ngói, sắt thép và than gio… vượt bức tường rào đổ nát qua (dẫy nhà Tây) khu biêt thự xây từ thời vua Nguyễn bán cả khu mỏ này cho người Pháp. Ông Chủ Nhất Chủ Nhì đã xây lên, ngày nay là tư gia của lãnh đạo hàng Tỉnh, mái ngói xô, trần sụt, cửa bật tung khỏi bản lề; của quý hiếm chắc không ai dư thừa để lại, chỉ trỏng trơ mấy bộ sa lông rách vải, cái tủ quần áo trống không, nhưng tủ kính đựng sách còn nguyên vẹn. Ngăn Lý luận Chính trị còn chặt cứng, ngăn Văn học trong nước và nước ngoài - đã ngấm nước mưa bìa quyển này dính chặt vào quyển khác, tôi mừng sáng mắt lên khi tìm được mấy cuốn tiểu thuyết chưa đọc vẫn nằm trong đó; mấy ông bạn chẳng ham hố lắm cũng ôm về một tập để đầu giường thay gối. Hồi mới vào học chúng tôi đã tổ chức ăn cắp sách ở thư viện, vì quyển sách hay đến mượn đều được trả lời: hết; mà mắt vẫn còn nhìn thấy trên giá sách. Chúng tôi tự bào chữa: “Ăn cắp sách không xấu – có ngu mới không biết giữ sách – Sách hay mà mang trả lại ngu hơn – Ngôi nhà nằm trên đường chúng tôi đi và về nên tiện đường lại ghé qua, có anh tìm được cuốn Từ Điển tiếng Nga in trên giấy mỏng y như giấy cuộn thuốc lá, một thứ kham hiếm bậc nhất thời đó.      
Ngôi biệt thự nằm ngay trên sườn núi, phòng có tủ sách nhìn thẳng ra Vịnh Hạ Long thơ mộng, dù mọi thứ đã  tan hoang, nhưng sao quyến rũ đến lạ lùng, có lẽ cái bức tường dày chắn nắng, cái hành lang rộng và nền lát gạch hoa đẹp cầu kì bóng nhoáng; Chúng tôi chỉ dọn sạch vài mét vuông để ngồi nghỉ hóng gió đã thấy đã thấy dễ chịu.
Cứ như thế này mà không có bom đạn thì sướng biết bao. Tưởng như ngôi biệt thự này là quyền sở hữu của riêng mình.
Chúng tôi ai cũng có mấy miếng ván kê trong hang để ngủ, người nọ đạp lên đầu người kia vì chật chội, bây giờ mỗi ngày lại ôm về một đống sách, sau một trận mưa chúng tôi lại bê sách ra ngoài hang phơi nắng, vuốt lại những tờ quăn góc, xoa sạch những cát bụi, dán lại gáy từng quyển đã bị ngấm nước bung hết tờ bìa. Đôi lúc vất vả lắm mới tìm được đúng cái bìa của nó, dựng hàng loạt quyển sách ngắm nghía say mê và chợt thấy mình may mắn trở thành giàu sang khi sở hữu một khối lượng sách mà xưa nay chưa bao giờ dám nghĩ đến…
Hàng ngày quay lại nhà máy đào móc những dụng cụ cần thiết, tôi luôn để mắt tìm những tấm ván đóng hòm chứa sách, gom những dây điện, dây kẽm để chằng buộc; anh bạn bên cạnh lại tìm dây thép nhỏ trong lõi dây điện thoại uốn làm lưỡi câu tôm, ngắm nhìn thời tiết rồi nói nhỏ vào tai tôi: “Biển ngày này nhiều tôm lắm, câu tôm rất dễ, chiều về tôi dạy!”
Buổi chiều ấy, anh bạn kéo tôi xuống biển đi nhẹ nhàng dò từng bước thật yên tĩnh, nước trong xanh mắt nhìn suốt tận đáy, nhìn rõ chân mình và những viên gạch đỏ đã tròn nhẵn như viên đá cuội, nhìn kĩ sẽ thấy con tôm có mắt dài sáng long lanh, đưa nhẹ nhàng lựa lưỡi câu vào con mắt ấy nhấc lên cho vào túi vải đã chuẩn bị. Lúc đầu bỡ ngỡ bước bì bõm tôm chạy hết, sau phải học từng bước đi, cách lựa đưa lưỡi câu rồi từ từ nhấc lên, chỉ mất mấy con tôm đầu tiên may mắn chạy thoát, sau cứ đều đặn như đếm. Chẳng mấy chốc chúng tôi mỗi người được một túi đầy. Chỗ tôm này ra chợ một ngày lương không mua được. Tôi kinh ngạc, thấy anh bạn vuốt thẳng con tôm cho ráo nước, tay cầm đầu tôm đưa cả phần đuôi còn ngoe ngẩy cho vào mồm nhai ngấu nghiến rồi chậm rãi dần như kéo dài cái giây phút kì lạ ấy đến khi trên tay chỉ còn lại ít râu tôm, cái gai nhọn và đôi mắt. Tôi tròn mắt kinh ngạc nhìn theo… Thấy không ngộ độc chết người, lại thấy hao háo như khát nước, tôi cũng bắt chước, lần đầu tiên trong đời được nếm vị ngậy béo mát lạnh của con tôm còn sống đang dẫy đành đạch. Nó càng ngon vì trong người chúng tôi đã từ lâu thiếu chất hải sản tươi sống này.
Dù nó ở ngay trước mặt hàng ngày vẫn không nhận thấy.
Bữa chiều ấy chúng tôi như có đại tiệc: Tôm kho một nồi đầy để ăn dần, một ít băm nhỏ nấu canh với mấy quả mướp hương, một bạn đã túm giật cả giàn mang về, một anh lớn tuổi gọt quả mướp tiếc rẻ:
- Quả mướp đang lớn này để dành tuần sau hãy ăn thì tốt!
- Liệu có sống được qua ngày mai không mà để dành! Ông nên nhớ, tôi vơ quáng quàng chạy kịp về đây là may mắn đấy, chậm chân một tí xác đã tung lên giàn mướp rồi!
Tình cảnh ấy đã có nhiều, biết nguy hiểm nhưng vẫn phải làm, gần như đánh cược, năm ăn năm thua với bom đạn. Đi làm về ai cũng tự giác tìm thêm rau xanh nấu nồi canh để mọi người ăn chung, ai kiếm được rau gì ăn rau đấy. Từng người đều phải tự lo cho mình món ăn khô, người cá ướp, cá khô, người mắm tép mắm tôm… tùy theo từng nhà, gạo cũng vậy, mỗi người một túi, ai cũng vui vẻ chấp nhận như đã quá quen ăn độn mì nhiều hơn gạo, nếu bắt ăn gạo trắng không chắc sẽ chê là nhạt nhẽo không  ngon. Cái thói quen của con người cũng tạo thành cố tật đến kì dị.
Sau bữa ăn rất ngon có những con tôm chính mình kiếm được, nhìn đống sách đồ sộ xếp ngay ngắn trên giường, tôi thấy mình đã giàu sang hơn hết, đống sách này trước kia tôi chưa bao giờ nghĩ đến, chỉ dám đi qua cửa hàng sách ngắm mê mải, hai ba tháng cộng lại mới đủ tiền mua một cuốn mỏng, trước đó đọc lướt được vài cuốn cho đỡ thèm, vài tháng nữa mới mua được.
 Bây giờ đã sở hữu một đống sách đồ sộ, tôi có thể ra bờ biển hét to lên: “Ta đã giàu lắm rồi!”.
Tiếng ai đó: “Sống mãi thế này có khi dễ chịu, bây giờ nghĩ đến bước vào xưởng làm việc lại chán”
Chiến tranh phá hoại kết thúc, chiến tranh biên giới đi qua, đất nước bị cấm vận, xóa bỏ chế độ tem phiếu bao cấp, cơ quan Thành Ủy cũng có phòng kinh tế để lo lương cho lãnh đạo. Công nhân về chế độ “một cục” đủ tiền mua được cái xe xích lô chuyên chở thuê hàng hóa…
Cũng may tôi có được đống sách chiến lợi phẩm, ăn cắp  của Thư viện và mua gom chục năm trời được một giá sách đầy đặn, mở cửa hàng: “Cho thuê truyện – Bán sách báo” cứu đói cho cả nhà.  
Không phải theo bạn dựng xích lô chở thuê hàng hóa. Học lại từ đầu mánh khóe lừa lọc gian dối và đao búa (Nghề này không thế không được) Theo nghề đó có lẽ tôi đã nát xương lâu rồi…
LBH     


  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét